THÔNG TIN HỮU ÍCH
Mù Cang Chải là một huyện vùng cao của tỉnh Yên Bái, nằm cách Hà Nội khoảng 280km nơi vốn nổi tiếng với Danh thắng Ruộng bậc thang, mỗi mùa lúa chín nơi đây đón tiếp hàng nghìn khách từ khắp các miền tổ quốc về thăm.
Du khách sành sỏi thường đến với Mù Cang Chải vào 2 dịp trong năm đó là “Mùa lúa chín” và “Mùa nước đổ”.
-
Mùa lúa chín là khoảng giữa tháng 9 đến giữa tháng 10, lúc này toàn bộ Mù Cang Chải sẽ vàng rực một màu lúa, thời tiết đẹp, thuận lợi để đến thăm nơi đây

Người phụ nữ người Mông đang đập lúa bên cánh đồng chín vàng
Mùa nước đổ là khoảng tháng 5-6, khi những cơn mưa mùa hè bắt đầu trút nước xuống những ngọn núi thì nước được dẫn từ trên núi vào các ruộng bậc thang. Nước tràn vào các thửa ruộng làm cho đất khô cằn trở nên mềm hơn và nở ra giúp bà con có thể cấy lúa. Đây cũng là thời điểm bà con bắt đầu xuống đồng cày cấy chuẩn bị cho một vụ mùa mới. Chính vì thế ở các ruộng bậc thang miền núi phía Bắc, lúa chỉ có thể trồng được một vụ. Những bậc thang loang loáng nước trong nắng chiều tạo nên một vẻ đẹp khiến cho bao du khách phải ngỡ ngàng.

Một cánh đồng ruộng bậc thang mùa nước đổ

Cận cảnh một thửa ruộng được xả nước vào mùa cấy
Mù Cang Chải nổi tiếng với cái khúc cua và cung đường uấn lượn, vẻ hùng vĩ, hoang sơ của những ngôi nhà ẩn hiện trong cái bao la của đất trời, nét thơ mộng, thanh bình của những ngôi nhà được bao bọc bởi những cánh đồng. Song nổi bật nhất là vẻ đẹp biến thiên của những ruộng bậc thang, khi xuất hiện như những vệt loang ấn tượng mùa nước đổ, khi xanh ngát nối thẳng vào màu thăm thẳm của bầu trời như “nấc thang lên thiên đường”, khi nhuộm sắc vàng bao la của lúa.

Những thửa ruộng bậc thang mải miết như những nấc thang lên tận thiên đường

Thửa ruộng bạc thang chạy vòng quanh một quả đồi

Một thửa ruộng bậc thang đang chín từng phần

Cánh đồng ruộng bậc thang là thành quả lao động nhiều đời người dân nơi đây
Đường qua La Pán Tẩn và Chế Cu Nha, hai xã có những thửa ruộng đẹp nhất Mù Cang Chải, chẳng ai có thể đi qua ngay mà không dừng lại ngắm nhìn những kiệt tác của người H’Mông đang rực rỡ chờ ngày thu hoạch. Những cô cậu bé chăn trâu sát đường quốc lộ, đùa nghịch bên những hàng rào. Xa xa, vài chiếc lán được dựng để canh lúa, hình ảnh những chàng trai, cô gái Hr mông nhấp nhô trên thung lũng lúa vàng. Mảnh đất Yên Bái với những tầng đất dễ dàng sụt lở lại có những ruộng bậc thang vững chắc và tuyệt đẹp làm sao!
ĐẶC SẢN MÙ CANG CHẢI:
- Xôi nếp nương Tú Lệ
Nếp Tú Lệ là một sản vật rất nổi tiếng từ xa xưa, nó được cấy trồng từ cánh đồng Mường Lò thuộc tỉnh Yên Bái. Xôi nếp nương được bán dọc đường rất nhiều, du khách có thể dễ dàng có được một nắm xôi nghi ngút khói chấm với muối vừng, giản dị mà ngon lạ lùng.

Một sớm đông điểm tâm bằng một giỏ xôi nghi ngút khói chấm muối vừng thật là thú vị
Truyền thuyết kể rằng: Thuở xa xưa, Ngọc Hoàng sai các nàng tiên mang giống nếp xuống trần gian, chọn đất mà gieo trồng cho dân. Các nàng tiên đi khắp vùng Tây Bắc, đến núi Kháu Pạ, thấy một thung lũng bằng phẳng, vừa rộng rãi, vừa đẹp đẽ, cây cỏ tốt tươi, các nàng tiên bèn hạ cánh, lấy vùng đất của bản Pha bây giờ làm nơi gieo trồng những hạt nếp giống mang từ trên trời xuống. Mấy tháng sau, nếp trổ bông, hạt chin vàng ươm, thổi thành xôi ăn rất ngon, hương thơm ngào ngạt. Thế là các nàng tiên quyết định giao lại cho những người dân Thái ở đây giống nếp quý hiếm này. Từ bản Pha, đời này qua đời khác, người dân bản địa tiếp tục gieo trồng loại nếp đó, lan rộng ra cả vùng Tú Lệ, Văn Chấn. Người đời này quen gọi giống nếp đó gọi là Tú Lệ.
- Cá Hồi và Cá Tầm
Từ chân đèo Khau Phạ phía bên Tú Lệ đi lên khoảng 7km sẽ tới khu vực nhà hàng Khau Phạ, đây cũng là một trong những trang trại nuôi Cá Hồi lớn của Miền Bắc, số lượng cá nuôi ở đây lên tới 10.000 con, cá giống hoàn toàn được nhập và nuôi theo công nghệ từ Châu Âu. Nhiều món ngon từ Cá Hồi (hoặc Cá Tầm) được chế biến tại đây để phục vụ khách du lịch, nếu đi đoàn đông các bạn có thể vào làm nồi lẩu cho bữa trưa của mình.
- Cua suối rang muối
Khác với các loại cua sống ở biển, ở ruộng, con cua suối thường sống trong các hốc đá trên suối ở vùng cao. Thịt cua suối thơm, chắc và có thể chế biến được nhiều món ngon trong đó có món Cua suối rang muối. Cua sau khi bắt về bóc mai, rửa sạch để cho ráo nước. Cho dầu vào chảo đun sôi, bỏ tỏi vào xào thơm sau đó cho cua vào đảo cho đều, rắc muối lên rang cho đến khi cua chín vàng.

Cua suối rang là một món dân dã rất dễ ăn
- Táo mèo Mù Cang Chải
Ở Yên Bái, cây Sơn Tra thường sống ở những vùng núi cao phía tây của tỉnh tập trung nhiều ở ba huyện Mù Cang Chải, Trạm Tấu, Văn Chấn – nơi có nền nhiệt độ đặc biệt, mùa hè nóng và nắng ảnh hưởng của gió lào, mùa đông chịu ảnh hưởng của giá lạnh vùng cao – có lẽ vì phát triển trong điều kiện tự nhiên và sinh sống cùng đồng bào dân tộc Mông như vậy mà Sơn Tra còn được mang một tên nữa là: Táo Mèo và có những tính năng kỳ diệu trong y học cũng như trong đời sống sinh hoạt của người dân.

Táo mèo Yên Bái nổi tiếng ngon nhất trong các tỉnh miền núi phía bắc Việt Nam
Cây Táo mèo phát triển tự nhiên trên những cánh rừng, chiều cao trung bình chừng 7 – 10m, thân gỗ, tán lá rộng, được phát triển mạnh nhờ sự phát tán của con người, súc vật và muông thú do vậy cây mọc không tập trung mà có khoảng cách. Táo mèo ra hoa vào mùa xuân và cho thu hái quả vào mùa thu. Tháng 9, tháng 10 là tháng quả táo mèo chín rộ. Thời điểm này khắp các chợ huyện và nhiều nhất là chợ Ga Yên Bái ngập tràn táo mèo. Những người sành ăn không tham chọn quả to, đẹp mã mà thường lựa những quả nhỏ, quả có sâu vì đây mới thực là những quả táo chín thơm và ngọt.