Ninh Bình – vùng đất địa linh nhân kiệt với rất nhiều di tích lịch sử, văn hóa. Trong đó, có rất nhiều ngôi chùa cổ kính, linh thiêng cũng như các ngôi chùa mới được xây dựng lại khang trang hơn. Hãy cùng Cattour tìm hiểu những ngôi chùa ở Ninh Bình trong bài viết này nhé!
Chùa Bái Đính là một quần thể chùa nằm ở xã Gia Sinh, huyện Gia Viễn, tỉnh Ninh Bình. Đây là một trong những ngôi chùa lớn nhất Việt Nam với rất nhiều kỉ lục như chùa có hành lang La Hán dài nhất châu Á, chùa có tượng Phật bằng đồng dát vàng lớn nhất châu Á và tượng Di lặc bằng đồng lớn nhất Đông Nam Á...
Trong chùa có hai 2 khu vực chính là chùa Bái Đính mới và chùa Bái Đính cổ. Nếu chùa Bái Đính mới sẽ làm bạn choáng ngợp bởi những bức tượng Phật khổng lồ, những công trình kiến trúc khang trang, đồ sộ như cổng Tam Quan, hành lang La Hán, tháp Chuông và các chính điện rộng lớn...
Chùa Bái Đính cổ được mọi người biết đến là một nơi rất thiêng, các bạn đi chùa nhất định phải đến đây. Khu chùa cổ này nằm ngay sau chùa mới, nằm cách điện Tam Thế của khu chùa mới khoảng 800 m về phía nam. Đây là một quần thể chùa trong động bao gồm một nhà tiền đường ở giữa, rẽ sang bên phải là hang sáng thờ Phật, rồi đến đền thờ thần Cao Sơn ở sát cuối cửa sau của hang sáng; rẽ sang bên trái là đền thờ thánh Nguyễn rồi đến động tối thờ mẫu và tiên. Bạn phải leo khoảng 145 bậc thang để tới động chính. Ngoài ra, ở đây còn có một giếng Ngọc rất đẹp nằm gần chân núi Bái Đính.
Để tham quan hết các khu vực trong quần thể chùa Bái Đính bạn sẽ mất ít nhất khoảng 3 tiếng. Đây là một trong những điểm tham quan không thể bỏ qua khi đi du lịch Ninh Bình
Bích Động là một ngôi chùa cổ kính được xây dựng trên dãy núi đá vôi Trường Yên thuộc xã Ninh Hải, huyện Hoa Lư, tỉnh Ninh Bình. Chùa vốn được hình thành từ năm 1428, đầu thời Hậu Lê với quy mô là một ngôi chùa nhỏ ở trên đỉnh núi. Năm 1705, có hai vị hoà thượng là Trí Kiên và Trí Thể đến đây và thấy núi Bích Động có địa thế tuyệt đẹp và đã có chùa, nên hai nhà sư quyết định dừng chân, tự mình sửa sang chùa cũ, xây dựng lại thành 3 ngôi chùa là chùa Hạ, chùa Trung và chùa Thượng để tu hành.
Chùa Bích Động được xây dựng theo kiểu chữ "Tam" Hán tự, ba chùa không liền nhau nằm dọc theo sườn núi, dựa vào thế núi từ thấp lên cao thành 3 ngôi chùa riêng biệt. Điều độc đáo của ngôi chùa này là núi, động và chùa bổ sung cho nhau, chùa ẩn hiện giữa những cây đại thụ xanh biếc, làm cho khung cảnh chùa hoà nhập với cảnh trí thiên nhiên ngoại mục. Đặc biệt, ở đây còn có hai hang động kỳ bí một trên đỉnh núi, một dưới gầm núi lần lượt là động tối và Xuyên Thủy động.
Ngoài ra, trên đường vào cổng chùa 2 bên có hồ sen, vào mùa sen nở thì nơi đây trở thành một địa điểm check – in được các du khách vô cùng yêu thích ở Ninh Bình.
Chùa Duyên Ninh còn được gọi là chùa Cầu Duyên là một ngôi chùa cổ nằm ở làng cổ Chi Phong, xã Trường Yên, huyện Hoa Lư, tỉnh Ninh Bình. Chùa được xây dựng từ thế kỷ X dưới thời vua Đinh Tiên Hoàng. Đây là một trong những ngôi chùa cầu duyên nổi tiếng nhất ở Việt Nam.
Tương truyền, Chùa Duyên Ninh là nơi các công chúa thời Đinh - Lê thường ghé thăm, trong đó có công chúa Lê Thị Phất Ngân. Khi về già, công chúa Phất Ngân (lúc này đã là Hoàng hậu) đã về đây tu hành và trông coi mộ phần thân phụ là Hoàng đế Lê Đại Hành. Tại đây, bà đã tác hợp cho nhiều người thành đôi và từ đó Duyên Ninh trở thành ngôi chùa cầu duyên ở cố đô Hoa Lư. Nếu cũng muốn cầu cho mình một mối nhân duyên tốt đẹp, bạn hãy đến cầu nguyện ở ngôi chùa này khi ghé thăm Ninh Bình nhé.
Chùa Non Nước là một ngôi chùa cổ tọa lạc dưới chân núi Non Nước, bên bờ sông Đáy và cửa sông Vân, tỉnh Ninh Bình. Chùa được xây dựng từ thời nhà Lý, dưới đời vua Lý Nhân Tông, bởi quốc sư Nguyễn Minh Không. Chùa có một vị thế vô cùng đẹp, một bên tựa vào vách núi, một mặt nhìn ra sông. Không khí vô cùng thoáng đãng và thanh tịnh.
Chùa Vàng nằm ngay gần trục đường Tràng An, trên một hòn đảo nhỏ ở giữa hồ cá Voi. Chùa mới được xây dựng dựa trên kiến trúc cũ của chùa Bát Long do vua Lê Đại Hành xây dựng cách đây hơn 1.000 năm. Chùa gồm có ba ngôi chùa nhỏ được xây dựng trên đảo với khung cảnh xung quanh rất đẹp, xanh mát, trong lành và thanh tịnh. Đặc biệt, vào buổi tối chùa càng trở lên lung linh và huyền ảo hơn dưới ánh đèn led.
Động Am Tiên là một danh lam thuộc quần thể di tích quốc gia đặc biệt cố đô Hoa Lư, tại vùng đất xã Trường Yên huyện Hoa Lư tỉnh Ninh Bình, Việt Nam. Vị trí của động Am Tiên khi xưa tiếp giáp với thành Đông của kinh đô Hoa Lư.
Động Am Tiên dưới thời nhà Đinh vốn là nơi nhốt hổ để xử người có tội. còn ngay dưới chân núi Đìa là Ao Giải, nơi vua nuôi cá sấu để trừng trị những kẻ gian ác. Đây cũng là thái hậu Dương Vân Nga đã xuất gia tu hành vào những năm cuối đời. Đến thời Lý, thiền sư Nguyễn Minh Không đã ở trong hang tụng kinh thuyết pháp, xây thêm các bệ thờ Phật ở trong hang, người đời sau tiếp tục mở rộng cảnh chùa chiền để khách thập phương hành hương đến đó.
Ngày nay, hang chính của động Am Tiên vừa là một chùa đá thờ Phật và thiền sư Nguyễn Minh Không, vừa là một đền thờ các vị danh nhân thời nhà Đinh như 2 cha con đại thần Trương Ma Ni, thái hậu Dương Vân Nga cùng với công chúa Phù Dung và phò mã Trương Quán Sơn.
Trước đây, động Am Tiên ở lưng chừng núi, để vào động phải leo qua 205 bậc đá qua vách núi nhưng hiện nay đã có đường hầm xuyên núi vào động. Chùa động Am Tiên hiện là một điểm đến rất được yêu thích ở Ninh Bình bởi cảnh non nước hữu tình với hồ nước trong xanh, trên chùa thì yên tĩnh, thanh tịnh.
Chùa Nhất Trụ hay còn gọi là chùa Một Cột là ngôi chùa cổ từ thế kỷ X thuộc vùng bảo vệ đặc biệt của khu di tích Cố đô Hoa Lư. Hiện chùa nằm ở xã Trường Yên, huyện Hoa Lư, tỉnh Ninh Bình. Khoảng cách từ Đền thờ vua Lê đến chùa không quá xa, đi bộ chỉ mất khoảng 5 phút.
Chùa có tên gọi Nhất Trụ (Một Cột) như vậy là do trước chùa có một cột kinh phật bằng đá đã được xếp hạng Bảo vật quốc gia. Chùa có nhiều nét kiến trúc cổ kính, cảnh quan đẹp, yên tĩnh.
Động - chùa Địch Lộng là một ngôi chùa thuộc thôn Địch Lộng xã Gia Thanh, huyện Gia Viễn, tỉnh Ninh Bình. Đây di tích lịch sử - văn hóa cấp quốc gia Việt Nam. Tương truyền, vào năm 1793 một tiều phu đi kiếm củi, leo lên núi đã phát hiện ra cửa động, thấy trong động có nhiều nhũ đá đẹp và có một nhũ đá trông giống như tượng phật nên lập bàn thờ Phật từ đó.
Sau đó hệ thống kiến trúc đình, đền, chùa mới được xây dựng dưới chân núi theo thế chữ Tam bao gồm Đình Đá, chùa Hạ và Phủ Đức Ông. Ngôi đình 5 gian mọc sừng sững được gọi là Đình Đá vì hầu hết đình đều được làm bằng đá. Trước khi lên động và chùa trên núi, du khách vào tham quan ở bên dưới để chiêm ngưỡng một công trình kiến trúc đẹp, độc đáo và thắp hương, hành lễ.
Đi lên lưng chừng núi Địch Lộng là chùa Địch Lộng (chùa Thượng), có độ cao so với chân núi khoảng 80 mét. Trước cửa chùa có các khối đá giống hình voi chầu ,hổ phục như đang canh giữ bảo vệ nơi cửa Phật linh thiêng, trong chùa có bày nhiều tượng Phật.
Hang Tối nằm ở phía trái chùa, vào hang du khách sẽ thấy ngay khối nhũ đá to, tròn, nhẵn lì từ dưới nền hang nhô lên. Đi hết hang Tối là đến hang Sáng. Ở trên cao cửa hang Sáng thu hẹp lại và có khoảng lộ thiên, khi có gió thổi vào trong động len qua các kẽ đá thì phát ra âm thanh nghe như tiếng sáo. Vì vậy mà động được gọi là Địch Lộng.
Nếu như động Hương Tích được mệnh danh là “Nam thiên đệ nhất động”, Bích Động được mệnh danh là "Nam thiên đệ nhị động" thì Địch Lộng chính là "Nam thiên đệ tam động" (động đẹp thứ ba ở trời Nam).
Chùa Đẩu Long là ngôi chùa cổ, có lịch sử hình thành từ thời Đinh - Lê thế kỷ X với khoảng hơn 1000 năm tuổi. Chùa Đẩu Long hiện nay tọa lạc ở trung tâm thành phố Ninh Bình, thuộc phố Đẩu Long, phường Tân Thành, thành phố Ninh Bình. Mặc dù là kiến trúc chùa nhưng nơi đây cũng đồng thời là một đền thờ 9 vị thần của các làng xung quanh. Trong tên chữ của Chùa Đẩu Long, chữ Đẩu có nghĩa là sao Đẩu, vì chùa nằm ở phía Bắc xã Phúc Am thời xưa, phía có sao Đẩu chiếu, chữ Long có nghĩa là Rồng, là nơi Vua đã từng đến.
Chùa Dầu là một ngôi chùa cổ hiện đang nằm ở xóm Chùa, xã Khánh Hòa, huyện Yên Khánh, tỉnh Ninh Bình. Chùa được xây dựng từ thời vua Lý Thái Tông nhưng lại mang đậm dấu ấn phong cách kiến trúc chùa thời nhà Trần.
Chùa quay theo hướng nam, tọa lạc trên khu đất rộng gần 5000 mét vuông, và cũng như các ngôi chùa cổ khác ở Ninh Bình, chùa Dầu cũng đã được công nhận là di tích lịch sử văn hóa cấp quốc gia. Từ hướng Tây Nam đi vào là 3 cửa chính, qua sân gạch là tới tiền đường 7 gian. Trong tiền đường đặt 2 tượng Hộ pháp cao hơn 3 mét ngồi trên con sấu và tượng Đức Ông (bên phải), tượng Đức Thánh Hiền (bên trái). Nối với tiền đường là trung đường. Qua trung đường là tới hậu cung 3 gian. Điều độc đáo ở hậu cung là gian giữa có một bệ đán hoa sen thời Trần hình chữ nhật, dài hơn 3 mét, rộng 1,5 mét, cao 1 mét. Đây là một bệ đá độc đáo, đường diềm là những cánh hoa sen to, chạm khắc theo kiểu lồi lõm, ở 3 mặt có những đường triện và hoa văn mền mại rất đẹp và tinh tế.
Ngoài các ngôi chùa đã được Cattour tổng hợp ở trên thì ở Ninh Bình còn có rất nhiều ngôi chùa khác như chùa Vệ Khánh Phú, chùa Hoa Mai, chùa Quang Sơn, chùa Đồng Đắc, chùa Yên Bình, chùa Phật Sơn, chùa Kỳ Lân...
Rất mong bài viết này đã mang đến những thông tin hữu ích với các bạn.
Tham khảo ngay các tour du lịch Ninh Bình trọn gói từ A đến Z của Cattour để có cơ hội tham quan những ngôi chùa cổ kính và ling thiêng ở vùng đất Cố đô nhé.
Đoàn Thư / Cattour.vn - Ảnh: Internet