Bạn đã thử các món đặc sản ở hồ Ba Bể chưa?
Điểm dừng chân thú vị cho du khách khi muốn tránh xa cuộc sống ồn ào phố thị để trải lòng cùng thiên nhiên hoang sơ, mênh mông và huyền ảo. Du lịch Hồ Ba Bể không chỉ mang đến những phút giây thư giãn cùng cảnh vật tuyệt đẹp mà còn là điểm dừng chân lý thú để tìm hiểu nét văn hóa ẩm thực của người Tày vùng ven hồ cùng những phong vị địa phương trên núi. Do đó, 13 món ăn dưới đây chắc chắn là gợi ý không thể thiếu cho chuyến đi của bạn.
1. Các món nướng
Món cá nướng ở bản Pác Ngòi được giới thiệu đến du khách như một món ăn đặc sản hấp dẫn. Cá dùng để chế biến được đánh bắt từ trong hồ Ba Bể. Mặc dù, số lượng không nhiều nhưng chất lượng thì trên cả tuyệt vời vì thịt cá trắng, chắc và có vị ngon ngọt.
Món cá nướng ở bản Pác Ngòi
Khi đi du lịch hồ Ba Bể - món ăn khoái khẩu của nhiều du khách là Cá Hồ nướng bởi mùi không tanh, tuy bé bằng ngón tay nhưng hương vị lại thơm nồng hấp dẫn, có thể ăn cả thịt, xương lẫn đầu. Cá được sơ chế rửa sạch, tẩm nghệ, muối, tiêu, ớt vừa đủ để cứng lớp da sau đó dùng thanh tre kẹp chặt, nướng trên than củi chừng 15 phút để cá vừa chín vàng, không nứt thịt nhưng dậy mùi thơm.
Ở bản Pác Ngòi, ngoài món cá nướng truyền thống còn có món ếch nướng, tôm nướng và lươn nướng lá nghệ cũng hấp dẫn không kém đem lại cho thực khách cảm giác thú vị khi thưởng thức.
Thịt cá ở đây trắng, chắc và có vị ngon ngọt
2. Chuối hột rừng
Khi đi trên đường lên Ao Tiên, bạn sẽ bắt gặp nhiều gánh hàng bán chuối hột hồ Ba Bể ở khu vực đón khách từ cổng vào xuống hồ. Trên những quả núi quanh hồ, chuối được trồng có thân vươn cao, quả căng tròn thích mắt vừa tạo cảnh quan đẹp lại có thể làm thuốc hoặc quà biếu.
Chuối hột rừng nướng
3. Thịt lợn gác bếp
Người Tày sống quanh hồ Ba Bể thường bỏ thịt vào sọt hoặc gùi đi rừng rồi treo lên bếp hun từ khói bếp củi hằng ngày. Sau khi hun lên, thịt có màu vàng đen có thể treo như vậy được cả năm mà không sợ hỏng. Tuy nhiên, đến ngày nay, món thịt treo gác bếp đặc biệt này lại là món đặc sản không thể thiếu trong mỗi buổi tiệc rượu hoặc trong những dịp đón khách quý, lễ tết hay ngày quan trọng khác.
Thịt lợn gác bếp
4. Xôi nếp nương
Từ những hạt gạo nếp nương căng tròn được ngâm trong nước nhiều giờ trước khi đưa vào chõ gỗ, đồ chín bằng hơi. Lúc này, hạt gạo chuyển thể mềm dẻo, nóng sốt, không dính tay trở thành món xôi hấp dẫn khi ăn sẽ thấy vị nếp thơm khác lạ và điều thú vị là ít ngấy.
Xôi nếp nương
5. Miến dong Na Rì
Miến dong Na Rì được chế biến hoàn toàn thủ công từ tinh bột nguyên chất của những củ dong riềng được trồng trên đèo Áng Toòng. Miến hoàn toàn không sử dụng hóa chất nên có thể lên màu rất tự nhiên như vàng hoặc trong đục. Khi nấu lên, sợi miến dai, thơm mùi dong riềng cho dù để lâu cũng không bị nát như các loại miến khác.
Dưới bàn tay khéo léo của người chế biến đã làm ra món miến thơm ngon, giữ trọn hương vị và màu sắc để trở thành món ăn đặc sản của Na Rì, Bắc Kạn. Thường trong các bữa ăn, miến được sử dụng để chế biến ra nhiều món ăn khác nhau, phục vụ nhu cầu của khách du lịch hồ Ba Bể..
Miến dong Na Rì
6. Rau sắng
Khi đi du lịch hồ Ba Bể bạn sẽ thấy ở Ba Bể nổi bật với nhiều loại rau đặc sản mà thật khó để tìm ở những vùng khác. Trong đó có rau sắng hay còn gọi là rau ngót rừng. Loại rau này được người dân nơi đây sử dụng để chế biến rất nhiều món ăn. Thường người ta hái lá rau sử dụng để nấu canh với thịt băm hoặc cá. Trong khi chùm rồng rồng của cây này có thể nấu canh hoặc xào thịt bò rất ngon. Quả sắng cũng có thể ăn được, hạt thì đem ninh xương sẽ cho vị ngọt bùi.
Ở đây, để trồng rau sắng rất mất thời gian mất từ khoảng 3 -5 năm mới có thể hái lần đầu tiên. Trong khi muốn thu hoạch được số lượng rau lớn thì phải mất khoảng 10 năm.
Rau sắng
Loại rau này được người dân nơi đây sử dụng để chế biến rất nhiều món ăn
7. Rau dớn
Rau dớn cũng là một loại rau rừng thường mọc nhiều ở những nơi ẩm ướt gần khe đá. Rau này rất dễ tìm, có tác dụng chữa bệnh nên rau dớn được người dân rất ưa chuộng. Tuy nhiên, thực phẩm này rất nhanh héo nên ngay khi mới hái về thường được chế biến ngay để vẫn giữ độ tươi ngon và tránh để dập nát.
Rau dớn xào thịt bò
Rau dớn
Xem thêm:
8. Rau bồ khai
Rau bồ khai còn có tên gọi khác là rau dạ hiến. Bạn có thể kiếm được ở trên những vách núi đá cheo leo. Ngọn rau nhìn khá giống cây tầm gửi thường mọc bám vào thân cây để vươn ra đón ánh sáng. Loại rau này có thể đem xào tỏi, xào thịt bò, được dùng làm phở hay mì xào mang lại hương vị riêng biệt của vùng miền.
Rau bồ khai xào tỏi thơm
9. Khâu Nhục
Khâu nhục được chế biến kỳ công bởi bàn tay tài ba của người dân. Phần nhân của món ăn mất khoảng 5 tiếng để hấp cách thủy. Trong đó, khoai được chọn để làm món này phải là khoai môn Bắc Kạn, thịt cũng phải là ba chỉ ngon được luộc sơ qua rồi mới đem lên quay.
Khâu nhục được chế biến kỳ công bởi bàn tay tài ba của người dân
Từng miếng thịt ba chỉ ngon đem nướng giòn
10. Măng Vầu
Măng vầu là một loại măng đắng xen lẫn với vị hơi cay cay của người dân Bắc Kạn. Măng vầu có thể sử dụng để chế biến rất nhiều món ăn khác nhau nhất là măng luộc chấm mắm tôm chanh tỏi ớt cực hấp dẫn khách du lịch. Tất nhiên chỉ có ăn như thế, du khách mới có thể cảm nhận rõ nét những hương vị đặc biệt đắng đắng, cay cay của món ăn núi rừng này.
Măng vầu
Xem thêm:
11. Bánh Coóc Mò
Bánh Coóc Mò là một loại bánh của dân tộc Tày, bánh có hình dạng khá giống bánh gio nhưng cách làm hoàn toàn khác. Thông thường, bánh Coóc Mò được gói bằng lá chuối mang màu xanh rền được làm từ gạo nếp nương nên có độ dẻo thơm ngon, bên trong còn có thêm nhân lạc đỏ.
Bánh Coóc Mò
12. Món tôm chua, cá chua
Ngày nay, nghề làm tôm chua, cá chua đang có xu hướng phát triển ở vùng hồ Ba Bể. Khách đi tour thác Bản Giốc hồ Ba Bể khi đến đây đặc biệt thích món ăn đặc sản này. Từng khúc cá to và tôm được trộn mẻ, bột thính, giềng và các gia vị đặc biệt khác đem bịt kín rồi ủ sâu trong một thời gian dài. Khi lấy ra nấu ăn, tôm cá lúc này ăn rất thơm, mềm có vị chua ngọt rất riêng.
Món tôm chua
Ngoài ra, món này cũng có thể chưng lên với thịt băm và trộn thêm giềng giã nhỏ, cuốn ăn cùng với các loại rau sống, thịt luộc, rau rừng, khế chua, nem thính tai heo, đọt đinh lăng chỉ, rau sống, rau rừng… vô cùng ngon miệng. Sự đặc biệt của món tôm chua, cá chua ở vùng hồ Ba Bể là có vị ngọt, chua, thanh mát và cay tự nhiên. Bạn có thể mua món đặc sản trứ danh ở phiên chợ Khang Ninh đoạn trên đường vào hồ Ba Bể nơi chuyên bày bán tôm chua Bắc Kạn.
Món này cũng có thể chưng lên với thịt băm và trộn thêm giềng giã nhỏ, cuốn ăn cùng với các loại rau sống, thịt luộc
13. Bánh Ngải đặc sản có màu xanh mướt mắt
Là loại bánh có màu xanh thẫm, đậm đà hương vị núi rừng và sông nước Ba Bể trở thành đặc sản mà du khách nên thưởng thức khi đi qua vùng đất này. Các công đoạn làm bánh ngải không khó nhưng lại đòi hỏi sự công phu và khéo léo từ khâu chọn gạo, đường, rau ngải cho đến khâu ra bánh.
Khi xôi nếp nương đồ vừa chín phải giã ngay lúc còn nóng cùng với những nắm lá ngải đã sơ chế kỹ lưỡng để bánh mềm, mịn và dẻo. Xôi được giã nhuyễn rồi nhanh tay múc ra mâm để nặn bánh với nhân rồi gói vỏ bánh lại bọc kín lớp nhân bên trong. Phần nhân bánh được chuẩn bị kỹ càng để tạo ra hương vị thơm ngon cho chiếc bánh. Theo đó, người ta chọn đường phên có màu vàng, ngọt, không sạn, đem đun lên thành mật sau đó trộn nó với vừng đen rang chín giã nhỏ.
Bánh Ngải mềm dẻo cực dễ ăn mà không ngấy
Nhiều du khách khi đi tour Thác Bản Giốc hồ Ba Bể đều rất thích mua loại bánh này về làm quà vì nó rất dễ ăn, không ngấy. Vị thơm ngon lạ miệng của lá ngải dung hòa cái dẻo, cái ngọt của nếp, của đường khiến miếng bánh có hương vị của đồi nương.
Bánh Ngải có màu xanh mướt mắt trông rất đặc sắc
Đây chỉ là 13 món đặc sản nổi bật nhất ở hồ Ba Bể trong rất nhiều món ăn ngon, độc đáo của người Tày trên mảnh đất này. Do đó, để có thể thưởng thức được hết những điều thú vị khi du ngoạn đến đây, các bạn đừng quên lựa chọn cho mình những thực đơn hấp dẫn và không quên mua vài thứ quà ngon mà đậm đà chất dân tộc về làm quà.
Hy vọng bài viết trên sẽ có những gợi ý thú vị mang đến cho bạn những thông tin mới mẻ để trải nghiệm tour Hồ Ba Bể 3 ngày 2 đêm trong tương lai nhé.
Xem thêm:
Mai Nguyễn/Cattour.vn - Ảnh: Internet