I. Nên đi phượt thác Bản Giốc vào thời điểm nào?
Vẻ đẹp của thác Bản Giốc Cao Bằng có thể chia làm hai mùa là mùa mưa và mùa khô, mỗi mùa lại có một nét đặc trưng riêng. Mùa mưa thường bắt đầu từ tháng 6 cho đến tháng 9, thác nước chảy mạnh, màu đỏ rực, mang theo phù sa, lúc này thác Bản Giốc trông thật hùng vĩ. Mùa khô thường bắt đầu từ tháng 10 cho đến tháng 5 năm sau, thác mang một vẻ thanh bình yên ả, nếu đi du lịch mùa này bạn nhớ mang theo nhiều quần áo ấm nhé. Hàng năm, khi mùa du lịch biển miền Bắc kết thúc (khoảng tháng 9) chính là thời điểm lí tưởng nhất để phượt thác Bản Giốc, thời gian đi không quá dài, khoảng 3 ngày là đủ để bạn tận hưởng cảm giác mới mẻ nơi đây và chuẩn bị tinh thần cho công việc sắp bắt đầu.
Thác Bản Giốc mùa lúa chín đẹp như một bức tranh
Hoa tam giác mạch nở khắp núi rừng
II. Cách đi thác Bản Giốc
1. Phượt bằng xe máy
Lựa chọn phượt thác Bản Giốc bằng xe máy bạn cũng có 2 lựa chọn. Nếu xuất phát từ Hà Nội bạn có thể tranh thủ phượt thác Bản Giốc trong 2 ngày cuối tuần theo lịch trình Hà Nội – Bắc Cạn – Cao Bằng – Trùng Khánh – thác Bản Giốc – Cao Bằng – Thất Khê – Lạng Sơn – Hà Nội.
Lựa chọn phượt thác Bản Giốc bằng xe máy
Phương án thứ hai nếu bạn không muốn chạy xe máy từ Hà Nội, bạn có thể bắt xe khách từ Hà Nội lên TP. Cao Bằng. Lên tới nơi thì thuê xe máy trên Cao Bằng để đi thác Bản Giốc, xong xuôi kết thúc hành trình bạn lại bắt xe khách từ Cao Bằng về lại Hà Nội. Cách này có thể nhàn hơn những sẽ hơi chán.
2. Phượt bằng xe khách
Đây là một phương án phù hợp cho những bạn không có khả năng chạy xe máy, nhất là đối với nhóm các bạn nữ. Từ Hà Nội bạn có thể bắt xe khách giường nằm lên đến thành phố Cao Bằng, tiếp theo các bạn chuyển xe khách khác với lịch trình Cao Bằng – động Ngườm Ngao – thác Bản Giốc, xe chạy liên tục cách nhau 1 tiếng suốt từ 6h30 đến 15h30 hàng ngày.
Hoặc nếu không muốn phải chuyển xe các bạn có thể bắt chuyến xe Vĩnh Dung vào đến tận chợ Phùng Khánh rồi sau đó bắt xe ôm đi động Ngườm Ngao và thác Bản Giốc.
III. Lưu trú tại thác Bản Giốc
Hiện nay ở khu vực thác Bản Giốc có rất nhiều hộ dân cung cấp dịch vụ homestay để phục vụ du khách bao gồm cả dịch vụ lưu trú và ăn uống. Nếu bạn đến đây với mục đích để tìm hiểu văn hóa của người dân bản địa thì homestay là một lựa chọn hợp lí. Hoặc ở khu vực này hiện cũng đang có khách sạn 4 sao Sài Gòn – Bản Giốc, bạn cũng có thể book phòng và nghỉ tại resort này. Một gợi ý khác cho bạn đó là bạn có thể nghỉ đêm tại Trùng Khánh rồi hôm sau chạy ra thác Bản Giốc cách đó khoảng 20km.
Rất nhiều hộ dân cung cấp dịch vụ homestay để phục vụ du khách
Phòng trong homestay rất sạch sẽ và đẹp phục vụ du khách
IV. Chơi gì khi đi thác Bản Giốc
Đến thác Bản Giốc không chỉ là đi du lịch thác Bản Giốc mà bạn còn có thể ghé thăm những địa danh gần đó như động Ngườm Ngao, hang Pác Bó, suối Lenin, hồ Thang Hen…
1. Thác Bản Giốc
Đây là điếm đến chính trong chuyến đi của bạn. Đây cũng là một trong những thác nước lớn và hùng vĩ nhất của Cao Bằng nói riêng và của Việt Nam nói chung. Bạn có thể chiêm ngưỡng những dòng thác chảy tung bọt trắng xóa như những áng mây trời hay màu vàng của những ruộng lúa chín dưới chân thác mùa thu, hoa tam giác mạch và hoa dã quỳ đua nhau nở khắp núi rừng khoảng tầm tháng 12.
Những dòng thác tuôn xuống, tung bọt trắng xóa
2. Động Ngườm Ngao
Động Ngườm Ngao nằm ở bản Gun, xã Đàm Thủy, cách thác Bản Giốc khoảng 5km, có chiều dài hơn 2000m. Động gồm có 3 cửa chính là: Ngườm Ngao, Ngườm Lồm và cửa Bản Thuôn ở phía sau núi Bản Thuôn. Phía bên trong hang động có rất nhiều nhũ đá và măng đá với các hình dạng thú vị. Những dải nhũ đá đủ màu sắc mọc từ dưới mọc lên và từ trên các vòm đá cao rủ xuống với nhiều hình thù rất đẹp phản chiếu ánh sáng lung linh.
Những dải nhũ đá từ trên rủ xuống phản chiếu ánh sáng vô cùng đẹp
3. Hồ Thang Hen
Hồ Thang Hen thuộc địa phận xã Quốc Toản, huyện Trà Lĩnh, nằm ở độ cao hàng nghìn mét so mới mặt nước biển. Đây chính là một cái “máy điều hòa” tự nhiên của nơi đây giúp điều hòa không khí và làm cho thời tiết dịu mát hơn. Đặc biệt, vào các dịp lễ thì đây chính là nơi tắm tiên của người dân. Hồ có hình thoi, phía đầu nguồn là một hang động, từ trong hang nước chảy ra suốt ngày đêm.
Hồ Thang Hen nước xanh màu ngọc bích
4. Suối Lenin – hang Pác Bó – núi Các Mác
Đây chính là nơi mà chủ tịch Hồ Chí Minh đã gắn bó, chỉ đạo trong thời gian đầu khi mới về nước sau khoảng thời gian dài ở nước ngoài.
Suối Lenin - nơi Bác Hồ đã gắn bó một khoảng thời gian khi mới về nước
5. Chùa Phật Tích Trúc Lâm Bản Giốc
Đây là ngôi chùa đầu tiên được xay dựng ở nơi biên cương phía Bắc của Tổ quốc. Tại đây có đền thờ vị anh hùng Nùng Trí Cao – một nhân vật, một biểu tượng văn hóa của thế kỉ XI tại Cao Bằng. Ngôi chùa được xây dựng theo phong cách kiến trúc Phật giáo truyền thống của Việt Nam.
Ghé thăm thiền viện trúc lâm - một biểu tưởng văn hóa thế kỉ XI tại Cao Bằng
6. Cột mốc biên giới Việt – Trung
Các bạn yêu thích việc check-in với cột mốc biên giới có thể tham khảo và kết hợp khi đi du lịch Cao Bằng vì ở đây là nơi có nhiều cột mốc nhất trong tổng số các cột mốc được cắm ở 7 tỉnh biên giới phía Bắc. Khu vực thác Bản Giốc hiên đang có cột mốc 835 và 836 mà các bạn có thể dễ dàng tiếp cận chụp ảnh mà không cần phải xin phép như ở các khu vực khác.
Cột mốc 836 - điểm check-in quen thuộc
V. Ăn gì khi đi phượt thác Bản Giốc
Thác Bản Giốc là địa điểm du lịch nổi tiếng nhất của tỉnh Cao Bằng nên có đầy đủ các món ăn ngon của tỉnh Cao Bằng mà bạn có thể thưởng thức trong suốt cả chuyến hành trình của mình. Một số đặc sản mà bạn có thể lưu lại để thưởng thức trong chuyến đi của mình như miến, lạp xưởng hun khói, nằm khâu, bánh khảo, bò gác bếp, xôi trám, phở chua, bánh trứng kiến, hạt dẻ Trùng Khánh hay các món làm từ ong vò vẽ…
Bánh mật Cao Bằng
Lạp xưởng hun khói
Đặc biệt nhât có thể kể đến là món cá Trầm Hương nướng. Đây là loại cá vô cùng ngon ở thác, trước đây dưới chân thác có rất nhiều cá này và người dân có thể dễ dàng bắt về chế biến, tuy nhiên giờ đây loại cá này trở nên hiếm hơn và trở thành đặc sản. Sở dĩ gọi là cá Trầm Hương bởi vì loại cá này chỉ ăn rễ cây và lá cây mục của trầm hương mọc ven sông Quây Sơn. Chính vì vậy mà thịt của chúng ngon hơn so với nhiều loại cá khác, khi ăn bạn có thể cảm nhận được vị trầm. Món ngon nhất được chế biến từ loại cá này chính là món cá Trầm Hương nướng vì cá vẫn giữ nguyên được mùi vị khiến có người sành ăn nhất cũng phải trầm trồ. Khi nướng, cá được làm sạch và mổ bụng, sau đó nhét thêm một số loại rau, gia vị như hành, thì là, ớt… rồi bọc vào một lớp lá chuối và nướng trên bếp than. Khi chín, cá có mùi thơm nức, chấm cùng chút mắm nguyên chất, cảm nhận vị thơm ngây ngất của cá và hương thơm của trầm phảng phất sẽ khiến bạn nhớ mãi.
Cá Trầm Hương nướng - đặc sản ở thác Bản Giốc khó quên
VI. Những lưu ý khi phượt thác Bản Giốc
- Vì Cao Bằng là một tỉnh thuộc vùng biên giới của nước ta nên khi đi bạn nên mang theo đầy đủ giấy tờ tùy thân để tránh những rắc rối.
- Bạn nên mang theo một bộ dụng cụ băng bó vết thương để đề phòng trường hợp có những trầy xước nhỏ khi đi đường núi đường rừng.
- Nên mang thêm áo khoác mỏng để vừa có thể tránh nắng vào ban ngày vừa có thể giữ ấm cho cơ thể vào đêm khuya.
- Mang theo café, bò húc, chanh… để đảm bảo sức khỏe khi phượt thác Bản Giốc
- 2 đôi giày đế mềm và đôi dép tổ ong vì cần leo trèo nhiều
- Có thể mang thêm đèn pin, quần áo mưa, dao đa năng và pin sạc dự phòng.
Đồ dùng nên mang theo khi đi phượt thác Bản Giốc
Với những chia sẻ về phượt thác Bản Giốc trên đây, Cattour hi vọng bạn sẽ có được một chuyến đi an toàn và đầy thú vị khi đến với thác Bản Giốc, sẽ làm rung động ngay cả những trái tim khó tính nhất. Hãy cùng chuẩn bị và lên đường thôi nào!
Bài viết liên quan:
Phương Trần / Cattour.vn - Ảnh: Internet