Nếu có dịp đến với phố núi Pleiku giữa lòng đất đỏ, du khách nhất định phải ghé thăm một địa điểm vô cùng tuyệt vời của nơi đây đó chính là Biển Hồ ở Tây Nguyên. Cái tên Biển Hồ là do người Kinh đặt, ngoài ra hồ còn được người dân bản địa nơi đây gọi là Nueng hoặc hồ T’nưng. Đây là một hồ nước ngọt nằm cách trung tâm thành phố chừng 7km về phía Tây Bắc theo hướng quốc lộ 14, có độ cao khoảng 800m so với mực nước biển. Nguồn nước ở Biển Hồ được giữ gìn vệ sinh hết sức nghiêm ngặt bởi đây chính là hồ nước ngọt dùng để cung cấp nước cho cả thành phố Pleiku.
Biển Hồ Pleiku là địa điểm nổi tiếng nhất của cả Tây Nguyên
Biển Hồ gồm có 2 hồ chứa nước thông nhau rộng gần 300ha, nước trong xanh màu ngọc bích, lại nằm giữa một vùng núi cao có một dải đất chạy dài ra giữa lòng hồ tạo cho du khách một địa điểm tham quan có thể nhìn thấy toàn cảnh của Biển Hồ. Nơi đây quanh năm ăm ắp nước và luôn trong xanh như một chiếc gương trên cao chót vót của cao nguyên cho mây trời soi bóng. Phía xung quanh có rất nhiều bí ẩn và huyền thoại khiến cho Biển Hồ lại càng thêm phần lung linh kì ảo.
Đến thăm Biển Hồ vào một ngày đẹp trời
Biển Hồ đã chính thức được tôn vinh là một trong 5 hồ nước đẹp nhất vào năm 2014 do tổ chức kỷ lục Việt Nam bình chọn và được Bộ Văn hóa – Thông tin cấp bằng Di tích danh thắng vào ngày 16/11/1988.
Biển Hồ gắn liền với một truyền thuyết có phần bi thương của người Jarai. Truyền thuyết kể rằng ngôi làng T’nưng xưa kia đẹp và trù phú lắm, người dân trong bản sống yên vui hòa thuận. Bỗng một hôn, núi lửa ập xuống đã vùi lấp ngôi làng, những người còn sống sót lại khóc thương cho người dân làng mình và những người thân yêu mãi không nguôi nên nước mắt đã chảy thành hồ, hồ được giữ lại trên núi T’nưng như một kỉ niệm về buôn làng cũ.
Biển Hồ gắn với nhiều truyền thuyết của người Jarai
Một truyền thuyết khác được già làng Ksor Kril, làng Sơ, xã Biển Hồ kể lại rằng: người Jrai là dân tộc đông nhất cư trú trên địa bàn của tỉnh Gia Lai, những người già trong làng truyền lại cho con cháu rằng Biển Hồ có đến 2 hồ nước lớn thông nhau, thuộc hai làng gần kề. Tại đây có 2 chị em sinh đôi trong một gia đình nhưng lấy chồng ở 2 làng gần nhau. Làng người chị (Yã Chao) ở có một hồ nước lớn và gia đình người em (Yã Num) ở ngôi làng có một cái hồ nước nhỏ. Một hôm 2 chị em đang cùng đi hái măng rừng bỗng nghe trong bụi rậm có tiếng kêu la của lợn rừng. Do tò mò nên 2 chị em đã đến xem và phát hiện ra cả đàn lợn rừng con. Sau một hồi đuổi bắt, họ cũng bắt được một chú lợn con mang về nuôi và được nuôi ở nhà của người chị, nó chỉ ăn đất cát chứ không ăn rau. Thấy lạ nên người chị mang sang nhà người em xem sao và thề rằng không ăn thịt lợn vì sợ rằng đây là của thần linh. Thế rồi chú lợn cứ lớn lên ở nhà người em. Cho đến một ngày người em quyết định làm lễ tạ ơn chị, nhưng trong nhà lại không có gì nên đành thịt chú lợn để tiếp đãi. Người chị vì lời thề năm xưa mà quyết không ăn nhưng đứa con của chị lại khóc lóc đòi ăn. Khi đứa trẻ vừa ăn xong thì trời đất bỗng rung chuyển, nhà cửa bốc cháy, đất bị sụt lún, nước dâng lên bao phủ cả ngôi làng. Chỉ trong chốc lát, hai ngôi làng đã chìm trong biển nước tạo thành 2 hồ nước lớn nhỏ thông nhau. Vì diện tích của hồ lớn nên vào mùa mưa, sóng lớn đánh mạnh như biển nên người dân thường gọi là Biển Hồ.
Một chiếc thuyền độc mộc trên Biển Hồ tạo nên bức tranh vô cùng đẹp
Thực tế thì Biển Hồ chính là một miệng núi lửa đã ngưng hoạt động cách đây hàng triệu năm rồi và hồ có hình bầu dục, độ sâu trung bình từ 12 – 19m với tổng diện tích 228ha, bao quanh là rừng thông và núi. Vào mỗi mùa mưa, nước lan rộng ra trên 400ha. Hồ được hình thành từ 3 túi trũng từ các dãy núi xung quanh, 2 túi lớn thông nhau qua một eo rộng và có độ sâu tương tự nhau khoảng 19m, túi trũng còn lại sâu chừng 12m. Không chỉ là nơi cung cấp nước cho cả thành phố mà Biển Hồ còn là vựa cá lớn gồm có đủ loại cá nước ngọt như cá chép, cá trắm, cá trôi, cá đá, cá niềng, cá chày… và có cả rùa, baba, lươn, chình… là những thủy sản sống lâu năm trong hồ.
Muôn vàn kiểu ảnh với Biển Hồ
Một nhà thơ đã từng viết trong một lần đến thăm Biển Hồ như sau:
Thương thương quá suốt một đời thiếu nước
Nên cái ao tù cũng thành biển của em…
Vì thế mà có một “cái ao” trên đỉnh núi cao vời vợi, đứng ở quốc lộ 1 nhìn lên trên chỉ thấy mây trời phủ kín thì người ta gọi là “biển” cũng là điều hợp lý thôi.
Từ góc này có thể nhìn thấy rõ chữ "Biển Hồ Pleiku"
Đối diện với Biển Hồ theo trục Bắc Nam khoảng chừng 10km chính là đỉnh Hàm Rồng, cũng là một miệng núi lửa khổng lồ (xung quanh thành phố Pleiku có đến hàng trăm miệng núi lửa lớn nhỏ nhưng lớn nhất vẫn phải kể đến Biển Hồ và Hàm Rồng), rất đối xứng. Một bên nhô lên còn một bên thụt xuống cũng lại khiến một nhà thơ nào đó từng so sánh như Yo Ni và Lin Ga.
Có một thực tế là mực nước của Biển Hồ không đổi nên nó vừa là thắng cảnh lại vừa là nguồn nước sinh hoạt chính nuôi sống người dân của thành phố Pleiku. Cái sự mực nước không đổi này kể ra cũng lạ, bởi tháng 6 mùa khô khốc liệt như thế, trời chẳng một giọt mưa mà mực nước nơi đây vẫn giữ nguyên được cũng khiến người ta khó giải thích. Xung quanh Biển Hồ được vây bọc bởi các ngọn núi mà đồng bào dân tộc bám vào các triền thoai thoải của nó để làm nhà và lập làng.
Những bức ảnh đẹp lãng mạn như của Hàn Quốc
Con đường dẫn xuống Biển Hồ uốn lượn đẹp như một bức tranh vẽ với hai bên ngút ngàn là rừng thông xanh mát. Nơi cuối con đường là bậc tam cấp bằng đá dẫn khách tham quan chiêm ngưỡng sự thơ mộng của Biển Hồ, nơi đây trước kia đã từng là đài vọng để du khách có thể ngắm Biển Hồ.
Con đường thông phủ kín bên đường dẫn đến Hồ
Ngày 30/11/2018, tỉnh Gia Lai đã cho phục chế lại tượng Quan Thế Âm Bồ tát bằng đá cẩm thạch trắng, cao 15m. Biển Hồ đã trở thành một địa điểm du lịch văn hóa tâm linh sinh thái do Trung tâm Văn hóa, Thông tin và Thể thao của thành phố Pleiku quản lí. Từ khi có thêm tượng Quan Thế Âm Bồ Tát được phục chế lại, lượng du khách đổ về tham quan Biển Hồ ngày một nhiều hơn bởi nó còn liên quan đến vấn đề tâm linh của người dân nữa. Mỗi ngày có đến hàng trăm lượt du khách đến đây tham quan, ngắm cảnh và chiêm ngưỡng tượng Phật này.
Mỗi mùa, Biển Hồ lại có một điểm thú vị riêng. Mùa khô, nước vơi đi để lộ ra những dải đất bazan màu mỡ, nơi nhiều loài chim quý đến kiếm ăn. Mùa mưa, nước dâng cao tạo nên sóng lớn vỗ bỡ như biển vậy. Vào khoảng dịp Tết Nguyên Đán chính là thời điểm đẹp nhất để bạn đến với Pleiku ngắm Biển Hồ. Khi thời tiết chuyển mình sang xuân se lạnh, mặt nước hồ trong xanh, cây cối đâm chồi nảy lộc tạo cho bản cảm giác vô cùng bình yên. Thời điểm này, đón bình minh trên hồ, sương giăng kín mặt hồ mờ ảo và cái lạnh rất riêng của Pleiku càng làm cho khung cảnh nơi đây thêm phần thi vị, bởi lạnh mà không buốt, đủ để cho du khách cảm nhận được cái lạnh của vùng đất đỏ bazan. Khi chiều xuống, hoàng hôn trên Biển Hồ cũng là điểm níu đôi chân du khách bởi ánh mặt trời xuyên qua những tán thông tạo nên khung cảnh vô cùng lãng mạn và khó quên của núi rừng Tây Nguyên.
Bậc tam cấp dẫn xuống Hồ
Biển Hồ là tự nhiên, hoang sơ và thơ mộng, lại thêm khí hậu trong lành, mát mẻ quanh năm nên nơi đây được đánh giá là hồ nước tự nhiên đẹp nhất của Tây Nguyên. Đến với Biển Hồ, du khách sẽ được thỏa con mát với làn nước trong veo như nhìn sâu vào đôi mắt của người con gái Pleiku trong lời bài hát mà nhạc sĩ Nguyễn Cường đã gắn liền Biển Hồ với phố núi Pleiku mộng mơ: “Em đẹp thế Pleiku ơi! Trái tim tôi muốn vỡ tan rồi! Không dám nhìn vào đôi mắt ấy, đôi mắt Pleiku – Biển Hồ đầy!”.
Các bài viết liên quan:
Phương Trần / Cattour.vn - Ảnh: Internet