Bước vào những tháng mùa khô của Pleiku, suốt từ tháng 12 cho đến tháng 3 năm sau, những cánh rừng cao su ở Gia Lai lại chuyển sang màu đỏ và dần dần đổ lá cho đến khi chỉ còn lại những cành cây khẳng khiu. Mùa lá đỏ này là đặc trưng của nhiều loại cây khộp có ở núi rừng Tây Nguyên. Vì sự phân hóa của khí hậu chia thành 2 mùa mưa và khô rõ rệt trong một năm, nên vào khoảng tháng 6 mùa khô, trời nắng hạn kéo dài nên cao su thường trút hết lá và chỉ trở lại xanh tốt trong mùa mưa.
Pleiku bắt đầu bước chân vào những tháng mùa khô
Vào mỗi dịp cuối năm, các vườn cao su sẽ ngưng thu hoạch mủ để vệ sinh và có khoảng thời gian cho cây cao su phục hồi cho một mùa vụ mới. Lúc này, trên mặt đất là những lớp lá xám rụng, còn trên cây thì lá vàng, lá đỏ chen lẫn lá xanh như một tấm thảm màu sắc.
Cây cối bắt đầu thay lá, chuyển sang vàng, đỏ
Không chỉ riêng ở Gia Lai mà nhiều tỉnh Tây Nguyên và Đông Nam Bộ cũng có những cánh rừng cao su bạt ngàn. Thời điểm thích hợp nhất để “săn ảnh” tại những cánh rừng cao su là khi sương sớm đã tan, ánh nắng bắt đầu xuyên qua những tán cao su ngả nghiêng. Nếu may mắn, bạn có thể bắt được khoảnh khắc mờ ảo của những vệt khói trong mùa đốt lá để vệ sinh vườn cao su. Sẽ là những bức ảnh đầy “nghệ thuật” đấy.
Những con đường ngập tràn lá vàng, lá đỏ
Đến Pleiku, bạn có thể ghé thăm những địa điểm sau để ngắm mùa cao su đổ lá, chẳng kém gì những thước phim lãng mạn của Hàn Quốc đâu nhé:
1.Chư Sê – điểm đặt chân đầu tiên
Huyện Chư Sê thuộc tỉnh Gia Lai, cách trung tâm thành phố Pleiku chừng 40km, đường đi được bao phủ bởi một màu xanh dịu dàng, bạn sẽ như được lạc vào một miền cổ tích ngoài đời thực, yên bình và nhẹ nhàng.
Để tìm được đến đây, bạn nên hỏi người dân để tìm được lối rẽ cách thị trấn Chư Sê chừng 3km, chạy men theo con đường nhỏ đó là đến được địa điểm cần tìm – con đường trải dài hun hút với những cánh rừng cao su bạt ngàn. Vì cũng không phải địa điểm tham quan du lịch, không có hàng quán nào cả nên các bạn nhớ dự trù nước uống và đồ ăn nhẹ trước khi đi nhé. Từ trung tâm thành phố Pleiku, các bạn có thể khởi hành vào sáng sớm và trở về khi đã gần trưa. Đường xá cũng không phải là vấn đề quá lo lắng vì hầu như toàn là đường nhựa rồi, chỉ cần chắc tay lái và đi từ từ thôi.
"So deep" với những con đường lá đỏ ở Pleiku
Những con đường dài thẳng tắp cứ thế nối tiếp theo nhau, nếu bạn bước vào những con đường không có lối rẽ này thì dám cá rằng bạn sẽ chẳng còn muốn bước ra đâu. Bạn như được lạc vào một bức tranh tuyệt đẹp mà ngỡ như không phải ở Việt Nam vậy. Không giống như hoa tam giác mạch chỉ đẹp ở Hà Giang hay những cánh đồng lúa chín ở Tây Bắc, cả Tây Nguyên này bạt ngàn là rừng cao su.
Con đường như một dải lụa mà các bạn khó có thể nhìn thấy được đích cuối cùng là ở đâu, hãy thả tay ga thật chậm để có thể cảm nhận được vẻ đẹp lãng mạn nơi đây.
Cây cối ven hồ lá cũng bắt đầu chuyển màu
2.Chư Păh
Cũng giống như Chư Sê, để đến được với Chư Păh vô cùng khó khăn, nhất là với những bạn lần đầu tiên đặt chân đến với Pleiku. Cái khó thứ nhất là tên địa danh (người Bắc đọc thì người dân nơi đây sẽ không hiểu), cái khó thứ hai chính là hầu hết những cánh rừng cao su và nếu bạn có hỏi rừng cao su Chư Păh ở đâu thì sẽ được dẫn ra một cánh rừng cao su ở gần đó mà thôi.
Bước chân trên thảm lá vàng
Chư Păh cách trung tâm thành phố Pleiku chừng 30km về hướng Kon Tum. Ở đó, bạn sẽ thấy được một lối nhỏ dẫn đi thủy điện Yaly, bạn chỉ cần men theo con đường này là sẽ thấy được rừng cao su. Đối với những bạn nào ưa thích khám phá thì đây sẽ là một trong những địa điểm không tồi chút nào đâu đấy. Các bạn sẽ bắt gặp những lối đi hun hút giữa cánh rừng, chỉ có những vệt sáng xa thẳm. Tuy nhiên có một điều lưu ý nhỏ vì ở đây rất rộng lại rất đẹp nên các bạn nhớ cẩn thận vì quá mê mẩn cảnh vật ở đây mà bị lạc nhé.
Đỉnh núi Chư Pah
Bắt đầu lên lịch trình để cuối năm nay đi ngắm mùa lá đỏ Tây Nguyên thôi nào.
Các bài viết liên quan:
Phương Trần / Cattour.vn - Ảnh: Internet