1.Biển Hồ T’nưng – Đôi mắt Pleiku
Nói về những địa điểm du lịch của Pleiku thì phải kể đến một cái hồ bự bự tên là hồ T’nưng, được mệnh danh là “Đôi mắt Pleiku Biển Hồ đầy”. Nằm cách trung tâm thành phố Pleiku chừng 7km về hướng Tây Bắc, cái hồ ấy chẳng nhộn nhịp, chẳng đông hàng quán và cũng chẳng đông người tụ tập. Chỉ có hồ nước xanh, hàng thông reo và một bầu không khí trong lành thôi. Có thời gian ra đó làm vài pô ảnh mà sống ảo, hít thở bầu không khí trong lành và hóng làn gió mát là hết ý cho một ngày cuối tuần rồi đấy.
Biển hồ T'nưng - Đôi mắt Pleiku biển hồ đầy
Hồ T’nưng là nguồn nước sinh hoạt chính của thành phố Pleiku. Người ta thường ví Biển Hồ như một viên ngọc bích giữa mênh mông đất đỏ, như một “đôi mắt đẫm lệ” của phố núi Pleiku và cũng là nơi khơi nguồn cảm hứng sáng tác bất tận cho giới văn nghệ sĩ, từ đó cho ra đời nhiều tác phẩm nghệ thuật hay đi cùng năm tháng. Cái tên T’nưng còn được gọi lái đi là Tơ Nuêng theo tiếng địa phương, có nghĩa là “biển trên núi” bởi đây là hồ nước ngọt tự nhiên được hình thành trên một miệng núi lửa đã ngưng hoạt động từ hàng triệu năm qua. Mỗi khi có gió to, mặt hồ thường tạo nên sóng, vì vậy mà người ta mới gọi là Biển Hồ.
Biển Hồ như một "đôi mắt đẫm lệ" của Pleiku
Người ta vẫn thường truyền tai nhau về một truyền thuyết gắn liền với Biển Hồ T’nưng rằng: xưa kia nơi đây vốn là một ngôi làng sầm uất với những dòng suối nước trong veo, có tiếng chiêng, tiếng trống và tiếng đàn cùng hòa vang thành những khúc ca rộn rã, âm vang khắp cả núi rừng. Bỗng một hôm, núi lửa rung chuyển và đã vùi lấp cả ngôi làng xuống dưới vực sâu. Những người may mắn còn sống sót đã khóc thương cho ngôi làng và những người thân mãi không nguôi, đến nỗi nước mắt đã đọng lại thành Biển Hồ T’nưng này.
Biển Hồ gắn liền với nhiều truyền thuyết
Con đường dẫn vào Biển Hồ với những rặng thông ở hai bên đường, rồi những bậc tam cấp đá đưa chúng ta xuống tới gần hồ hơn. Ở một khoảng cách gần như thế, ta được ngắm nhìn làn nước trong xanh, phẳng lặng trong âm thanh kì diệu của thiên nhiên. Tiếng hàng thông reo trong gió, được đứng dưới tán cây xanh cổ thụ uy nghi soi bóng xuống mặt hồ, tâm hồn ta như bình yên hơn. Chiều xuống, ở hồ thường có những hoạt động như câu cá, hoặc nếu bạn muốn mua những món quà về làm kỉ niệm thì có thể dừng chân ở cổng, chỗ đó có hàng bán tranh khắc rất kì công cùng với những xe hoa quả đầy hấp dẫn.
Con đường dẫn đến Biển Hồ
Xem thêm:
2.Biển Hồ Chè
Đi cùng với cái tên Biển Hồ T’nưng, người ta không thể không nhắc đến Biển Hồ Chè cũng nổi tiếng không kém. Cách trung tâm thành phố Pleiku chừng 15km về phía Bắc, địa điểm này cùng đường đi hồ T’nưng nên bạn có thể kết hợp đi khám phá hai địa danh này trong cùng một ngày. Cái tên Biển Hồ Chè được ra đời bởi sự kết hợp giữa hồ nước thủy lợi và nương chè bạt ngàn nằm trên bờ biển Bắc Hồ. Để đến được với đồi chè, bạn cần đi qua con đường quốc lộ và cả những con đường đất đỏ đầy thơ mộng hay những rặng hoa cúc vàng rực rỡ trong ánh nắng vàng như rót mật.
Biển Hồ Chè xanh bạt ngàn cách "Đôi mắt Pleiku" không xa
Đi sâu vào bên trong đồi chè là màu xanh tươi mát của những lá chè và thoang thoảng hương thơm của chè len lỏi vào trong tận tim của bạn. Mọi ưu phiền trong cuộc sống như tan biến trước cả nương chè trải dài ngút tầm mắt, cũng dường như màu xanh của lá chè làm cho người ta căng tràn nhựa sống hơn vậy. Chiều chiều, lại thấy thấp thoáng bóng dáng của người nông dân đi chăm chè, dưới ánh nắng mặt trời nơi cao nguyên, biển chè xanh mênh mông như càng thêm phần rực rỡ hơn.
Con đường tươi mát thơm thoang thoảng hương chè
Đặc biệt hơn, trên con đường dẫn vào Biển Hồ Chè còn có cây cô đơn nằm ở bên hồ, chỉ cần đứng dưới cây là bạn đã có ngay một bức hình lung linh rồi. Ngoài ra, cây cầu dây bắc sang con đường dẫn đi hồ T’nưng cũng là một background sống ảo siêu chất nữa đó.
Xem thêm:
3.Đập Tân Sơn
Nằm cách trung tâm thành phố Pleiku chừng 25km về hướng Bắc, thuộc địa phận xã Nghĩa Hưng chính là đập thủy lợi Tân Sơn. Đập thủy lợi này nằm trên một ngã rẽ của con đường đến núi lửa Chư Đăng Ya. Không chỉ là công trình nhân tạo có ý nghĩa quan trọng đối với đời sống sản xuất của người dân nơi đây mà nó còn là một địa điểm du lịch đẹp, hoang sơ không thể bỏ qua khi bạn có dịp đến với Pleiku nữa đó.
Ghé thăm đập Tân Sơn vào một buổi sáng sớm, đi bộ trên con đường nhựa để tham quan đập, hít thở bầu không khí trong lành. Một dải nước xanh ngọc trải dài ngút tầm mắt của người lữ khách, hai bên đập là cánh rừng nguyên sinh hoang sơ trải dài. Tựa lưng vào chân núi Tiên Sơn, hồ chứa hứng trọn nguồn nước từ hàng trăm những con rạch, suối đổ về đây.
Đây là công trình nhân tạo có ý nghĩa quan trọng đối với đời sống sản xuất của người dân
Phía dưới lòng hồ trơ lên những dải đất đỏ như những con lươn, những gốc thông khô rút dần khỏi mặt nước, vài nhánh thông xám bạc trơ trọi còn lại sau nhiều ngày ngâm nước khiến cho khung cảnh ven hồ càng trở nên có phần “ma mị” khiến bạn có cảm giác như mình đang đi lạc giữa một khu rừng Taiga vậy.
Khung cảnh ven hồ có phần "ma mị"
4.Chùa Bửu Minh
Nằm cách trung tâm thành phố Pleiku chừng hơn 15km về phía Bắc, giữa lòng đồi chè là một nơi linh thiêng cửa Phật được gọi tên – chùa Bửu Minh. Là một trong những ngôi chùa được ra đời sớm nhất Gia Lai, chùa Bửu Minh đã gắn liền với đồi chè hơn 50 năm, được xây dựng lại từ một cái am nhỏ và ngôi chùa Phật học. Chùa mang ý nghĩa tâm linh của bao thế hệ người trồng chè, của bao mùa vụ chè đã đi qua. Với quy mô chánh điện hơn 500 m2, cao gần 50m, chùa Bửu Minh là niềm tự hào của người dân ở đồi chè nói riêng và của cả Pleiku nói chung.
Chùa Bửu Minh là một trong những ngôi chùa ra đời sớm nhất ở Gia Lai
Toàn bộ ngôi chùa được thiết kế bằng bê tông cốt thép, có sự kết hợp hài hòa giữa lối kiến trúc gỗ cùng mô típ chùa cổ ở miền Bắc và miền Trung nước ta, cùng với kiểu dáng của Nhật Bản và Đài Loan. Nét riêng của chùa chính là phần mái được tạo dáng cao vút và thanh thoát như mái nhà rông Tây Nguyên. Không gian trong sân chùa còn được cách điệu bởi những ngôi tháp nhỏ đặt nối tiếp nhau cùng với chiếc cầu dẫn vào nơi đặt tượng Phật nằm.
Ngọn tháp nổi bật của ngôi chùa
5.Chùa Minh Thành
Chùa Minh Thành như một dấu ấn góp phần làm đẹp cho phố núi mùa đông với án sương chiêu đãng của phố núi Pleiku sương mù. Với lối kiến trúc hoài cổ, độc đáo cùng không gian thanh tịnh đã khiến cho nơi đây trở thành điểm dừng chân tham quan du lịch của rất nhiều du khách khi có dịp ghé đến Pleiku.
Chùa Minh Thành mang hơi thở của kiến trúc Nhật Bản
Đứng từ xa bạn đã có thể chiêm ngưỡng được tòa bảo tháp xá lợi cao 9 tầng, phía bên trong khuôn viên chính là tượng Phật Di Đà nguy nghiêm. Chánh điện của chùa cao đến 16m, được làm bằng gỗ pơ mu rất bền và chắc chắn. Đến với chùa Minh Thành, du khách sẽ được hòa mình vào với không gian thiêng liêng, thanh bình, tĩnh lặng tạo nên cảm giác vô cùng thư giãn và thoải mái.
Con đường đẹp nhất trong chùa
6.Nhà thờ Đức An
Nhà thờ Đức An được biết đến là công trình kiến trúc Thiên chúa giáo lớn và tầm cỡ bậc nhất của thành phố Pleiku. Nhà thờ được xây dựng vào năm 1990 tại Pleiku, trên một khu đất cao có diện tích rộng khoảng 1120 m2, với lối kiến trúc kết hợp Á – Âu. Giáo đường được trang trí vô cùng hài hòa với sức chứa lên đến khoảng 600 giáo dân, có tháp chuông cao khoảng 20m.
Nhà thờ được xây dựng trên một không gian thoáng mát, cao ráo càng làm cho bề thế công trình kiến trúc của nhà thờ thêm phần uy nghiêm và nguy nga hơn. Bên cạnh đó, nhà thờ còn có cả nhà làm việc, nhà nghỉ, nhà ăn riêng biệt nữa.
Công trình kiến trúc Thiên chúa giáo lớn và tầm cỡ bậc nhất của thành phố Pleiku
Nhà thờ Đức An là giáo phận quan trọng của phố núi Pleiku, nơi diễn ra những buổi lễ quan trọng. Với lối kiến trúc đặc trưng chắc chắn sẽ mang đến cho bạn những ấn tượng đặc biệt ngay từ lần đầu tiên ngắm nhìn. Không gian yên tĩnh của nơi đây cũng sẽ mang lại cho bạn những phút giây thư giãn, thoái mái riêng.
7.Hồ thủy điện Yaly – nguồn sáng lớn nhất của cả Tây Nguyên
Nằm giữa núi rừng Tây Nguyên hùng vĩ, nhà máy thủy điện Yaly nằm bên dòng sông Sê San thuộc địa phận tỉnh Gia Lai. Trước đây, Yaly được biết đến là một thác nước đẹp, còn ngày nay nó được thay bằng một công trình thủy điện đồ sộ bao gồm đập dâng, đập tràn xả lũ bên một hồ nước trong bát ngát với mặt hồ rộng hơn 65 km2, giữa một khung cảnh thiên nhiên đẹp đến nao lòng. Cảnh sắc thiên nhiên nơi đây đã hòa với công trình hiện đại và hoành tráng do con người xây dựng nên, tạo thành một địa điểm du lịch hấp dẫn thu hút được nhiều du khách khi đến thăm Pleiku – Gia Lai.
Thủy điện Yaly nằm bên dòng sông Sê San
Ngay từ khi bước chân vào cổng của công trình thủy điện thì khung cảnh thiên nhiên đẹp như tranh vẽ đã hiện ra với những con đường quanh co giữa không gian núi rừng bao la, hùng vĩ, với dòng thác trắng xóa khiến cho du khách tưởng như chính mình đang lạc vào một chốn bồng lai tiên cảnh nào đó.
Đến khám phá công trình thủy điện Yaly, bạn sẽ được ngắm nhìn một bên là công trình thủy điện hoành tráng vô cùng đồ sộ với một bên là dòng sông Sê San đẹp tựa như một tấm dải lụa đậm màu xanh biếc, trải dài và uốn lượn qua những khe núi, chảy trôi lững lờ bên bờ những cánh rừng cây cối xanh rậm rạp. Có lẽ ấn tượng nhất vẫn là hồ chứa nước rộng mênh mông được bao bọc bởi bốn bề là núi non chập trùng. Còn gì thích thú hơn khi được lênh đênh trên mặt hồ gợn sóng, trong một không gian tươi mát vô cùng thư giãn và sảng khoái, ngắm nhìn núi rừng của Tây Nguyên đẹp hùng vĩ.
Hồ thủy điện nước trong xanh
Ngoài ra, để khám phá bên trong khu nhà máy thủy điện, bạn cũng sẽ được trải nghiệm đi trên những con đường dưới hầm dài hơn 500m được tỏa sáng rực rỡ bởi những ánh đèn chùm lung linh, rực rỡ phía hai bên và mái vòm.
Con đường dưới hầm của thủy điện Yaly
Công trình thủy điện Yaly không chỉ đơn giản là một công trình đồ sộ và hoành tráng thu hút được nhiều du khách đến tham quan mà nó còn đem lại nguồn điện năng cho biết bao nhiêu buôn làng vùng Tây Nguyên đất đỏ này, góp phần nâng cao đời sống của đồng bào vùng núi. Công trình thủy điện Yaly đã trở thành một biểu tượng cho khối óc vĩ đại và sức mạnh phi thường của con người trong chinh phục tự nhiên để tạo nên những công trình có ích, phục vụ cho đời sống của con người.
8.Rừng cao su
Nếu như đã lỡ vô tình lạc bước vào những con đường thuộc các huyện lân cận của thành phố Pleiku như Chư Pah, Chư Sêm Chư Prông… chắc chắn bạn sẽ không khỏi ngỡ ngàng và lập tức bị “đánh cắp trái tim” bởi những hàng cao su thẳng tắp tựa như một tấm thảm khổng lồ. Những con đường cao su ấy đã biến thiên nhiên nơi đây trở nên hoang dã và đầy mộng mị, có phần bí ẩn, quyến rũ hơn như một nàng thơ nơi phố núi. Ai đã lỡ đi lạc vào đây chắc hẳn sẽ có cảm giác như bị “thôi miên”, trôi theo những con đường để hòa vào sự lãng mạn của những hàng cây, lắng nghe được âm thanh thầm thì của đại ngàn. Cũng có lẽ, tạo hóa đã vô tình xếp những cánh rừng vào với dải đất đỏ bazan đỏ rực này, dệt thêm chút nằng vàng và những bờ cỏ khô để tạo nên được sự kết hợp hài hòa.
Rừng cao su xanh mát ở Pleiku
Mùa mưa ở Pleiku thường kéo dài từ tháng 5 cho đến khoảng tháng 10 hàng năm, khi bắt đầu chuyển sang tháng 11 cũng là lúc đất trời Pleiku bắt đầu bước vào mùa khô, độ ẩm và nhiệt độ thấp. Lúc này, những cánh rừng cao su cũng bắt đầu trút lá miên man khắp cả một khoảng trời rộng lớn
Rừng cao su mùa thay lá
Nơi đây không ồn ào, đông đúc khách thập phương đến check in mà thỉnh thoảng chỉ có vài chiếc xe máy đi ngang qua, hẳn là thiên đường dành cho những người muốn tìm chút bình yên để thả hồn vào với mây gió, hít thở thật chậm để cảm nhận được mùi hương của núi rừng Tây Nguyên rồi. Vào khoảng cuối tháng 11 – đầu tháng 12, vẫn còn lác đác những chiếc lá xanh mơn mởn nằm e ấp kế bên những cành cây khô được phủ đầy lá vàng, lá đỏ tạo nên một sự đối lập nhưng lại đầy hài hòa, thú vị của thiên nhiên. Những hàng cây cao su được trồng thẳng tắp, tuy khô trụi lá, thân cây khẳng khiu nhưng lại vô cùng vững vàng và đầy kiêu hãnh cũng như đức tính mộc mạc, giản dị, chân chất của người dân nơi đây vậy. Giữa nền trời xanh, mây trắng là những chiếc lá vàng, lá đỏ lãng mạn điểm xuyết ngay lập tức thu hút được tầm mắt của những người thích tìm đến không gian thơ mộng. Bạn chỉ cần vô tình đưa máy ảnh lên là đã có thể dễ dàng bắt lấy những khoảnh khắc đầy thương nhớ của thiên nhiên nơi núi rừng Tây Nguyên này rồi.
\ Chỉ cần giơ máy ảnh lên đã có thể bắt được những khoảnh khắc đẹp nhất
9.Nhà thờ gỗ Kon Tum
Nhà thờ gỗ Kon Tum là báu vật nằm giữa núi rừng Tây Nguyên bạt ngàn, là một công trình kiến trúc tôn giáo rất độc đó với tuổi đời lên đến hàng thế kỉ, là niềm tự hào biết bao đời nay của người dân Kon Tum. Sở dĩ nơi đây được gọi bằng cái tên dân dã là “Nhà thờ gỗ Kon Tum” bởi nó được xây dựng hoàn toàn bằng gỗ cà chít, được xem là di tích cổ kính và đẹp nhất thành phố xinh đẹp Pleiku.
Nhà thờ do một vị linh mục người Pháp thiết kế và khởi xướng, với lối kiến trúc kết hợp hài hòa giữa kiểu kiến trúc Roman và nhà sàn gỗ của người Ba Na. Vật liệu để xây dựng nhà thờ cũng rất đặc biệt, hoàn toàn bằng gỗ cà chít (sến đỏ) – loại gỗ đặc trưng của vùng đất Tây Nguyên. Qua bàn tay khéo léo của các nghệ nhân mà công trình độc đáo này đã được dựng lên, các tấm gỗ được kết dính với nhau mà không cần phải sử dụng đến đinh. Nhà thờ cũng là công trình kiến trúc kiệt tác bằng gỗ mang phong cách Basilica duy nhất còn lại trên thế giới.
Là công trình kiến trúc tôn giáo rất độc đó với tuổi đời lên đến hàng thế kỉ
Bước chân vào giáo đường, bạn sẽ thấy thêm cảm phục hơn những con người đã xây dựng lên công trình kiệt tác này. Những hàng cột được gắn kết với nhau bằng các vòng cung tạo thành hình vòm, mở ra một không gian rộng, cao và thoáng. Bên trên những cây cột gỗ đen bóng được trang trí nhiều họa tiết vô cùng độc đáo, mang đậm bản sắc văn hóa dân tộc vùng cao nguyên đầy nắng gió, mang đến cho bạn một cảm giác hết sức gần gũi.
Thiết kế của nhà thờ rất đẹp
Bạn có thể đến khám phá ngôi nhà thờ độc đáo này vào bất cứ thời điểm nào trong năm, bởi mỗi thời điểm nó lại mang một vẻ đẹp khác nhau. Nếu đến đúng vào mùa hoa đậu nở, bạn sẽ bắt gặp được sắc hồng xen lẫn với sắc trắng của những con đường hoa trải dài. Còn nếu đến đúng vào dịp lễ Giáng Sinh, bạn sẽ được hòa mình vào không khí náo nhiệt khi nơi đây hội tụ hàng ngàn những giáo dân từ các nơi trong vùng về đây dự lễ và cầu nguyện, không khí vô cùng nhộn nhịp và ấm áp. Trong những ngày lễ còn diễn ra những phiên chợ nhỏ, bày bán đủ những sản phẩm thủ công do chính tay những người dân từ buôn làng làm ra. Còn nếu bạn đến nhà thờ vào những ngày bình thường thì cũng chớ vội buồn, bởi sự bình yên và trầm mặc mang nét gì đó rất riêng sẽ làm tâm hồn ta như được thư thái hơn sau những bộn bề của cuộc sống ngoài kia.
Bên trong nhà thờ
10.Đồi thông và cỏ cháy xã Glar
Cách trung tâm thành phố Pleiku chừng 20km, đồi thông Glar đang ngày càng nổi tiếng bởi cảnh đẹp thơ mộng và tự nhiên. Hơn 300ha rừng thông cứ đến cuối thu, đầu đông, khi những cơn mưa Tây Nguyên vừa dứt thì cũng là lúc cỏ hồng rực rỡ bừng sáng khắp sườn đồi, cứ chỗ nào đất trống rừng thưa thì mọc mạnh và dày như một tấm thảm êm dịu, mịn màng như nhung.
Đồi cỏ hồng rực rỡ bừng sáng khắp sườn đồi
Nếu có hồng hoang hoải riêng lẻ cả triền đồi trơ trọi mà không có thông bon sai của Glar tô điểm thì vẻ đẹp kia cũng chỉ như sương gió thoáng qua, không lưu lại được lâu trong lòng du khách. Chẳng phải đợi đến mùa cỏ hồng, bình sinh, đồi thông Glar đã rất đẹp rồi. Những cây thông tự bao giờ đã mọc lên, cứ dăm ba mét lại đâm cành ngang nhánh dọc, phát tán mà không cao vút hay ngay hàng thẳng lối. Những cây thông ở đây tự tạo bon sai cho mình, mỗi cây một vẻ, có lúc đứng cạnh nhau thành đám, có chỗ lại lưa thưa như tô điểm cho cảnh quan thiên nhiên thơ mộng của đồi cỏ.
Chụp nhiều ảnh "độc" ở đồi cỏ cháy xã Glar
Đồi thông Glar không chỉ đẹp mùa cỏ hồng, những ngày đầu xuân, nhiều nam thanh nữ tú quanh vùng thường rủ nhau đến đây tình tự, ngắm trời mây non nước để tạm quên đi cuộc sống tất bật đời thường. Hoặc vào những đêm trắng sáng, nhiều cặp tình nhân chọn đồi thông Glar làm nơi hò hẹn cho tình yêu thêm phần lãng mạn và thi vị.
Ở đây còn có cả thông nữa đó
Đến đây không chỉ để chụp ảnh với cỏ mà còn có cả một đồi thông
11.Quảng trường Đại Đoàn Kết
Quảng trường này được mệnh danh là “trái tim” của thành phố Pleiku nói riêng và của tỉnh Gia Lai nói chung. Nơi đây đón một lượng du khách lớn tới thăm và ai cũng phải thổn thức hạnh phúc cùng tự hào về vẻ đẹp của quê hương đất nước mình.
Quảng trường có tượng đài của Bác Hồ được đúc bằng đồng nguyên chất, khung xương được làm bằng thép không gỉ lớn nhất của Việt Nam và đồng thời đó cũng là bức tượng về Bác Hồ lớn nhất trên thế giới. Hình ảnh vị cha già dân tộc đứng vững chãi trên bệ, đang giơ tay vẫy chào đồng bào khắp mọi miền đất nước đã về đây. Phía sau bức tượng của Bác là dãy phù điêu mô phỏng lại hình hoa sen được cách điệu bằng đá uốn cong, như núi rừng Tây Nguyên bất tận.
Quảng trường Đại Đoàn Kết với hình ảnh vị Cha già dân tộc
12.Nhà tù Pleiku
Dầu cho thời gian đã trôi qua nhưng những nhà lao giam giữ vẫn còn đó như nhắc lại cho những ai đang trải qua chiến tranh, những ai nắm vận mệnh dân tộc một sức mạnh nội lực của quân và dân Việt Nam. Đây là nhà tù của người Pháp được xây dựng với mục đích giam giữ những nhà yêu nước với bao hình thức tra tấn man rợ, dã man. Nơi đây còn có ý nghĩa sâu sắc, như một minh chứng cho sự tàn ác mà thực dân Pháp đã gây ra đối với dân tộc ta, từ đó càng làm ta thêm yêu và biết ơn đối với những người đã hi sinh để đổi lấy hòa bình ngày hôm nay.
Di tích nhà tù Pleiku
13.Núi Hàm Rồng
Được mệnh danh là “nóc nhà của Pleiku”, đây là một núi lửa đã không còn hoạt động từ lâu và là mảnh đất tươi tốt cho những loại hoa màu và những rừng thông xanh bát ngát. Vào buổi sáng sớm tinh mơ, nếu có dịp được đứng trên đỉnh núi bạn sẽ chiêm ngưỡng được vẻ đẹp hiếm có với mây bay ngang đầu, sương mù lẩn khuất ở phía dưới tạo nên một bức tranh sơn thủy hữu tình mà khó nơi đâu có được. Còn nếu đứng từ dưới nhìn lên, ngọn núi lại như một chiếc bát úp ngược, nhưng càng lên cao thì miệng núi lại càng giống như một lòng chảo ôm gọn người vào đó với những thửa ruộng ngô, khoai… tươi tốt và đầy màu mỡ.
Núi Hàm Rồng được mệnh danh là "nóc nhà của Pleiku"
Hành trính đến với núi Hàm Rồng là cơ hội tuyệt vời để du khách không chỉ được ngắm nhìn ngọn núi kì vĩ mà còn được ngắm cả khu vực thung lũng dưới chân núi, nơi sinh sống của những con người Tây Nguyên chất phác, hiền hậu. Những bông hoa dã quỳ, hoa cà phê sẽ càng tô thắm cho bức tranh nơi đây trở nên rực rỡ hơn và làm say lòng bất cứ ai nếu có dịp ghé thăm.
14.Gợi ý thêm một số địa điểm ăn ngon ở Pleiku
Dành cho những ai vẫn chưa biết đi Pleiku ăn gì ngon, nhớ lưu lại list sau nhé:
+ Phở Hồng – Phở “2 tô” Pleiku: ở số 22-24 Nguyễn Văn Trỗi, phường Hội Thương và giá chỉ khoảng 40k/tô thôi là bạn đã được thưởng thức đặc sản của phố núi Pleiku rồi.
+ Khu chợ mới: nổi tiếng với món bánh ram ít và cả bánh canh nữa, ngon xoắn lưỡi luôn đấy.
+ Lụi nướng và chả lá lốt: nổi tiếng nhất là lụi nướng bà Sáu ở số 122 Cao Bá Quát. Chỉ 3k/xiên cho món ăn chơi chơi ở Pleiku.
+ Khu phố ăn uống Hai Bà Trưng: khu ăn uống Pleiku này không nổi tiếng trên mạng lắm nhưng đến đây rồi mới thấy bao nhiêu là món ngon được mở vào buổi tối, đặc biệt là món sữa chua hoa quả nữa.
Ẩm thực Pleiku
Đừng bỏ lỡ nhiều món ăn hấp dẫn nhé
Hãy đến với Pleiku một lần để biết tại sao người ta lại nặng tình với miền đất đỏ này như thế bạn nhé!
Các bài viết liên quan:
Phương Trần / Cattour.vn - Ảnh: Internet