I. Thác Bản Giốc ở đâu? Có gì hấp dẫn?
Thác Bản Giốc Cao Bằng là một địa danh du lịch nổi tiếng của Việt Nam, nằm ở ngay biên giới Việt – Trung nhưng phần lớn diện tích của thác thuộc lãnh thổ Việt Nam. Thác Bản Giốc không chỉ có ý nghĩa quan trọng về chủ quyền biên giới quốc gia mà nó còn có ý nghĩa đặc biệt quan trọng với du lịch Việt Nam. Đường đi đến thác Bản Giốc quanh co, uốn lượn quanh sườn núi và có rất nhiều các khúc cua hẹp, không khí trong lành và phong cảnh nơi đồng quê vùng núi lại vô cùng trù phú. Thác cao hơn 60m, chỗ dốc dài nhất 30m được chia thành nhiều tầng đá vôi nối tiếp nhau trải rộng đến cả trăm mét. Phía giữa thác có một mô đất rộng với nhiều cây xanh bao phủ chia con sông Quây Sơn thành 3 nhánh khác nhau. Nhìn từ xa, thác Bản Giốc lúc nào cũng chảy cuồn cuộn, gồng mình trấn giữ nơi biên cương của tổ quốc nhưng cũng không thiếu đi phần hiền hòa và đôi nét thơ mộng.
Thác Bản Giốc hiền hòa và thơ mộng
Thác Bản Giốc được chia thành 2 nhánh chính. Nhánh lớn có độ cao thấp hơn, chảy qua những bậc đá vôi thấp, nhánh nhỏ lại có độ cao lớn hơn và chảy qua những bậc đá vôi cao hơn, hiền hòa giữa núi rừng như mái tóc của một người thiếu nữ.
Thác Bản Giốc chảy qua nhiều tầng đá vôi rất đẹp
Những năm gần đây, thác Bản Giốc cũng phát triển hơn về du lịch, vì vậy đã có thêm rất nhiều nhà nghỉ, homestay và các dịch vụ khác để phục vụ nhu cầu của khách du lịch khi đến đây. Nếu bạn là một người đam mê xê dịch và khát khao được hòa mình vào với thiên nhiên hùng vĩ, và đặc biệt là yêu thích khám phá du lịch trong nước thì hãy một lần đến với thác Bản Giốc Cao Bằng để có những trải nghiệm thú vị trong đời nhé.
II. Nên đi du lịch thác Bản Giốc mùa nào?
Trên thực tế bạn chẳng cần phải quá đắn đo xem nên đi thác Bản Giốc vào mùa nào trong năm để có thể ngắm nhìn thác một cách đẹp nhất. Bởi đối với thác Bản Giốc, mỗi mùa lại mang trong mình một nét đẹp rất riêng thu hút khách du lịch. Thác Bản Giốc chỉ có hai mùa chính là mùa mưa và mùa khô, mỗi mùa chỉ kéo dài từ 3 đến 5 tháng.
Mùa khô hay còn gọi là mùa lúa chín theo cách gọi của người dân Cao Bằng rơi vào khoảng tháng 10 và kéo dài cho đến tháng 5 năm sau. Đây được coi là mùa bình yên nhất đối với thác Bản Giốc, thác mang nét đẹp thanh tao, nhẹ nhàng như nàng tiên giáng trần còn mang vẻ e ngại trước cảnh đời. Làn nước xanh mát vào mùa hè chảy nhẹ nhàng, trong xanh như suối tóc mượt mà của những cô gái vùng Đông Bắc sẽ khiến bạn muốn thả mình hòa quyện vào nó.
Thác Bản Giốc mùa khô đẹp nhẹ nhàng, thanh tao với làn nước trong xanh
Mùa mưa của thác Bản Giốc thường kéo dài từ tháng 6 đến tháng 9 hằng năm. Tham quan thác Bản Giốc mùa này cũng vô cùng tuyệt vời. Bạn sẽ được chứng kiến những dòng thác đổ xuống đầy oai phong, bọt tung trắng xóa, nước đổi màu đỏ rực. Đứng từ trên cao nhìn xuống bạn có thể thấy được cầu vồng rất đẹp mắt – một khung cảnh khó có thể bắt gặp nơi phố thị ồn ào. Theo kinh nghiệm của những người đã từng đi thác Bản Giốc thì khoảng thời gian tháng 8, tháng 9 là thời điểm đẹp nhất để tham quan thác. Hàng năm, thác Bản Giốc thu hút hơn 30.000 lượt khách du lịch đến tham quan vì sự hùng vĩ của con thác này.
Thác Bản Giốc mùa mưa lại mang vẻ đẹp đầy hùng vĩ
Xem thêm:
III. Đi thác Bản Giốc bằng phương tiện gì?
Để có thể đến được thác Bản Giốc, bạn có thể đi xe máy hoặc ô tô bắt đầu từ Hà Nội, cách thác khoảng 400km.
+ Cung đường 340km theo quốc lộ 1: Hà Nội – Thất Khê – Trùng Khánh – Bản Giốc
+ Cung đường ngắn nhất khoảng 330km theo quốc lộ 3 và quốc lộ 1B: Hà Nội – Thái Nguyên – Thất Khê – Trùng Khánh – Bản Giốc.
+ Cung đường 360km chỉ cần đi theo quốc lộ 3: Hà Nội – Thái Nguyên – Bắc Cạn – Cao Bằng – Trùng Khánh – Bản Giốc.
Tùy theo thể trạng và sở thích khám phá của mỗi người mà bạn có thể lựa chọn được cung đường và phương tiện di chuyển phù hợp với mình.
Tùy sở thích và thể trạng mỗi người mà có thể chọn ra phương tiện và cung đường di chuyển phù hợp
Ngoài ra, bạn có thể lựa chọn du lịch thác Bản Giốc theo tour.
IV. Du lịch thác Bản Giốc ăn gì?
Đến với Bản Giốc Cao Bằng mà không thưởng thức qua ẩm thực nơi đây thì quả là một thiếu sót lớn đấy. Ở đây xin giới thiệu đến bạn top 10 món đặc sản của đồng bào dân tộc nơi đây.
1. Cá Trầm Hương nướng nổi tiếng ở thác Bản Giốc
Đây là loại cá ngon nổi tiếng ở thác Bản Giốc Cao Bằng. Theo người dân cho biết thì trước đây ở dưới chân thác có rất nhiều cá trầm hương, họ đánh bắt rất dễ dàng và bán ở chợ Trùng Khánh. Tuy nhiên loại cá này càng ngày càng ít đi và trở thành một món đặc sản. Được gọi là cá trầm hương vì loại cá này thường ăn rễ và lá cây mục của cây trầm hương mọc ven sông Quây Sơn. Chính vì vậy mà thịt của chúng ngon hơn rất nhiều những loại cá khác, khi ăn vào có thể cảm nhận được vị trầm phảng phất. Cá trầm hương được câu ngay tại thác Bản Giốc mới là ngon nhất vì chúng bơi dưới dòng thác nên thịt rất săn chắc. Món ngon nhất được chế biến từ loại cá này đó chính là cá trầm hương nướng. Cá được bắt trực tiếp từ sông, mổ bụng làm sạch rồi nhét thêm một vài loại rau và gia vị như hành, thì là… vào trong bụng sau đó được bọc bởi một lớp lá chuối rồi nướng trên bếp than. Khi cá chín tỏa mùi thơm nức, phảng phất chút hương vị của trầm hương khiến cho những thực khách khó tính nhất cũng phải trầm trồ. Hãy đến thác Bản Giốc và nếm thử đảm bảo bạn sẽ khó có thể quên được đấy.
Món cá trầm hương nướng ngon trứ danh của thác Bản Giốc
2. Vịt quay 7 vị Cao Bằng
Gọi là món vịt quay 7 vị vì món ăn này được người Cao Bằng sử dụng tới 7 loại gia vị để ướp thịt vịt. Món thịt vịt có ngon hay không phụ thuộc vào khâu ướp thịt. Mắm và muối được hòa lẫn vào trong nước 7 vị của người Tày ở Cao Bằng rồi rút từ từ vào bụng vịt để cho gia vị được ngấm sâu vào từng thớ thịt. Bụng vịt được khâu lại bằng một chiếc lạt tre dẻo, chẻ mỏng và chuốt nhọn đầu như cây kim để nước trong bụng vịt không tràn ra ngoài. Vịt được thổi phồng và trần qua một lần nước sôi cuối cùng, sau đó mới quét mật ong và dấm lên khắp thân rồi quay. Cách này làm cho vịt vừa mềm lại vừa ngọt mà không bị khô khi nướng trên than hồng.
Vịt quay 7 vị mềm, ngọt hấp dẫn
3. Bánh khảo
Bánh khảo là một trong những đặc sản của tỉnh Cao Bằng được nhiều người ưa thích. Nguyên liệu làm nên chiếc bánh khảo là loại gạo nếp ngon, thơm, hạt tròn mẩy; đường để làm bánh là đường phèn hoặc đường phên. Nhân bánh có vị thơm bùi của lạc, vừng, ngậy của mỡ lợn. Khi thưởng thức bánh bạn có thể cảm nhận được vị ngọt thanh của đường và vị thơm của bột nếp. Bánh được gói thành hình những chiếc phong bì hình chữ nhật trong những tờ giầy nhiều màu sắc và bày bán tại các cửa hàng. Bánh có thể bảo quản được cả tháng mà không bị mốc hay ỉu.
Đặc sản bánh khảo Cao Bằng thưởng thức cùng với trà xanh
4. Bánh trứng kiến
Vào mùa hè (khoảng tháng 4, tháng 5) hàng năm, bà con dân tộc Tày của tỉnh Cao Bằng lại cùng nhau vào rừng tìm trứng kiến đen về để làm món bánh trứng kiến. Bánh được làm từ bột nếp, trứng kiến đen và lá non của cây vả. Trứng kiến đen của vùng đất Cao Bằng thường rất mẩy, béo và có hàm lượng đạm rất cao. Nhưng không phải loại kiến nào cũng có thể lấy trứng để ăn được, chỉ loại trứng kiến đen mà người Tày hay gọi là tua rày có thân nhỏ, đuôi nhọn, một tổ kiến to có thể lấy được vài ba chén trứng. Bánh trứng kiến ăn dẻo, thơm mùi lá vả, béo ngậy của trứng kiến.
Bánh trứng kiến béo ngậy
5. Bánh chè lam
Bên cạnh những loại bánh ngon và lạ miệng của tỉnh Cao Bằng không thể không nhắc đến món bánh chè lam. Bánh được làm từ bột nếp rang, lạc rang, gừng cùng mạch nha. Khi thưởng thức bánh ta cảm nhận được độ dính của mật, độ mịn và vị dẻo của bột nếp, ngọt ngào của mật cùng một chút cay của gừng, một chúi bùi của lạc. Bánh ngon nhất khi được thưởng thức cùng với trà nóng, bạn sẽ nhớ về nước non Cao Bằng xinh đẹp.
Bánh chè lam dân dã
6. Miến dong Phia Đén
Vùng đất Cao Bằng nổi tiếng với món miến dong Phia Đén được làm từ bột dong riềng nguyên chất. Miến dong Phia Đén sợi dai, bóng đẹp, giòn và có hương thơm đặc trưng của bột dong riềng mà không hề sử dụng hóa chất. Miến dong sau khi nấy để lâu không hề bị bở, nát và rất được người tiêu dùng ưa chuộng.
Người dân Cao Bằng đang phơi miến dong
7. Lạp xưởng hun khói
Hương vị của lạp xưởng tỉnh Cao Bằng có hương vị rất đặc trưng của thịt nạc vai ướp cùng các loại gia vị; vị chua chua của thịt hun khói cùng lá và quả của cây mắc mật, dai dai của lòng non bào mỏng và đặc biệt là không hề có chất bảo quản. Lạp xưởng Cao Bằng được chế biến bằng cách rán vàng, nướng trên than hoa rồi thái lát mỏng chấm tương ớt ăn kèm với rau thơm, dưa chuột thì ngon hết sảy.
Món lạp xưởng hun khói mang hương vị đặc trưng của Cao Bằng
8. Hạt dẻ Trùng Khánh
Đây là thứ quả của Việt Nam mà chỉ duy nhất Trùng Khánh, Cao Bằng mới có. Du khách thường nhớ đến hạt dẻ Trùng Khánh vì nó lạ loại quả có hương vị thơm ngon nhất và bùi ngậy nhất. Dù bạn chế biến luộc, rang, sấy hay nấu với chân giò thì hạt dẻ vẫn giữ được nguyên hương vị của nó. Ai có “cơ may’ mới mua được đúng hạt dẻ Trùng Khánh vì sản lượng không nhiều do bà con ở đây không canh tác nhiều, mà phải vào khoảng tháng 9, tháng 10 hàng năm vì đây là mùa thu hoạch.
Hạt dẻ Trùng Khánh chế biến món gì cũng ngậy
Xem thêm:
9. Xôi trám Cao Bằng
Khi tiết trời bước sang thu cũng là lúc bà con Tày, Nùng ở Cao Bằng bắt đầu lên rừng hái trám. Hằng năm, cứ vào khoảng tháng 8, tháng 9 là người dân lên rừng hái quả trám về nấu xôi. Trám được chọn là những quả chín mọng, không bị sâu, mang về ngâm nước ấm cho mềm. Trám đem om rồi bóc phần vỏ đen đi, lấy phần thịt và bỏ phần hạt, sau đó trộn với xôi đã đồ chín cho thật đều, thật nhuyễn đến khi xôi có màu hồng tím. Xôi trám thơm ngậy và có vị bùi của trám.
Xôi trám thơm ngậy và vị bùi của trám
10. Bánh áp chao
Đối với mùa đông ở Cao Bằng thì đây là món ăn rất đặc biệt làm xua tan đi cơn lạnh giá miền núi. Thoạt nhìn món bánh áp chao rất giống bánh chưng rán, nhưng không gọi là rán mà người Cao Bằng gọi đó là áp chao. Món ăn được rất nhiều người dân Cao Bằng mê bởi sự đơn giản nhưng ngon khó diễn tả.
Bánh áp chao xua tan lạnh giá vùng cao
V. Nghỉ ngơi ở đâu khi đi thác Bản Giốc Cao Bằng?
Những năm gần đây du lịch thác Bản Giốc Cao Bằng đã được đầu tư phát triển hơn, vì vậy mà các nhà nghỉ khách sạn cũng được đầu tư phát triển theo. Giá phòng trên đây giao động khoảng 200.000 – 500.000 đồng/phòng tùy theo chất lượng của từng phòng. Trong chuyến du lịch thác Bản Giốc, bạn có thể lựa chọn nhà nghỉ bình dân hay khách sạn tại thị trấn Trùng Khánh và thành phố Cao Bằng để nghỉ ngơi.
Bạn có thể bỏ túi một số địa chỉ của những nhà nghỉ, khách sạn sau để tiện cho việc lưu trú khi đi du lịch thác Bản Giốc:
+ Nhà nghỉ Thiện Tài gần với chợ Trùng Khánh: 026.3826537
+ Khách sạn Hà Vương: 0962.811.311 / 0984.557.982
Giá phòng ở đây thì cực bình dân tùy theo chất lượng phục vụ của mỗi phòng. Những nhà nghỉ và khách sạn này được đánh giá là chất lượng khá ổn và phục vụ thì nhiệt tình lại giá rẻ, lại còn gần những địa điểm ăn uống ngon – bổ - rẻ nên được rất nhiều người lựa chọn
Nhiều homestay mọc lên ở Cao Bằng để phục vụ du khách
Phòng ốc rất sạch sẽ và đẹp
Xem thêm:
VI. Ghé qua những điểm du lịch gần thác Bản Giốc
Đến Bản Giốc không chỉ là du lịch thác Bản Giốc mà bạn còn có thể ghé qua những địa danh gần đó. Xin giới thiệu đến bạn một số địa điểm đẹp cách thác Bản Giốc không quá xa mà bạn nên ghé qua:
1. Động Ngườm Ngao
Động Ngườm Ngao cách thác Bản Giốc chỉ khoảng 3km, tọa lạc trong lòng của một quả núi thuộc huyện Trùng Khánh, tỉnh Cao Bằng. Động có tổng chiều dài hơn 2000m với 3 cửa chính: Ngườm Ngao, Ngườm Lồm và Bản Thuôn. Vào trong động Ngườm Ngao khám phá những khối đá vôi và thạch nhũ muôn hình vạn trạng, phản chiếu ánh sáng lung linh mà du khách có thể thỏa trí tưởng tượng ra nhiều hình thù khác nhau. Phía trong động còn có một con suối nhỏ róc rách chảy khiến cho thiên nhiên nơi đây càng trở nên huyền ảo hơn.
Động Ngườm Ngao đẹp huyền ảo với nhiều nhũ đá
2. Hồ Thang Hen
Hồ Thang Hen là một hồ nước ngọt thuộc xã Quốc Toản, huyện Trà Lĩnh, tỉnh Cao Bằng. Tên của hồ dịch theo tiếng Tày còn có nghĩa là “đuôi ong” vì từ trên cao nhìn xuống hồ có hình tựa như một cái đuôi của con ong. Không chỉ bởi cảnh sắc thiên nhiên tuyệt đẹp, nước xanh màu ngọc bích quanh năm mà hồ Thang Hen còn thu hút khách du lịch bởi những truyền thuyết dân gian gắn liền với nó.
Hồ Thang Hen nước trong xanh màu ngọc bích
3. Suối Lenin – hang Pác Bó
Hang Pác Bó là một hang đá nằm trong một dãy núi lớn, trước cửa hang có một dòng suối nhỏ chảy qua, Bác đặt tên là suối Lenin. Hang Pác Bó hiện ra bên một sườn núi đá lởm chởm. Đứng ở ngoài cửa hang nhìn xuống vẫn còn thấy được dòng chữ của Bác khi xưa “Ngày 8 tháng 2 năm 1941” – đó chính là ngày Bác đến ở cái hang này sau một khoảng thời gian dài hoạt động ở nước ngoài trở về. Đây là một hang nhỏ, ẩm và lạnh, nằm sau trong khe núi chẳng mấy ai để ý tới. Dòng suối Lenin chảy phía trước hang trong vắt, đôi lúc lại xanh màu mây trời và núi rừng, rất nhẹ nhàng mà sâu lắng.
Thăm lại di tích lịch sử suối Lenin - hang Pác Bó
4. Cột mốc biên giới Việt – Trung
Đối với những bạn yêu thích việc check-in với cột mốc biên giới thì có thể tham khảo và kết hợp khi đi du lịch thác Bản Giốc Cao Bằng. Bởi vì đây là nơi có nhiều cột mốc biên giới nhất trong tổng số các cột mốc được cắm nơi 7 tỉnh biên giới phía Bắc tổ quốc. Ở khu vực thác Bản Giốc hiện có 2 cột mốc 835 và 836 để các bạn có thể dễ dàng tiếp cận chụp ảnh mà không cần phải xin phép như ở những khu vực khác.
Cột mốc biên giới 836 - điểm check-in yêu thích của nhiều bạn trẻ
5. Chùa Phật Tích Trúc Lâm thác Bản Giốc
Ngôi chùa đầu tiên được xây dựng nơi biên cương phía Bắc tổ quốc. Ở đây có đền thờ vị anh hùng Nùng Trí Cao – một biểu tượng văn hóa của thế kỉ XI ở Cao Bằng. Chùa được xây dựng theo phong cách kiến trúc Phật giáo truyền thống của Việt Nam. Từ trên chùa có thể nhìn bao quát được toàn bộ thác Bản Giốc và một vùng không gian vô cùng rộng lớn phía bên dưới. Chùa Phật tích Trúc lâm Bản Giốc là một công trình kiến trúc thiết thực, phục vụ nhu cầu tôn giáo tâm linh và có tầm quan trọng trong việc phát triển du lịch của khu du lịch thác Bản Giốc trở thành khu du lịch cấp Quốc gia.
Từ trên chùa nhìn xuống có thể thấy được một vùng không gian rộng lớn
VII. Một số điều cần lưu ý
- Mang theo đầy đủ giấy tờ tùy thân khi đi du lịch thác Bản Giốc Cao Bằng để tránh một số các rắc rối không đáng có vì đây là khu vực thuộc tỉnh biên giới nước ta.
- Khi đi đường rừng đường núi có thể sẽ có những trầy xước nhỏ, bạn nên mang theo một bộ dụng cụ băng bó vết thương để phòng.
- Mang theo áo khoác mỏng để vừa có thể tránh nắng vào ban ngày lại vừa có thể giữ ấm vào ban đêm.
- Để đảm bảo sức khỏe khi đi du lịch thác Bản Giốc bạn có thể cân nhắc mang thêm bò húc, chanh, café…
- Khi đi du lịch thác Bản Giốc cần leo trèo nhiều, vì vậy bạn nên mang theo 2 đôi giầy đế mềm và một đôi dép tổ ong để đỡ đau chân.
Tại sao cứ phải ước ao những chuyến du lịch nước ngoài xa xôi đắt đỏ và xa hoa trong khi ở ngay Việt Nam cũng có những kì quan nổi tiếng được du khách nước ngoài săn lùng ráo riết? Bạn đã từng đến thác Bản Giốc chưa? Cattour đảm bảo bạn sẽ không khỏi bất ngờ đấy!
Các bài viết liên quan:
Phương Trần / Cattour.vn - Ảnh: Internet