Nhắc tới Đèo Ngang, chắc chắn nhiều bạn đọc sẽ nghĩ ngay đến bài thơ nổi tiếng của Bà Huyện Thanh Quan:
“Bước tới Đèo Ngang bóng xế tà
Cỏ cây chen lá, đá chen hoa
Lom khom dưới núi tiều vài chú
Lác đác bên sông chợ mấy nhà...”
Cảnh vật hoang sơ, thanh mịch và nên thơ tại Đèo Ngang cũng chính là khung cảnh ở Vũng Chùa, nơi yên nghỉ của Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Hãy cùng Cattour đi tour Quảng Bình 4 ngày và khám phá vẻ đẹp “dịu dàng mà không chói lóa” của miền đất duyên hải miền Trung Vũng Chùa này nhé!
1. Vị trí của Vũng Chùa
Vũng Chùa nằm cách đường quốc lộ 1A chỉ khoảng 1km, và cách trung tâm thành phố Đồng Hới khoảng 70km về phía Bắc.
Được gọi với cái tên Vũng Chùa vì vùng biển này được bao bọc bởi hàng chục ngọn núi trùng điệp xung quanh, tạo nên một cái “vũng” lớn. Trước đây trong “vũng” có một ngôi chùa lớn có tuổi đời hàng ngàn năm, nhưng qua phong ba, ngôi chùa này giờ đây chỉ còn lại một số dấu vết của nền móng. Địa danh Vũng Chùa bắt nguồn từ đây.
Vũng Chùa nằm cách trung tâm thành phố Đồng Hới khoảng 70km về phía Bắc
2. Vẻ đẹp của Vũng Chùa
Vũng Chùa là một vùng vịnh nhỏ khá kín gió, quanh năm mặt biển chỉ gợn sóng lăn tăn nên vô cùng yên bình và nhẹ nhàng. Cộng thêm có làn nước biển trong xanh, bãi cát trắng mịn khiến nơi đây có vẻ đẹp như nơi thiên đường nếu nhìn từ trên cao xuống.
Vũng Chùa nhìn trên bản đồ chỉ là một vùng biển quanh một mũi đất nhỏ, nhưng khi đến nơi, bạn sẽ cảm thấy choáng ngợp vì sự thoáng đãng và tầm nhìn hút mắt của nó. Đứng từ trên cao, phóng tầm mắt ra phía xa, bạn sẽ nhìn thấy Đảo Yến – nơi làm tổ của hàng ngàn chú chim yến nhỏ quanh năm cất tiếng hót ríu rít gọi bầy.
Từ trên cao nhìn ra xa, du khách sẽ thấy Đảo Yến nằm trấn giữ sự yên bình cho Vũng Chùa
Còn nếu nhìn từ biển hướng lên trên, bạn sẽ nhìn thấy rừng núi xanh ngút ngàn vô cùng mát mắt. Dù cho có mệt mỏi đến cỡ nào, tin tôi đi, nếu đến Vũng Chùa, mọi cảm giác căng thẳng, lo âu sẽ biến mất ngay, thay vào đó là sự an nhiên và cảm giác thư thái vì được đắm mình trong cảnh đẹp. Đó là một cảm giác thật lạ kỳ và vi diệu.
Đến thăm Vũng Chùa khi du lịch Quảng Bình, du khách còn được đến viếng thăm nơi an nghỉ cuối cùng của Đại tướng Võ Nguyên Giáp nằm trên lưng chừng núi. Thông tin mới: Dừng chân đứng lại cung đường Bích Họa - Chiêm ngưỡng sắc màu mới của làng du lịch Quảng Bình
3. Phong thủy Vũng Chùa – Đảo Yến
+ Vũng Chùa là nơi hội tụ sinh khí
“Sinh khí là thứ khí để vạn vật dựa vào đó mà sinh trưởng, phát dục, là thứ nguyên tố có thể phát triển sức sinh mệnh”.
Cơ thể con người được coi là sự hội tụ của khí, sự ngưng đọng thành xương. Vì thế khi người ta chết đi nếu được mai táng đúng nơi hội tụ sinh khí, thi hài sẽ “đưa khí vào xương” và người đời sau sẽ được “quy phúc” (phúc lớn).
Dựa vào quan điểm này nên gia đình đã chọn Vũng Chùa làm nơi an táng cho Đại tướng Võ Nguyên Giáp với ước nguyện con cháu sau này sẽ được phát tài, hưng vượng.
Mộ Đại tướng Võ Nguyên Giáp được đặt ở lưng chừng núi, nơi có "huyệt đại cát" ở vùng đất sinh khí Vũng Chùa
Vũng Chùa là vùng đất hội tụ sinh khí, điều này đã được người dân biết đến từ lâu qua câu chuyện được các bô lão trong xã kể lại:
“Đó là câu chuyện một người Tàu biết đây là khu mộ huyệt đại cát, nếu an táng cha mình vào đây, con cháu sẽ phát tài, hưng vượng, liền đem hài cốt cha mình đến đây chôn trộm. Lúc đó, cả khu vực còn là rừng rậm. Anh ta chờ lúc giữa trưa mới thuê người địa phương đưa vào rừng. Thuyền vừa đỗ dưới bãi, định bước lên bờ thì bỗng trong rừng xuất hiện một đôi hổ, một con đen, một con trắng nhảy ra gầm vang đe dọa. Anh dẫn đường vội vàng đẩy thuyền chạy về.
Nhưng anh người Tàu vẫn không đành, anh ta mượn một thầy phù thủy đi cùng lần nữa. Lần này nghe như sợ thầy phù thủy, không thấy hổ ra dọa nữa. Trèo lên đến miếng đất bằng trên sườn núi, anh ta vội vàng đào mộ rồi đặt hài cốt cha mình xuống, nhưng lạ kỳ, hài cốt đặt xuống đáy hố thì tự nhiên đất lại đùn lên, đẩy gói hài cốt trở lại mặt đất. Thầy phù thủy bày đàn, bấm độn triệu thỉnh thổ địa lên hỏi, thổ địa trả lời: Đây là huyệt mộ đại cát, nhưng không dành cho người này. Chôn xuống sẽ bị đào lên. Anh người Tàu sợ quá, vội mang hài cốt cha mình về Tàu".
+ Vũng Chùa là nơi có “huyệt đại cát”
Các nhà phong thủy cho rằng, nếu long mạch có thế rõ ràng, tiền nghênh hậu ủng thì tinh thần tôn quý, táng huyệt oa đại cát.
Vũng Chùa là một nơi có thế đất “rồng cuốn hổ ngồi”. Nơi an táng Đại tướng Võ Nguyên Giáp nằm ở độ cao 110m lưng núi Vũng Chùa. Huyệt đất quay về hướng Nam. Về phía Bắc núi Vũng Chùa dựa vào dãy núi lớn cao trên 700m. Phía Tây, núi Sú kéo dài như một tay ngai, cao 136m, phía đông, như con hổ lớn ở vị trí Bạch Hổ, dãy Mũi Rồng như một cánh tay dài như một con rồng lớn chạy ra biển ở vị trí Thanh Long. Từ trên huyệt mộ nhìn xuống sẽ thấu cả một vùng biển rộng, có dòng hải lưu chảy từ hướng Tây sang phía Mũi Rồng. Qua khoảng biển rộng khoảng 400m là đảo Yến, gồm hai ngọn như chiếc bình phong chắn gió ở vị trí Chu Tước.
Vũng Chùa là mảnh đất có thế "rồng cuốn, hổ ngồi" mà theo phong thủy học, đây là vùng đất "tụ khí tàng phong"
Mảnh đất dự kiến để chôn cất Đại tướng có hình vuông, cân đối, hơi phình như một gò nhỏ, hướng về phía Nam theo câu: “Thánh nhân Nam diện nhi thính thiên hạ”. Đó chính là thế đất “Yến sào” có chỗ dựa Huyền Vũ là đỉnh cao trên 400m về phía Bắc.
Mạch khí chảy nghìn dặm từ Trường Sơn xuống dẫn mạch khí từ nghìn dặm Bắc về đến đây, gặp biển tụ lại, Biển mênh mông như một hồ lớn, nhưng trước huyệt đất lại có hải lưu dẫn khí lưu thông mà không tán. Sinh mà tụ là thế đất tuyệt vời này. Phía bên trái, theo cổ truyền là bên tả, dãy núi mũi rồng chảy ra biển, vừa xuôi xuống biển tạo ra một vòng cung chắn khí tản đông mà còn chắn gió đông, không để gió, tức phong, thổi vào huyệt mộ. Đó chính là hình tượng con rồng xanh hầu bên tả. Phía bên phải, hướng Tây núi Sú sừng sững như một con hổ chầu, che những cơn gió thổi vào huyệt đất. Đó chính là Bạch Hổ trừ mọi tai ương.
Phía nam là biển rộng, đóng vai trò minh đường tụ thủy, mạch hải lưu nhẹ cấp thêm sinh khí cho huyệt mộ. Phía xa một chút Đảo Yến như bình phong lớn làm ấm huyệt mộ. Theo người dân địa phương, đất trên núi vốn là đất núi lửa có màu đỏ hồng nhẹ, vùng mưa đều đất ẩm, cây cối xanh tươi quanh năm. Đây đúng là đất “Thái cực biên huân”, hợp với thế đất. Thêm nữa không phải bây giờ mà ngay từ ngàn xưa vùng Vũng Chùa - Đảo Yến đã là nơi chim yến tụ hội ríu rít quanh năm, đúng là đất lành chim đậu,“chim tụ hội thành đàn” đông vui, ríu rít, là đất “tụ khí tàng phong”.
+ Phong thủy Vũng Chùa – Đảo Yến
Vũng Chùa – Đảo Yến trước đây là một mảnh đất không hề được biết đến vì không có trên bản đồ của Việt Nam.
Theo tích xưa kể lại, vào thời vua Lý Thái Tổ có một tướng quân nhà Đường là Cao Biền được phái sang nước ta để xem xét đất đai, sông núi, vẽ lại bản đồ nước An Nam và tìm ra các huyệt đạo sinh khí để trấn yểm đi, nhằm triệt đi sự hưng vượng, người tài và long mạch của đất nước.
Cao Biền sau một thời gian dài đến cai trị và tìm hiểu nước ta đã tìm ra được rất nhiều huyệt đạo. Hắn cho trấn yểm, phá vỡ long mạch tại tất cả các huyệt đạo đó, duy chỉ có huyệt đạo tại núi Tản Viên là hắn không dám động tới vì cho rằng đó là chỗ thiêng liêng của chư thần thường ngự, không thể yểm được. Còn một huyệt đạo nữa, đó chính là tại Vũng Chùa, nhưng hắn không thể tìm ra nơi này vì không có dấu tích trên bản đồ. Cũng nhờ nơi đây có long mạch vượng nên đã phát sinh nhiều anh hùng cái thế như Nguyễn Hữu Cảnh, Đại tướng Võ Nguyên Giáp, Ngô Đình Khả, Ngô Đình Diệm, Ngô Đình Nhu v.v...
Thảm thực vật trên dãy Trường Sơn Bắc quanh năm xanh tốt như thêm khẳng định cho "sinh khí vượng" của vùng đất Vũng Chùa
Theo thuật phong thủy thì huyệt đạo (âm trạch) phải ở nơi hội tụ 4 yếu tố: huyền vũ, thanh long, bạch hổ, chu tước. Phía sau có “huyền vũ”, phía trước có “chu tước”, bên tả có “thanh long”, bên hữu có “bạch hổ”. Vũng Chùa - Đảo Yến hội tụ đủ 4 yếu tố lý tưởng đó.
Huyền vũ (con rùa đen) làm điểm tựa phía sau, đó là Trường Sơn Bắc trùng trùng điệp điệp mà Hoành Sơn như một cánh tay nối dài, vươn ra biển Đông. Thanh long (con rồng xanh), ở bên trái mộ Cụ nằm có một con suối nhỏ từ dãy Hoành Sơn đổ ra biển, nhiều ruộng lúa, đồi cỏ êm xanh mướt, không có cây to. Bên hữu có Bạch hổ (con hổ trắng) chính là Mũi Rồng. Phía trước có Chu tước là mặt biển bao la. Hòn Yến chính là con voi phục. Một thế đất cực đẹp để cụ an ngủ thiên thu, con cháu đời đời vượng phát, rất thịnh cho dương trạch.
Đảo Yến chính là con voi phục, hoàn thiện thế đất phong thủy cho Vũng Chùa
Về lịch sử, đây hẳn là mảnh đất được ưu ái đầu tiên, vì nó là vùng đất dành cho những công thần khai quốc như đã nói ở trên. Từ xa xưa Vua Trần, Công Chúa Huyền Trân đã ghi vào dấu mốc mở cõi. Nơi đây, hiện cũng đang thờ 2 vị lập làng và Công chú Liễu Hạnh. Đi dọc chiều dài của tổ quốc, Vũng Chùa là điểm duy nhất có dãy Trường Sơn vươn mình ra, nối liền với biển cả. Cảnh quan tựa như chiếc gối kê đầu để Đại tướng thả mình ngắm nhìn ra biển lớn.
Bên tả của Vũng Chùa là Mũi Rồng. Đó là một mỏm núi đá chìa ra phía biển, đoạn gần giáp cảng Hòn La. Kết hợp với Đảo Yến, Mũi Rồng tạo cho Vũng Chùa một vẻ đẹp nên thơ. Địa danh này, trước đây không được mô tả nhiều trên bản đồ của trang tìm kiếm google và dư địa chí. Nhưng ở đây có một cấu tạo địa chất rất đặc biệt. Những thớ đá xếp lên nhau như những chiếc vảy của con rồng đang đắm mình bên bờ biển ngơi nghỉ. Vũng Chùa – Đảo Yến là một mảnh đất rất xứng đáng để đón Đại tướng Võ Nguyên Giáp trở về an nghỉ nghìn thu.
Cattour.vn
Lan Nguyen/ Cattour.vn - Ảnh: Internet