Việt Nam là một quốc gia có nền văn hóa lâu đời với rất nhiều đặc sản nổi tiếng. Đặc sản Việt Nam vô cùng đa dạng và phong phú. Mỗi tỉnh thành, vùng miền trên mảnh đất hình chữ S đều có những nét đặc sắc riêng biệt và có những đặc sản nổi tiếng khác nhau.
Hãy cùng Cattour khám phá đặc sản 63 tỉnh thành Việt Nam ngay trong bài viết này nhé!
An Giang sở hữu diện tích khá lớn ở miền Tây Nam Bộ với nhiều cảnh quan thiên nhiên, có sông nước mênh mông, có núi non kỳ vĩ, có rừng tràm xanh ngắt, có những cánh đồng lúa bao la, và đặc sắc nhất là những cánh đồng thốt nốt tuyệt vời.
Thốt nốt là một loại cây đặc trưng ở vùng Bảy Núi tỉnh An Giang. Cây thốt nốt có hình dáng bên ngoài giống cây dừa và lá cọ. Quả thốt nốt là loại quả giải nhiệt quen thuộc của người dân miền Tây. Thốt nốt tươi có độ dai dai sần sật thanh mát rất ngon.
Không chỉ để ăn tươi, thốt nốt còn được sử dụng để nấu chè, làm bánh bò hoặc dùng để làm đường. Hiện nay, thốt nốt là một trong những đặc sản nổi tiếng nhất tại An Giang.
Bắc Giang là một tỉnh trung du thuộc vùng Đông Bắc Bộ, Việt Nam. Nhắc tới đặc sản Bắc Giang người ta sẽ nghĩ ngay đến một loại quả thơm ngon, nổi tiếng vào mùa hè đó là vải thiều. Tại Bắc Giang có khá nhiều vùng trồng vải nhưng nổi tiếng và ngon nhất phải kể đến vải thiều Lục Ngạn. Được thiên nhiên ưu đãi, vườn đồi Lục Ngạn chủ yếu là đất đá son rất phù hợp với vải thiều nên cây vải ở đây được nuôi dưỡng tươi tốt, lá xanh thẫm, tán cây tròn như những mâm xôi.
Quả vải thiều Lục Ngạn khi chín có màu đỏ tươi, hạt nhỏ, cùi dày, ngọt sắc và chứa rất nhiều chất dinh dưỡng. Quả vải ở đây to và có hương vị đặc trưng khác hẳn vải thiều ở những vùng đất khác. Vải Lục Ngạn không chỉ nổi tiếng trong nước mà còn được xuất khẩu ra nhiều quốc gia trên thế giới như Trung Quốc, Thái Lan, Mỹ, Australia...
Bánh gio đã có ở Bắc Kạn hàng trăm năm và là một món ăn, một đặc sản không thể thiếu của người dân Bắc Kạn. Làm bánh gio cầu kỳ đòi hỏi người làm phải khéo tay, tinh mắt.
Bánh gio được gói bằng gạo nếp rẫy vừa dẻo vừa thơm. Lá để gói bánh phải là lá chít bánh tẻ, chỉ có lá chít mới làm cho bánh có màu vàng sáng và dễ bóc, khi ăn có mùi thơm rất đặc trưng. Thứ nước mật để chấm bánh được làm bằng đường mía được trồng trên đất cát, mật sánh, thơm và có màu vàng sậm. Bánh gio ngon là phải mịn, dẻo, dai và có vị đậm đặc trưng, mát, lành và để được rất lâu. Ăn kèm mật mía thì thơm ngon hết ý, bánh dẻo dính xoắn lên ăn quyện mật thật thơm ngon.
Bạc Liêu là một tỉnh thuộc vùng duyên hải đồng bằng sông Cửu Long của Việt Nam. Bạc Liêu - mảnh đất với nhiều giai thoại nổi tiếng. Nơi đây đã từng được biết đến với tên tuổi của Công tử Bạc Liêu đã quen “đốt tiền nấu trứng” hay bài ca Vọng Cổ Hoài Lang.
Không chỉ có nhiều giai thoại, ở Bạc Liêu còn có rất nhiều đặc sản hấp dẫn, trong đó nổi tiếng nhất là nhãn da bò. Loại nhãn này có nguồn gốc từ Trung Quốc do người Hoa đem qua Việt Nam nhân giống trong buổi đầu di cư lập nghiệp. Cho đến nay, các vườn trồng nhãn ở Bạc Liêu có cây đã hơn 100 năm tuổi. Quả nhãn da bò có vỏ mỏng, màu vàng óng, thịt dày, ngọt thanh.
Bắc Ninh là tỉnh có diện tích nhỏ nhất Việt Nam, thuộc Đồng bằng sông Hồng. Nem Bùi được làm ra ở xã Ninh Xá, huyện Thuận Thành, tỉnh Bắc Ninh từ hàng trăm năm nay là một trong những đặc sản nổi tiếng nhất ở làng quê “quan họ”. Trong dân gian xưa vẫn có câu:
“Nem Bùi quấn với lá sung,
Vừa ăn vừa thấy nhớ nhung quê nhà.”
Nghề làm nem có ở đây từ rất lâu, đời này truyền sang đời khác. Trải qua bao thăng trầm nem Bùi không chỉ là món ăn địa phương nữa mà đã trở thành món ăn nổi tiếng trên nhiều tỉnh thành trong cả nước. Đây là một món ăn dân dã mang hương vị đồng quê, là món quà độc đáo và ý nghĩa của người Bắc Ninh với bạn bè gần xa.
Bến Tre là một tỉnh thuộc vùng Đồng bằng sông Cửu Long, Việt Nam. Từ lâu, Bến Tre đã trở thành xứ dừa của miền Tây nói riêng và Việt Nam nói chung với những cù lao, những rừng dừa bạt ngàn rộng hàng trăm hecta.
Không chỉ có dừa tươi, ở Bến Tre dừa còn được chế biến thành vô số món ăn ngon, hấp dẫn. Trong đó thì kẹo dừa Bến Tre là đặc sản nức tiếng gần xa. Cái hương vị ngọt ngào, béo ngậy và thơm ngon của kẹo dừa nơi xứ dừa đã khiến biết bao người say mê. Có thể nói rằng, kẹo dừa chính là linh hồn của mảnh đất Bến Tre.
Bình Định là một tỉnh thuộc vùng duyên hải Nam Trung Bộ Việt Nam. Ngoài các đặc sản về lâm, thổ, thuỷ, hải sản của duyên hải miền Trung nói chung, nhắc đến đặc sản Bình Định thì nhất định phải nói đến rượu Bầu Đá.
Tên gọi của rượu là do được nấu chủ yếu từ làng Cù Lâm thuộc xã Nhơn Lộc, thị xã An Nhơn, tỉnh Bình Định. Bàu Đá là tên của một bàu nước ngày xưa cả làng dùng chung, là nguồn nước để chưng cất rượu Bàu Đá. Cái hồn của Rượu Bàu Đá được tạo nên từ chính nguồn nước ngầm này. Nếu cùng những nguyên liệu như nhau mà nấu ở nơi khác, không dùng nước ngầm tại làng thì rượu nấu ra sẽ không đạt chuẩn.
Bình Dương là một tỉnh thuộc vùng Đông Nam Bộ, Việt Nam. Đặc sản Bình Dương nổi tiếng phải kể đến những miệt vườn ở phường Lái Thiêu, thuộc thị xã Thuận An, tỉnh Bình Dương. Lái Thiêu là một vùng đất nằm ven sông Sài Gòn, từ hàng trăm năm nay đã nổi tiếng là miệt vườn cây trái xum xuê. Ở Lái Thiêu, bạn có thể tìm thấy rất nhiều loại cây trái nhiệt đới như sầu riêng, măng cụt, mít, dâu da, vú sữa, chôm chôm, nhãn…
“Muốn ăn măng cụt, sầu riêng
Muốn lấy vợ đẹp thì về Lái Thiêu”
Từ tháng 5 đến tháng 8 hàng năm là thời điểm trái cây tại những miệt vườn ở Lái Thiêu chín rộ nhất. Du khách đã đến Bình Dương thì chắc chắn ai cũng háo hức đến thăm nơi đây vì vừa được thưởng thức trái cây tươi ngon sạch vừa mua về làm quà.
Bình Phước là một tỉnh thuộc vùng Đông Nam Bộ, Việt Nam. Bình Phước nổi tiếng là mảnh đất trồng điều, là thủ phủ của cây điều. Vì thế các món liên quan đến điều rất được ưa chuộng tại tỉnh này. Điều Bình Phước sau khi thu hoạch sẽ được giữ nguyên vỏ lụa nhằm tạo nên vị ngọt, thơm của nó. Sau đó sẽ được chế biến thành rất nhiều món ăn ngon như bánh hạt điều, kẹo hạt điều, hạt điều rang muối... Điều Bình Phước nổi tiếng thơm, bùi, béo, ngậy.
Bình Thuận là một tỉnh thuộc vùng Duyên hải Nam Trung Bộ, Việt Nam. Ngành nông nghiệp ở Bình Thuận khá là phát triển, đặc biệt là việc trồng và sản xuất thanh long. Ở bất cứ đâu trên vùng đất Hàm Thuận Nam, tỉnh Bình Thuận, bạn cũng có thể bắt gặp những cánh đồng thanh long phủ xanh bạt ngàn.
Thanh long ở đây không chỉ nhiều mà còn nổi tiếng bởi vị ngọt thanh không phải nơi nào cũng có được. Đặc biệt, tại Bình Thuận, bạn sẽ bị bất ngờ vì thanh long ở đây không chỉ được ăn tươi mà còn được chế biến thành rất nhiều món ăn ngon và thú vị như như chè thanh long, gỏi thanh long, thanh long um sườn non, thanh long kho tộ, thanh long xào lăn...
Cà Mau là một tỉnh ven biển ở cực nam của Việt Nam, nằm trong khu vực Đồng bằng sông Cửu Long, Việt Nam. Ở Cà Mau có rất nhiều loại đặc sản, trong đó thì ba khía Rạch Gốc là một trong những đặc sản mà bạn nhất định phải thử khi đến vùng tận cùng của Tổ quốc.
Ba khía Rạch Gốc đã có thương hiệu từ xưa cho đến tận bây giờ vì chỉ có con ba khía ở địa phương này mới thật sự ngon và hấp dẫn hơn cả. Ba khía nơi đây chỉ ăn quả mắm đen rụng xuống nên có gạch son, thịt thơm và chắc hơn giống ba khía ở các nơi khác. Vào tháng 7, tháng 8 âm lịch hằng năm là mùa ba khía. Người dân Cà Mau thường chế biến ba khía thành muối ba khía hoặc ba khía hấp sả ăn cùng với nước chấm cũng thơm ngon vô cùng.
Cần Thơ là một trong năm thành phố trực thuộc trung ương của Việt Nam, là thành phố hiện đại và phát triển nhất ở Đồng bằng sông Cửu Long. Nói đến đặc sản Cần Thơ, thì chắc chắn không thể không nhắc đến bánh tét lá cẩm, đây là loại bánh tét nổi tiếng nhất, nhì cả nước.
Cũng như bánh chưng trong văn hóa của người đồng bằng Bắc Bộ, bánh tét là món ăn quen thuộc trong văn hóa ẩm thực của người miền Nam. Có thể bạn sẽ nghĩ rằng bánh Tét thì nơi nào cũng giống nhau nhưng thật sự thì bánh tét lá cẩm ở Cần Thơ lại có những hương vị và màu sắc rất ấn tượng mang dấu ấn riêng.
Lá cẩm là nguyên liệu tạo nên màu sắc và hương vị đặc trưng của bánh tét Cần Thơ. Khi trộn với gạo nếp bánh sẽ có một màu tím rất bắt mắt. Nước cốt dừa cũng là nguyên liệu không thể thiếu khi làm bánh tét. Nước cốt dừa được đun cùng gạo nếp, khi nước cốt dừa ngấm vào gạo sẽ cho một hương vị rất đặc trưng của vùng miệt vườn Nam Bộ. Xong phần vỏ bánh tiếp đến là phần nhân bánh, không chỉ có loại nhân cổ truyền hiện nay nhân bánh tét còn có thêm trứng muối để làm tăng hương vị của bánh.
Tất cả các nguyên liệu thân thuộc hòa quyện vào với nhau đã nên một đặc sản thơm ngon nức tiếng của miền quê sông nước Cần Thơ.
Là quê hương của những ngọn núi cao vời vợi, nơi bắt nguồn của những dòng suối trong xanh như huyền thoại. Cao Bằng còn là một vùng đất đậm đà truyền thống văn hóa của các dân tộc với những món ăn dân dã, bình dị mà không kém phần độc đáo.
Là loại bánh không hỏng, không mốc, bánh khảo do những thiếu nữ người Tày ở Cao Bằng làm ra đã trở thành một món đặc sản không thể thiếu ở Cao Bằng, đặc biệt là trong những ngày Tết. Tuy chỉ được làm từ những nguyên liệu quen thuộc như gạo nếp, đường phên, lạc, thịt mỡ… nhưng các công đoạn để làm nên món bánh này lại khá công phu và cầu kỳ, tốn nhiều công sức. Có lẽ cũng chính vì thế mà bánh khảo được coi là thứ bánh quý và ngon của người dân nơi đây.
Mực rim me là món ăn vô cùng yêu thích của nhiều người dân địa phương cùng như của du khách khi đến Đà Nẵng. Mực nguyên con thị dày ngọt kết hợp với nước sốt me chua chua, ngọt ngọt, cay cay, ăn ngon hết sẩy. Vì vậy mà món ăn này đã trở thành một món đặc sản, một món quà Đà Nẵng không thể thiếu khi du khách ghé thăm thành phố biển xinh đẹp này.
Là một trong những món ăn nhất định bạn phải thử khi đến với núi rừng Đắk Lắk, thịt nai ít gân hơn thịt bò, mỡ màu trắng ngà, mềm hơn cả thịt bê non. Độ ngon của thịt bò chắc ai cũng biết, thì độ ngon của thịt nai Đăk Lăk phải trên hẳn một bậc. Thịt nai ở đây được người dân địa phương chế biến thành rất nhiều món như: nai nướng, nai xào làn, nai nhúng giấm, nai lúc lác, sườn nai rán... và đặc biệt là nai khô. Là đặc sản của Đắk Lắk, thịt nai khô cuốn hút người ăn bởi cảm giác cay nhẹ đầu lưỡi, chín ngọt và dai dai.
Đắk Nông nổi tiếng với bơ sáp và được xem là thương hiệu của vùng đất Tây Nguyên. Trái bơ sáp được trồng ở vùng đất này thường dài dạng như quả lê, quả đu đủ; vỏ trái mỏng thường trơn tru; khi chín có màu xanh, vàng xanh hay đỏ tím, đỏ sẫm tùy giống; vỏ hạt mỏng, mặt ngoài hạt trơn láng. Bơ khi vừa chín tới, bổ đôi nhìn mát con mắt. Có thể lột vỏ chấm sữa hoặc đường ăn ngay, hay xay sinh tố, dầm sữa đặc đều ngon tuyệt.
Hiện trên thị trường có rất nhiều loại gạo nếp, tuy nhiên trong số này thì có lẽ nếp nương Điện Biên là sản vật nổi tiếng nhất trên toàn bộ dải đất hình chữ S.
Xôi được nấu bằng gạo nếp nương Điện Biên có cảm giác như xôi không được kết dính lắm, và hạt gạo không được nở như các loại nếp thường. Nhưng khi ăn vào, mới thấy hết vị ngọt, sự dẻo, thơm trong hạt xôi, ăn không hề bị cứng mà vô cùng mềm dẻo.
Vốn thuộc vùng đất phù sa màu mỡ chính vì vậy mà ở Đồng Nai còn có khá nhiều khu vườn trái cây, trong đó nổi tiếng nhất có lẽ phải nhắc tới vùng đất Long Khánh trù phú. Ghé tới các khu vườn trái cây này chắc chắn bạn sẽ phải choáng ngợp trước những loài cây ăn trái chín mọng vô cùng hấp dẫn. Đặc biệt, nhắc đến mảnh đất Long Khánh người ta thường nghĩ ngay tới những trái mít tố nữ thơm ngon nức tiếng.
Chẳng cần phải ngạc nhiên khi mít tố nữ lại trở thành một đặc sản Đồng Nai nổi tiếng khắp nơi. Nếu đã một lần được thưởng thức những miếng mít vàng óng màu mỡ gà thì chắc chắn bạn sẽ phải xuýt xoa trước vị ngon ngọt của chúng. Mít tố nữ có mùi hương thơm hơn hẳn so với những loại mít thường. Khi ăn bạn chỉ cần bổ đôi là có thể tách vỏ một cách dễ dàng.
Trái mít tố nữ khá nhỏ, một trái chỉ nặng khoảng chừng 1 cho tới 2kg mà thôi chính vì vậy mà bạn hoàn toàn có thể mua về làm quà cho người thân của mình, đảm bảo ai ăn xong cũng đều phải tấm tắc khen ngon cho xem!
Lai Vung là huyện nằm ở phía nam ở tỉnh Đồng Tháp, nơi đây nổi tiếng với một món ăn đặc sản trứ danh của vùng đất nằm ven bên bờ sông Hậu là nem Lai Vung. Với hương thơm ngọt của thịt, vị chua cay của tiêu, của ớt, tỏi, thêm độ giòn của mấy cọng bì càng tăng vị độc đáo cho món đặc sản này. Chiếc nem có màu đỏ hồng, nhìn thôi đã thấy muốn cắn ngay một miếng để thưởng thức rồi.
Đa số các tỉnh vùng cao nào cũng có món cơm lam, nhưng mỗi vùng miền lại có một cách chế biến, hương vị và cách ăn khác nhau. Ở Gia Lai gà nước, cơm lam là món ăn đặc trưng của người dân nơi đây. Nguyên liệu chính của món ăn này chỉ đơn giản là gà nướng nhưng gà ở đây thường là gà được bà con nuôi thả tự nhiên nên thịt đậm vị và thơm hơn. Gà nướng được ăn cùng với cơm lam - loại cơm được nấu trong ống nứa non bằng gạo nếp nướng hạt to vị thơm ngọt. Nhưng có lẽ như thế chưa đủ làm nên vị đặc trưng của món ăn này bởi món ăn này còn đi kèm với một món chấm đặc sắc là muối é. Tất cả nguyên liệu hòa quyện với tạo thành một đặc sản ngon nhất nhì tại Gia Lai.
Xưa nay, người sành trà vẫn hay ví trà Shan Tuyết giống như “thức quà của đất trời”. Tại Hà Giang, những búp chè Shan Tuyết được lựa hái cẩn thận trên những cây chè cổ thụ, chênh vênh trên những đỉnh núi Tây Côn Lĩnh là một trong những đặc sản nức tiếng nhất của tỉnh này.
Những cây trà Shan Tuyết cổ thụ sống bằng hơi đất, hơi sương, bằng linh khí của đất trời đã tạo ra loại trà vô cùng tuyệt hảo. Nhấp từng ngụm trà, bạn sẽ cảm nhận được vị chan chát mà ngọt hậu lan tỏa dần.
Không biết tự bao giờ, bánh đậu xanh đã trở thành một đặc sản nổi tiếng tại Hải Dương. Với vị ngọt thanh đậm, mịn màng, mềm mại của mình loại bánh tưởng chừng như đơn giản này lại làm “say lòng” vô số thực khách. Đặc biệt khi được thưởng thức cùng nước trà xanh, hương vị của bánh càng thơm ngon hơn rất nhiều.
Theo lời kể của các nghệ nhân làm bánh đậu xanh tại đất Hải Dương, xưa kia khi vua Bảo Đại đi qua trấn này đã được nhân dân nơi đây dâng lên loại bánh làm từ đỗ xanh, vua rất thích loại bánh này, nên sau khi về cung đã ban sắc lệnh khen loại bánh này. Ngày nay, hầu hết du khách khi có dịp ghé qua Hải Dương đều sẽ mua bánh đậu xanh về để làm quà.
Nói đến Hải Phòng thì không thể không nhắc đến nền ẩm thực của vùng đất này, bởi có vô vàn các món ăn hấp dẫn và lạ miệng. Những món ăn đặc sản quen thuộc nhất định phải thưởng thức khi đến vùng đất cảng đó là bánh đa cua, bánh mì cay… và đặc biệt là nem cua bể. Thịt cua bể Hải Phòng nổi tiếng thơm ngọt được gói trong chiếc nem hình vuông độc đáo rồi mang chiên giòn, nóng hổi đã tạo thành một món ăn không chỉ được người dân Hải Phòng mà còn được rất nhiều du khách trong và ngoài nước yêu thích.
Chuối ngự Đại Hoàng xưa kia là sản phẩm tiến vua của vùng quê chiêm trũng Đại Hoàng, huyện Lý Nhân, tỉnh Hà Nam. Tuy đã trải qua hàng trăm năm, loại chuối này vẫn là loại cây được trồng phổ biến tại Hà Nam, trở thành một đặc sản không thể thiếu khi nhắc đến vùng đất này.
Từng quả chuối nhỏ xinh nhưng đẫy đà, căng mịn, lớp vỏ mỏng tang với sơ vàng óng ả, dù chưa bóc vỏ nhưng hương thơm đã lan tỏa khắp nơi. Khi ăn chuối Đại Hoàng chín mềm và ngọt đậm đà, vị sâu lắng không lai căng.
Tại thủ đô Hà Nội có rất nhiều loại đặc sản nổi tiếng, nhưng có lẽ cốm là loại đặc biệt nhất. Không biết tự bao giờ, những ảnh của những gói cốm lại in sâu vào trong tâm trí của những người con thủ đô, những người yêu mùa thu Hà Nội. Cốm đã trở thành một món quà vặt không thể thiếu mỗi độ thu về. Thật không quá khi nói rằng “cốm là một món quà tinh hoa của mùa thu Hà Nội”. Người Hà Nội không chỉ ăn cốm tươi mà còn chế biến cốm thành rất nhiều món ăn ngon khác như bánh cốm, chả cốm, chè cốm, cốm xào… Nếu có dịp ghé thăm thủ đô thì bạn nhất định phải thưởng thức món ăn “tinh hoa” này nhé.
Nói về vùng đất đầy nắng và gió miền Trung, thì có lẽ phải nhắc tới kẹo cu đơ - một loại kẹo dân dã và đặc trưng của Hà Tĩnh. Chiếc kẹo hình tròn như mặt trăng đêm rằm, nhìn bề ngoài thô ráp và sần sùi nhưng lại rất thơm ngon với vị đậm đà của mật mía, thơm cay cay của gừng tươi, cái giòn tan của lạc và bánh tráng vừng. Miếng bánh vừa dai, vừa giòn, vừa ngọt lại vừa cay ăn rất lạ miệng.
Tại Hậu Giang, cách thành phố Vị Thanh khoảng 10 km, hướng về tỉnh Kiên Giang là vùng dứa (người dân địa phương thường gọi là khóm) đặc sản bạt ngàn với tên gọi nổi tiếng Cầu Đúc. Loại đặc sản này đã có mặt hơn 100 năm qua tại vùng đất này.
Cam Cao Phong là một đặc sản nổi tiếng của tỉnh Hòa Bình và là một trong những cây trồng chủ lực phát triển kinh tế của người dân nơi đây.
Từ lâu món giò đã trở thành một món ăn dân giã truyền thống không thể thiếu trong mâm cỗ cúng gia tiên ngày tết của người Việt. Có rất nhiều loại giò khác nhau như giò lụa, giò xào… Đến với Hưng Yên - mảnh đất nổi tiếng với nhiều món ăn được dùng tiến vua, bạn sẽ có có hội thưởng thức món giò bì phố Xuôi nổi tiếng.
Giò bì ở đây được gói trong những tấm lá chuối xanh ngát, từ từ bóc phần vỏ ra là sẽ cảm nhận được mùi thơm từ bên trong tỏa ra, miếng giò màu trắng đục, mịn màng xuất hiện. Cắn thử một miếng, đầu tiên là cảm nhận được độ giòn thơm sau đó là vị ngọt, độ đạm đà vừa phải, béo ngậy nhưng không ngấy, thơm ngon vô cùng.
Yến sào là một đặc sản quý hiếm có nhiều tại vùng biển miền Trung Việt Nam, đây là một món ăn vô cùng bổ dưỡng cho sức khỏe. Trong các loại tổ yến được khai thác tại Việt Nam thì yến đảo Khánh Hòa luôn được đánh giá tốt nhất nhờ vào điều kiện thiên nhiên và nguồn dinh dưỡng tự nhiên mà nơi đây cung cấp cho những con chim yến.
Mới nghe cái tên “cà xỉu” là đã thấy được sự độc đáo và mới lạ của loại đặc sản Kiên Giang này rồi. Cà xỉu là một loại hải sản không dễ tìm ở các vùng biển khác mà thiên nhiên đã ban tặng cho vùng đất Hà Tiên - Kiên Giang.
Mới nhìn, cà xỉu trông giống như loài sò 2 mảnh vỏ nhưng khi quan sát kĩ bạn sẽ thấy chúng giống loài côn trùng trên cạn, có đuôi to dài màu trắng như cọng giá sống. Cà xỉu sau khi bắt về, đuôi và thân sẽ được nhặt riêng ra rồi làm sạch (cả đuôi và thân cà xỉu đều ăn được) rồi sau đó mang đi chế biến thành các món ăn như cà xỉu xào, mắm cà xỉu… Nếu có cơ hội đến Hà Tiên, Kiên Giang bạn nhớ phải tìm và thưởng thức món đặc sản đặc biệt này nhé!
Đúng như tên gọi gỏi lá, đặc sản này của Kon Tum mới nhìn vào thì toàn thấy lá và lá. Ước tính mỗi mâm đúng chất gỏi lá Kon Tum có tới 30 loại lá khác nhau, thậm chí cơ nơi còn có từ 40 - 50 loại lá. Trong đó có những loại lá quen thuộc như cải, tía tô, sung, đinh lăng, mơ, hành, húng... vào có cả những loại lá chỉ núi rừng Tây Nguyên mới có.
Gỏi lá không chỉ có lá mà còn có nước chấm được làm từ gạo nếp cho lên men đem ủ với tôm khô, thịt ba chỉ xay nhuyễn sau đó được nấu lên tạo thành nước chấm sền sệt ngon ngất ngây.
Với sự kết hợp của trên dưới 40 loại lá (đủ vị chát chua ngọt đắng cay) cùng 1 ít thính, bì lợn, vài con tôm, mấy miếng thịt, hạt tiêu rừng, muối, ớt và đặc biệt là phần nước chấm thơm ngon là đã tạo ra được một món ăn thơm ngon khó cưỡng - đặc sản của người dân Kon Tum.
Cũng là xôi nấu từ gạo nếp như các vùng khác, nhưng xôi của người Lai Châu lại có màu tím đặc biệt của cây khẩu cắm - một loại cây chỉ có ở vùng núi cao. Màu tím đặc trưng này khiến cho xôi ở đây dường như ngon mắt ngon miệng và hấp dẫn hơn nhiều. Ngoài ra, cách nấu xôi với phương pháp đặc biệt càng làm tăng độ ngon của loại xôi này. Người dân Lai Châu không đồ bằng chõ gỗ bình thường mà phải là chỗ làm từ gỗ cây sung khiến cho xôi nấu ra có mùi thơm nưng nức, hạt dẻo đều, không dính.
Dâu tây và các sản phẩm làm từ dâu tây như mứt dâu, kẹo dâu… là một trong những đặc sản nổi tiếng nhất ở Lâm Đồng. Với địa hình chủ yếu là núi cao và cao nguyên nên không khí ở tỉnh này luôn mát mẻ se lạnh quanh năm là điều kiện rất thích hợp cho sự phát triển của cây dâu tây, đặc biệt là ở Đà Lạt - thành phố của tỉnh Lâm Đồng.
Vịt quay lá móc mật là món ăn ngon có tiếng của tỉnh Lạng Sơn. Để có được món vịt quay ngon đòi hỏi người chế biến phải khéo léo và có bí quyết riêng trong tất cả các khâu từ chọn vịt đến chế biến. Những con vịt quay chuẩn Lạng Sơn da phải đỏ au, óng ả và có mùi thơm hấp dẫn.
Miếng thịt mềm, ngọt thơm khi ăn chấm với nước ướp lá mắc mật cùng gia vị được tiết ra trong bụng con vịt trong lúc quay được đổ ra bát, gia giảm xì dầu, ớt. Gắp một miếng thịt trên đĩa chấm đẫm nước chấm mới thấy cái mềm, ngọt của thịt hòa cùng vị đậm đà của nước chấm, mùi thơm của lá móc mật khiến người ăn khó có thể dừng đũa. Ở Lạng Sơn, món vịt quay được bán ở hầu hết các nhà hàng, quán ăn đủ để thấy được sự hấp dẫn của món ăn này.
Đến với Lào Cai bạn sẽ được nghe thấy một loài lợn vô cùng đặc biệt đó là “lợn cắp nách”, sở dĩ nó có tên gọi đặc biệt này là vì những con lợn này rất nhỏ, khi trưởng thành cũng chỉ nặng tầm dưới 10 kg mà thôi, người bán kẻ mua chỉ cần cắp nách mang đi một cách dễ dàng. Lợn cắp nách Lào Cai được nuôi thả tự nhiên, chúng tự tìm kiếm thức ăn nên thịt rất ngon và săn chắc. Thịt lợn cắp nách được người dân địa phương chế biến thành nhiều món ăn như nướng, xào, hấp… cùng với các gia vị đặc trưng như hạt dổi, lá nhội tạo thành món ăn đặc sản nổi tiếng.
Việt Nam có nền văn minh lúa nước nên rượu Việt truyền thống gần như đều được làm ra từ ngũ cốc lúa, ngô… nhưng mỗi nơi làm rượu lại cho ra một loại rượu khác nhau từ hương thơm đến vị ngọt cay, chất men say cùng cảm giác khi uống một hớp rượu đều không trùng lặp. Trong các loại rượu nổi tiếng ở Việt Nam thì chắc chắn là không thể không kể đến rượu Gò Đen - đặc sản của vùng đất Long An.
Vùng đất Giao Thủy, Nam Định gắn liền với một đặc sản mà tiếng tăm của nó đã vượt qua cổng làng để đến với rất nhiều nơi trong cả nước, đó chính là món nem nắm. Nem Giao Thủy được làm từ thịt lợn, bì (được thái mỏng bằng tay chứ không dùng máy như nhiều nơi khác) nên có độ giòn vừa phải và ngấm gia vị. Khi ăn nem được gói với lá sung, lá đinh lăng rồi chấm cùng nước mắm chua ngọt, ngon vô cùng.
Tương Nam Đàn là một đặc sản Nghệ An nổi tiếng cả nước. Là một loại nước chấm, nước chan với cơm rất phổ biến trong mỗi bữa ăn của người dân địa phương, tương Nam Đàn nổi tiếng ở chỗ nó là tương mảnh, hạt đậu là tương chỉ xay vỡ thành mảnh đậu chứ không nát như tương bần. Về màu sắc, tương Nam Đàn không có màu nâu đậm như tương bần mà có màu vàng sánh như mật ong, đậm đà hương vị đặc trưng.
Đến Ninh Bình không thể nào bỏ qua món đặc sản cơm cháy được nấu từ chiếc nồi gang đặc biệt tạo nên những lớp cơm cháy vàng giòn, xốp và thơm lừng. Thường được thưởng thức cùng với các món ăn đi kèm và nước sốt thịt dê dịu ngọt, cơm cháy Ninh Bình là món ăn nổi tiếng luôn luôn thu hút các du khách một lần được thưởng thức.
Ninh Thuận - vùng đất chỉ có nắng, gió và cát, tuy có điều kiện thiên nhiên vô cùng khắc nghiệt nhưng vùng đất này lại được thiên nhiên ban tặng cho những vườn nho sai trĩu quả - loại quả mà hầu như không nơi nào khác ở Việt Nam trồng được. Đến Ninh Thuận vào mùa thu hoạch nho bạn sẽ được thưởng thức những trái nho chín mọng, tươi rói vừa mới được hái xuống ngay trong vườn. Nho ở Ninh Thuận còn được chế biến thành rất nhiều món ngon trong đó phải kể đến rượu và siro nho thơm ngọt, được rất nhiều du khách yêu thích.
Bánh tai là một món ăn mà hầu như ở làng quê Phú Thọ bạn cũng có thể bắt gặp, đây là một món bánh quen thuộc với người dân địa phương. Sở dĩ bánh có tên gọi này vì hình dáng chiếc bánh trông rất giống cái tai. Vỏ bánh tai được làm từ gạo tẻ, phần nhân thì là thịt lợn xay nhuyễn trộn đều cùng với các gia vị. Bánh khi ăn có vị thơm của gạo tẻ kết hợp với thịt xay đậm đà chấm thêm chút mắm chua ngọt nữa thì ngon hết ý.
Bánh tráng Hòa Đa hiện là một trong những đặc sản hàng đầu của đất Phú Yên. Ở Phú Yên, hầu như làng quê nào cũng có lò bánh tráng, bởi cái văn hóa cuốn đã trở thành một nét không thể tách rời trong chuyên ăn uống, nhất là khi có tiệc tùng, giỗ chạp, tết đến... Tuy nhiên thì bánh tràng của làng nghề Hòa Đa là nổi tiếng nhất. Sở dĩ bánh tráng ở đây được ưa chuộng hàng đầu bởi chiếc bánh mịn điều, dẻo thơm, không có vị chua và bị dính khi nhúng bánh để cuốn thức ăn. Với riêng loại bánh tráng nướng, bột bánh tráng còn trộn thêm nước cốt dừa và hành củ nên chiếc bánh khi nướng lên có mùi thơm đặc biệt.
Bánh bột lọc là một món ăn quen thuộc và có nguồn gốc từ các tỉnh miền Trung. Về hình thức, bánh bột lọc ở các tỉnh đều khá là giống nhau nhưng về hương vị thì lại có sự khác biệt riêng. Một trong những loại bánh bột lọc được các thực khách đánh giá ngon nhất đó là bánh bột lọc ở Quảng Bình. Điều làm nên sự khác biệt của món bánh ở đây so với các tỉnh miền Trung đó chính là hương vị thơm ngon ở trong nhân bánh. Bật mí cho các bạn một bí mật, quán bánh bột lọc ngon nhất ở Quảng Bình là quán bánh “Mệ Xuân”.
Nhắc đến đặc sản Quảng Nam ta không thể không nhắc đến mì Quảng - món ăn quen thuộc không chỉ với người dân Quảng Nam mà còn cả những du khách đã ghé qua nơi đây dù chỉ một lần.
Huyện đảo Lý Sơn, tỉnh Quảng Ngãi từ lâu đã nổi tiếng với nghề trồng tỏi. Tỏi Lý Sơn nức tiếng thơm ngon mang hương vị đặc trưng, đặc biệt là loại tỏi mồ côi (hay còn gọi là tỏi cô đơn, tỏi một nhánh) - loại tỏi mà cả cây tỏi chỉ có một tép tỏi duy nhất.
Chả mực Hạ Long là một đặc sản nổi tiếng của vùng biển Quảng Ninh, đã lọt vào Top 50 món ăn đặc sản nổi tiếng Việt Nam. Những miếng chả mực thơm phức, vàng ruộm, ròn ngon...và có hương vị rất đặc trưng. Đặc biệt, chả mực Hạ Long không dùng chất bảo quản, chất tạo mùi, chỉ sử dụng chất hỗ trợ chế biến là bột nếp cái hoa vàng mà không dùng phụ gia khác, tạo độ thơm và chắc, không bị bở khi thành phẩm. Món ăn này không chỉ có tiếng trong nước mà đã được bạn bè quốc tế biết đến.
Cháo vạt giường là cái tên mỹ miều mà du khách đặt cho món cháo canh hay cháo bột, cháo cá dân dã của người dân Quảng Trị. Không giống như các loại cháo nấu bằng hạt gạo ở miền Bắc, cháo vạt giường được nấu bằng sợi bột gạo với cá lóc, cá biển, thịt vịt... Khi thưởng thức bạn sẽ phải dùng đũa để gắp sợi bột gạo và dùng thìa để húp nước dùng (giống như món mì, món phở vậy nhưng người dân nơi đây lại gọi là cháo). Vị cháo ngon ngọt, thơm nức mê mẩn thực khách ngay từ lần ăn đầu.
Nếu có dịp ghé thăm Sóc Trăng - vùng đất với những nét văn hóa độc đáo và những sản vật làm say đắm lòng người. Khi ra về bạn không thể không mang theo một chút hương vị Sóc Trăng, đó là bánh pía. Bánh pía được biết đến là một trong những loại đặc sản của vùng đất Vũng Thơm với hương vị đặc trưng riêng mà không nơi nào thay thế được, hương vị ngọt ngào, thơm béo của chiếc bánh pía sẽ làm bạn nhớ mãi không quên ngay từ lần đầu thưởng thức.
Mộc Châu, Sơn La là nơi có trang trại bò sữa Mộc Châu - một trong những trang trại bò sữa lớn nhất ở Việt Nam. Chính vì vậy khi đến Sơn La bạn không thể bỏ qua cơ hội được thưởng thức những cốc sữa bò nguyên chất, bổ dưỡng và thơm ngọt cùng các món ăn ngon làm từ sữa bò Mộc Châu như sữa chua, bánh sữa...
Đến Sài Gòn chỉ cần hỏi người dân nơi đây món đặc sản nào nên ăn đầu tiên thì quá bán câu trả lời chắc chắn sẽ là cơm tấm. Đây là món ăn quen thuộc, được ưa chuộng trong tất cả các bữa ăn (sáng, trưa, chiều, đêm) của tất cả người dân Sài Gòn là một trong những món ăn sáng được ưa chuộng nhất của người Sài Gòn. Cơm tấm là loại cơm được nấu bằng gạo tấm - phần gạo bị bể, vỡ trong quá trình xay sàng gạo.
Cơm tấm từng là một một ăn quen thuộc trong thời kỳ đói kém của người Việt Nam, ngày này, trong một đĩa cơm tấm thường có thêm sườn, bì và chả ăn kèm. Cơm tấm không còn chỉ là một món ăn mà đã trở thành là một đặc sản của Sài Gòn.
Nếu bạn là fan của các loại quả như xoài, cóc, ổi… thì chắc chắn bạn không thể không biết đến muối tôm - loại muối thần thánh làm tăng độ ngon của các loại quả này. Muối tôm là đặc sản có 1 - 0 - 2 của vùng đất Tây Ninh. Muối tôm ở Tây Ninh hầu hết được làm thủ công, rang qua lửa và phơi muối dưới cái nắng cho dậy mùi thơm. Cho dù là một tỉnh không có biển, muối và tôm đều nhập từ vùng khác đến, nhưng với công thức chế biến và bí quyết riêng của người dân nơi đây đã cho ra đời loại muối có hương vị kích thích vị giác vô cùng.
Thái Bình - vựa lúa của Đồng bằng sông Hồng, nơi đã sản sinh ra những sản vật, những món ăn dân dã, quen thuộc, mang đậm dấu ấn của tình đất, tình người như ổi Bo, mắm cáy, canh cá Quỳnh Côi… Nhưng có lẽ đặc trưng nhất của vùng đất lúa này là bánh Cáy làng Nguyễn.
Với nguyên liệu làm từ những sản vật của nông nghiệp như gạo nếp cái hoa vàng trộn đều cùng với các nguyên liệu khác như gấc, dành dành, lạc, vừng, gừng, mứt bí, mỡ lợn và đường mía, bánh Cáy làng Nguyễn đã được người Thái Bình chọn là món quà đặc sản để mời thực khách từ phương xa tới, là món quà khi mang đi xa hay khi có cơ hội ghé qua vùng đất này.
Nhắc đến Thái Nguyên, người ta sẽ thường nghĩ ngay đến chè với hàng loạt thương hiệu nổi tiếng nức danh trong và ngoài nước như: chè Tân Cương, chè La Bằng, chè hữu cơ Sông Cầu…Chè Thái Nguyên nổi tiếng trên khắp Việt Nam, Thái Nguyên cũng được tôn vinh là một trong hai loại trà ngon nhất nước và được mệnh danh là "Thủ đô chè Việt Nam". Trong đó, trà tại vùng Tân Cương, một xã phía tây thành phố Thái Nguyên được đánh giá cao nhất.
Thanh Hóa không chỉ nổi tiếng là vùng đất địa linh nhân kiệt mà còn nổi tiếng với nhiều loại sản vật nước tiếng trong cả nước. Ẩm thực xứ Thanh được biết đến với rất nhiều món ăn ngon. Đặc biệt, khi nhắc tới xứ thanh, không ai không biết đến món nem chua trứ danh.
Mè xửng là đặc sản không thể thiếu của vùng đất Cố đô Huế. Mè xửng có tên gọi được đặt theo nguyên liệu chính là mè và cách làm bằng xửng - một phương pháp nấu khuấy đường cô đặc, ngoài ra còn có các nguyên liệu là bột gạo, đậu phộng, mạch nha… những nguyên liệu tưởng chừng như đơn giản nhưng tất cả cùng hòa hợp tạo ra cho mè xửng hậu vị phức tạp. Vị ngọt của đường, dẻo dai của mạch nha, cùng với đậu phộng beo béo giòn rụm, bao nhiêu là vị ăn vào cùng một miếng khiến người ta nhớ mãi.
Tiền Giang từ trước đến nay đều được biết đến là mảnh đất xứ sở của nhiều cây trái, trong đó đặc biệt phải kể đến huyện Cai Lậy - nơi mà 90% vườn của người dân ở đây được trồng sầu riêng và được mệnh danh là “vương quốc sầu riêng” nức tiếng. Đã từ lâu sầu riêng là loại cây trồng mang lại giá trị kinh tế cao, là nguồn thu nhập chính trở thành cây làm giàu cho người dân Tiền Giang.
Dừa sáp, còn gọi là dừa đặc ruột, dừa kem là một phân loài dừa có quả đặc ruột, cơm dừa dày, mềm dẻo và béo hơn trái dừa thường, nước dừa đặc lại trong veo như sương sa. Dừa sáp là đặc sản duy nhất chỉ có ở thị trấn Cầu Kè, tỉnh Trà Vinh.
Hấp thụ những tinh hoa từ đất, gió, nắng và nguồn nước của núi đồi Hàm Yên, tỉnh Tuyên Quang, cam sành Hàm Yên mang hương vị đặc trưng riêng, vị ngọt cũng khác hẳn cam sành ở vùng khác.
Bưởi năm roi có hình quả lê, nặng khoảng 1,2 - 1,4 kg, vỏ mỏng, ruột trắng, thịt mềm, nhiều nước. Khi ăn, múi bưởi có độ róc tốt, vị ngọt dịu, mùi thơm, để càng lâu ăn càng ngon. Giống bưởi này khi chín thường không có hạt hoặc rất ít. Đây là những điểm nổi bật tạo sự khác biệt giữa bưởi Năm Roi trồng tại thị xã Bình Minh, tỉnh Vĩnh Long với bưởi trồng tại các vùng khác.
Su su là một loại rau được trồng nhiều ở vùng đất Tam Đảo, Vĩnh Phúc. Su su Tam Đảo được nhiều người ưa chuộng từ người tiêu dùng, đến khách du lịch. Su su được trồng ở đây có những đặc trưng rất riêng khố lẫn với vị của các vùng miền khác. Khi ăn thực khác dễ dàng cảm nhận được độ ngon mềm nhưng lại giòn vị ngọt mát tự nhiên.
Bánh Bông Lan Trứng Muối - Gốc Cột Điện là một món ngon và cũng là đặc sản của Vũng Tàu đã có mặt hơn 50 năm qua và giờ đây là một thương hiệu độc nhất vô nhị. Người dân Vũng Tàu cũng coi bánh bông lan trứng muối là món ăn vặt 'ruột' được yêu thích. Và món ăn này cũng được bán dọc khắp các con đường lớn của thành phố biển Vũng Tàu. Ai đã đến Vũng Tàu thì hãy nhớ để thưởng thức nhé.
Nếu ai đã từng đến thăm vùng đất Nghĩa Lộ - Yên Bái chắc hẳn đã được nếm thử món ăn đặc sản nơi đây: món thịt trâu gác bếp mang vị đậm đà cay cay thơm nồng mùi mắc khén, miếng thịt thớ dài dai dai khiến người thưởng thức phải nhâm nhi để cảm nhận được vị ngọt của thịt gác bếp. Đó cũng là một trong những lý do vì sao thịt trâu khô lại được nhiều người yêu thích đến vậy. Không chỉ là hương vị thơm ngon, món ăn còn mang đậm hương vị của cả một dân tộc. Từ đôi bàn tay khéo léo của những người dân vùng núi, những miếng thịt trâu thơm ngon lần lượt ra đời.
Ngày nay, thịt trâu gác bếp đã và đang dần trở thành đặc sản được biết đến nhiều nhất trong mỗi dịp du lịch Yên Bái nói riêng và Tây Bắc nói chúng. Món ăn này đã khiến bao thực khách say mê, mê mẩn.
Trên đây là 63 đặc sản của 63 tỉnh thành Việt Nam mà Cattour đã tìm hiểu và tổng hợp lại để giới thiệu với các bạn. Rất mong rằng bài viết này đã mang đến cho các bạn những thông tin hữu ích.
Đoàn Thư / Cattour.vn - Ảnh: Internet
Xem thêm: đặc sản
Bất kể ai từng nghe về miền Tây (hay đồng bằng sông Cửu Long) cũng đều biết rằng đây chính là vựa trái cây nổi tiếng và lớn nhất cả nước. Những loại đặc sản trái cây miền Tây luôn có tiếng là có chất lượng tươi mới và thơm ngon không loại nào sánh được. Vú sữa, dừa sáp, quýt hồng hay bưởi Năm Roi,... đều là những loại trái cây thương hiệu của miền Tây sông nước miệt vườn mà du khách nên thưởng thức
Việt Nam là một quốc gia có nền văn hóa lâu đời với rất nhiều đặc sản nổi tiếng. Đặc sản Việt Nam vô cùng đa dạng và phong phú. Mỗi tỉnh thành, vùng miền trên mảnh đất hình chữ S đều có những nét đặc sắc riêng biệt và có những đặc sản nổi tiếng khác nhau.
Trong chuyến đi du lịch Buôn Mê Thuột, du khách đừng quên thưởng thức 3 món cá đặc sản nổi tiếng dưới đây của vùng cao nguyên nắng gió này
Cao nguyên đá Đồng Văn không chỉ quyến rũ du khách bởi những cảnh sắc thiên nhiên hùng vĩ mà nên thơ, hữu tình, bởi những nét văn hóa đặc sắc mà nơi đây còn làm nức lòng khách du lịch bởi nền ẩm thực đa dạng và độc đáo. Dưới đây là top 10 đặc sản Đồng Văn Hà Giang hấp dẫn và nổi tiếng nhất mà du khách đừng nên bỏ qua khi đến với vùng đất cao nguyên đá này nhé:
Nếu bạn đang đi chơi, đi du lịch ở Nha Trang mà vẫn chưa biết Nha Trang có đặc sản gì để mua về làm quà cho người thân và bạn bè, thì bạn hãy đọc ngay bài viết này của Cattour nhé. Cattour đã tổng hợp tất cả những đặc sản nên mua về làm quà khi đi Nha Trang.
Trung tâm sách Kỷ lục Việt Nam chính thức công bố 10 đặc sản hải sản Việt Nam trong hành trình tìm kiếm, quảng bá đặc sản và ẩm thực Việt Nam lần thứ 1/2012. Hãy cùng khám phá xem 10 loại đặc sản và hải sản biển này là gì, và có thể thưởng thức chúng ở đâu các bạn nhé!