I. Có nên đi du lịch Hạ Long Tết 2024?
Thời điểm cuối năm, thời tiết của các tỉnh phía Bắc nói chung và thành phố Hạ Long nói riêng hầu như chịu ảnh hưởng trực tiếp của các đợt gió mùa đông bắc. Nhiệt độ sẽ dao động khoảng từ 12 – 15 độ C, không khí lạnh bao trùm kéo theo hiện tượng sương mù dày đặc. Nhưng cũng bởi vậy mà Hạ Long lại có dịp được khoác lên mình một chiếc áo mới lung linh và có phần huyền bí hơn, hấp dẫn hơn mỗi khi có ai đặt chân tới.
Thời tiết Hạ Long những ngày cuối năm cũng có cả những ngày nắng hanh
Trong bức tranh thiên nhiên ngày Tết của vịnh Hạ Long là làn nước trong xanh màu ngọc bích tuyệt đẹp, có những hòn đảo lớn nhỏ cây cỏ xanh tốt, có bãi biển cát trắng… có thể khiến bạn mải vui quên lối về.
Theo kinh nghiệm du lịch Hạ Long, dịp Tết còn là thời điểm diễn ra lễ hội đền Yên Tử rất nổi tiếng ở vịnh Hạ Long. Phong cảnh của khu đền chùa Yên Tử rất đẹp, nằm trên một hòn đảo của vịnh, không khí sôi động của lễ hội Yên Tử cũng thu hút được đông đảo du khách gần xa đến tham gia.
Bức tranh thiên nhiên của Hạ Long với làn nước màu xanh ngọc bích
Trái lại với hình dung của nhiều người, Hạ Long đầu xuân lại hiện lên với khung cảnh nhộn nhịp, tươi vui chẳng kém mùa hè là bao. Nếu ai nói Hạ Long chỉ thích hợp để vui chơi nghỉ dưỡng, tắm biển các tháng 5, 6, 7 thì hãy suy nghĩ lại nhé, bởi nơi đây còn hàng tá những địa chỉ lý tưởng đang chờ bạn đến khám phá đấy.
Yên Tử Hạ Long thu hút được đông đảo khách du lịch mỗi dịp Tết đến xuân về
Đừng quên chuẩn bị tư trang thật kĩ trước khi lên đường nhé bạn. Tuy không rét buốt như SaPa hay Hà Giang nhưng thời tiết sẽ lạnh ở Hạ Long kèm theo mưa phùn có thể sẽ ảnh hưởng tới sức khỏe của bạn cũng như sự trọn vẹn của chuyến đi đấy.
Đừng quên chuẩn bị kĩ trang phục nhé bởi khoảng thời gian này miền Bắc nhìn chung còn rất lạnh
II. Phương tiện di chuyển
+ Tàu hỏa: chuyến tàu hỏa Hà Nội – Hạ Long sẽ xuất phát từ ga Gia Lâm. Du khách đi tàu mất từ 5 – 6h để đến được ga Hạ Long. Nếu bạn muốn đi tàu vào dịp Tết thì nhớ chú ý mua vé sớm trước khoảng 1 – 2 tuần để tránh việc hết vé nhé. Đối với những du khách ở các tỉnh miền Trung và miền Nam cũng rất thích sử dụng tàu hỏa để đi du lịch Hạ Long vào dịp Tết bởi giá vé khá rẻ.
+ Xe khách: tuyến xe khách Hà Nội – Hạ Long xuất phát từ bến xe Mỹ Đình và bến xe Lương Yên có thời gian di chuyển khá nhanh nên được nhiều du khách lựa chọn. Giá vé xe khách Hà Nội – Hạ Long dao động từ 100k – 200k/vé. Nếu đi vào dịp Tết bạn cũng cần chú ý đặt vé trước để chắc chắn có chỗ nhé, bởi khoảng thời gian này người dân cũng đi lại rất nhiều.
Bến xe khách Mỹ Đình có rất nhiều xe khách về Hạ Long
Ngoài ra, nếu bạn đi du lịch Hạ Long dịp Tết theo nhóm dưới 9 người thì có thể lựa chọn xe limousine vô cùng thích hợp. Không gian xe sang trọng và thoải mái, đảm bảo được sự tiện nghi nhất dành cho khách hàng, mức giá cũng không quá cao, dao động từ 180k – 250k/người/lượt.
+ Xe máy: còn đối với những bạn có chủ nghĩa xê dịch thì xe máy là một lựa chọn không tồi. Với lộ trình khoảng 150km, bạn sẽ chỉ mất khoảng 3 – 4 tiếng để đến được với Hạ Long. Nếu di chuyển bằng xe máy bạn sẽ không chỉ tiết kiệm được một khoản mà còn có cơ hội được “mục sở thị” khung cảnh đất trời tuyệt đẹp của đồng bằng Bắc bộ khi vào đông.
+ Thủy phi cơ: thủy phi cơ sẽ có 12 chỗ ngồi dành cho hành khách. Nếu di chuyển bằng thủy phi cơ sẽ là một trải nghiệm hết sức hấp dẫn, từ trên độ cao 300m so với mực nước biển, du khách hoàn toàn có thể ngắm được toàn cảnh những hòn đảo lớn nhỏ xinh đẹp trên vịnh Hạ Long. Giá thủy phi cơ vào dịp Tết khá đắt đỏ, từ 2.5 – 3 triệu/vé.
III. Lưu trú: khách sạn, homestay
Dịch vụ lưu trú ở Hạ Long cũng khá hấp dẫn đối với du khách bởi sự đa dạng cũng như chất lượng vượt trội. Từ những khu nghỉ dưỡng đẳng cấp cho đến những khách sạn, homestay nhỏ xinh đều đặt chất lượng, thỏa mãn được nhu cầu của du khách lên hàng đầu. Thời điểm nghỉ lễ sắp tới mặc dù hầu hết các đơn vị đều có sự phụ thu, song để tránh tình trạng cháy phòng thì bạn cũng nên liên hệ đặt phòng trước nhé
Khách sạn ở Hạ Long vô cùng đa dạng với nhiều mức giá khác nhau
Bạn có thể tham khảo một số địa chỉ khách sạn và homestay với giá cả phải chăng như: Majestic – Mong Cai Hotel, Halong Park, Biển Bắc… Giá phòng sẽ dao động khoảng 500k – 1.5 triệu tùy khách sạn và diện tích. Hoặc bạn có thể book phòng trên những trang web đặt phòng trực tuyến như Agoda, Booking, Traveloka…
Homestay ở Hạ Long
IV. Ẩm thực
Sự phong phú của ẩm thực Hạ Long cũng trở nên hấp dẫn hơn trong dịp đầu xuân năm mới. Những món ăn hầu hết được chế biến nóng hổi, tạo được không gian ấm cúng và quây quần cho những thực khách trong những ngày giá rét của miền Bắc. Từ sơn hào hải vị như tôm hùm hấp sả, lẩu cá lạp xạp, bún trộn ngán… cho đến những mõn ăn đường phố truyền thống như ốc luộc, ốc xào, bánh trôi tàu, xôi chè, bánh gối…
Bún hải sản thơm ngon đặc sản
Bề bề Hạ Long
Ghé thăm Hạ Long bạn cũng đừng quên cùng với những người thân yêu đi dạo phố ẩm thực đêm Bến Đoan, phường Hồng Gai nhé. Chỉ nằm ngay bên bờ biển xinh đẹp, con phố là nơi tập trung của gần 50 những gian hàng cùng những món ăn mang đậm hương vị của thành phố biển. Hương vị đậm đà, phong phú, giá cả lại phải chăng nên những ai đặt chân tới đây cũng đều chẳng muốn về. Khi tiết trời se se lạnh mà được thưởng thức những món đặc sản còn nghi ngút khói thì thật chẳng còn gì tuyệt vời hơn.
Đừng quên thưởng thức các món ốc nhé
V. Du lịch Hạ Long dịp Tết 2024 có gì vui?
Tết là dịp diễn ra nhiều lễ hội xuân để mọi người vui chơi, du ngoạn và cũng là dịp để mọi người dâng hương, cầu tài lộc, may mắn cho bản thân, gia đình, người thân. Sau đây là một số những lễ hội xuân lớn ở Hạ Long, Quảng Ninh mà bạn có thể tham gia:
1. Lễ hội đền Cửa Ông
Đền Cửa Ông thuộc phường Cửa Ông, thành phố Cẩm Phả thờ Trần Quốc Tảng, là con trai thứ 3 của Trần Hưng Đạo cùng với nhiều tướng lĩnh nhà Trần đã có công đánh giặc và trấn ải vùng Đông Bắc. Đền còn thờ Hoàng Cầu – một tướng lĩnh người địa phương đã có công dẹp giặc.
Đi hội đền Cửa Ông đầu năm cùng với bạn bè để cầu may mắn
Lễ hội đền Cửa Ông nhằm để tưởng niệm công ơn của tướng Trần Quốc Tảng và các tướng lĩnh được tổ chức từ ngày mùng 2 tháng Giếng cho đến hết tháng 3 (âm lịch). Chính hội sẽ diễn ra vào ngày mùng 2 tháng 3 (âm lịch). Lễ hội được tổ chức hết sức lình đình gồm phần tế lễ và rước kiệu bài vị Trần Quốc Tảng. Kiệu được rước từ đền ra miếu ở xã Trác Chân, tên tục là Vườn Nhãn (theo truyền thuyết thì đây là nơi Đức Ông hóa trôi dạt vào) và quay trở về đền tượng trưng cho cuộc tuần du của Đức Ông.
Lễ hội được tổ chức từ ngày mùng 2 tháng Giếng cho đến hết tháng 3 (âm lịch)
2. Lễ hội Tiên Công
Lễ hội Tiên Công diễn ra từ ngày mùng 5 đến mùng 7 tháng Giêng tại vùng đảo Hải nam, thị xã Quảng Yên, tỉnh Quảng Ninh. Đây là một lễ hội đã có lịch sử hàng trăm năm và được coi là lễ hội độc nhất vô nhị ở Việt Nam.
Lễ hội Tiên Công nhằm tưởng nhớ công ơn của 17 vị Tiên Công từ kinh thành Thăng Long đã có công quai đê, lấn biển tạo dựng nên vùng đảo này. Trước khi diễn ra lễ hội chính, từ ngày 3 – 4 tháng Giêng, các gia đình và dòng họ sẽ làm lễ “Ra cỗ họ” để tế tổ, bày tỏ lòng thành hiếu thảo đối với ông bà tổ tiên, cha mẹ. Trong những ngày này, những gia đình nào có cụ thượng thọ 80 – 100 tuổi đều có lễ vật tới từ đường cáo tiên tổ và báo cho hội đồng gia tộc biết.
Lễ hội Tiên Công đang được diễn ra
Sáng mồng 7 khi vào lễ hội chính, các gia đình và dòng họ tổ chức dẫn lễ hoặc rước các cụ lên miếu Tiên Công lễ tổ. Ngoài phần lễ thì trong suốt thời gian tổ chức lễ hội cũng diễn ra nhiều hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể thao vô cùng sôi động. Đây là một trong những lễ hội xuân lớn nhất ở thị xã Quảng Yên (Quảng Ninh) nhằm phát huy truyền thống “uống nước nhớ nguồn”, khơi dậy được lòng tự hào về cha ông, đồng thời cũng rất thiết thực khi phục vụ được nhu cầu tín ngưỡng, hưởng thụ giá trị văn hóa tinh thần của nhân dân trên địa bàn và cả du khách gần xa.
3. Lễ hội Yên Tử
Lễ hội chùa Yên Tử được tổ chức tại khu di tích lịch sử và danh thắng Yên Tử, thuộc xã Thượng Yên Công, thành phố Uông Bí, bắt đầu từ ngày 10 tháng Giêng cho đến hết tháng 3 âm lịch.
Các nghi lễ quan trọng tại lễ khai hội Yên Tử gồm có nghi lễ Gióng trống và Thỉnh chuông khai hội. Tiếp sau đó là nghi lễ Chúc phúc đầu năm mới, lễ cầu quốc thái dân an và Lễ đóng dấu thiêng Yên Tử. Sau lễ khai mạc sẽ là phần dâng hương tưởng niệm Phật hoàng Trần Nhân Tông của các phật tử và du khách.
Lễ hội Yên Tử đã quá nổi tiếng ở miền Bắc nói riêng
Trong khuôn khổ lễ hội khai xuân Yên Tử cũng thường có nhiều hoạt động truyền thống như biểu diễn nghệ thuật, múa rồng lân, võ thuật, giải cờ tướng Kỳ vương Yên Tử cùng các trò chơi dân gian như chọi gà, ném còn…
Lễ hội Yên Tử thu hút được khách du lịch ở nhiều độ tuổi khác nhau
Sau phần lễ dưới chân núi Yên Tử sẽ là cuộc hành hương của hàng vạn những người đến với đỉnh cao nhất của Yên Tử - chùa Đồng. Mỗi năm, vào dịp lễ hội đầu năm này Yên Tử lại đón hàng chục vạn khách thập phương đến tham quan và chiêm bái.
4. Lễ hội Bạch Đằng (Giỗ trận)
Đây là lễ hội nằm tưởng nhớ công ơn của những vị anh hùng dân tộc đã chống giặc ngoại xâm cứu nước bằng trận địa cọc gỗ trên sông Bạch Đằng như các vị tướng Ngô Quyền, Lê Hoàn, Hưng Đạo Vương Trần Quốc Tuấn cùng các danh tướng nhà Trần. Cũng bởi vậy mà lễ hội còn được gọi với tên khác là Giỗ trận.
Lễ hội được tổ chức hằng năm vào ngày mùng 8 tháng 3 âm lịch, có năm sẽ kéo dài đến tận 3 – 4 ngày sau. Cũng như bao lễ hội dân gian khác, phần lễ sẽ được tổ chức tại đền thờ Trần Hưng Đạo và miếu Vua Bà để dâng hương khấn bái. Sau đó dân làng sẽ tập trung rước kiệu dọc bờ sông và không thể thiếu được là tục bơi trải gắn liền với cư dân miền sông nước.
Lễ rước kiệu của dân làng
Phần hội diễn ra đặc sắc với nhiều trò chơi như đánh cờ, chọi gà, đấu vật… cùng với đó là tổ chức trò diễn tái hiện lại cuộc tập trận trên sông, cuộc thi bơi thuyền và diễn xướng truyền thống thu hút được rất nhiều du khách đến tham gia.
5. Lễ hội chùa Long Tiên
Khách đến vãn cảnh chùa, dâng hương, khấn phật… rất đông vào những ngày rằm hoặc mùng một đầu tháng và dịp Tết âm lịch. Tuy nhiên, ở chùa Long Tiên có một lễ hội lớn được tổ chức vào ngày 24/3 âm lịch hằng năm.
Chùa Long Tiên tọa lạc dưới chân núi Bài Thơ hướng ra vịnh Hạ Long, phần lễ tổ chức rước kiệu từ chùa Long Tiên qua đền Đức Ông, đền An Dương Vương, qua Loong Toong đi một vòng và trở về chùa. Dòng người đi theo kiệu lúc nào cũng đông nghịt, nghiêm trang. Không ít người cầu may cầu phúc, cũng không ít người chỉ thuần túy cảm nhận sự đông đúc và nhộn nhịp nổi tiếng ở đất Hạ Long này.
Chùa Long Tiên ở Quảng Ninh
Kết thúc phần lễ rước kiệu, du khách có thể dâng hương, vãn cảnh chùa và tham gia những trò chơi dân gian truyền thống nhẹ nhàng mà ý nghĩa.
VI. Một số lưu ý nhỏ khi đi du lịch Hạ Long dịp Tết 2024
+ Lên kế hoạch đặt dịch vụ sớm: thường vào những dịp lễ tết, ở bất cứ đâu cũng xảy ra tình trạng hết vé xe, hết phòng khách sạn và cả dịch vụ ăn uống, hơn nữa còn có thể bị đội giá lên gấp đôi. Nếu không đi theo tour bạn nên liên hệ và đặt dịch vụ sớm vừa đảm bảo được lịch trình mà còn tiết kiệm được chi phí.
+ Chuẩn bị tư trang kỹ và chú ý đồ dùng cá nhân khi di chuyển: nên theo dõi thời tiết để chuẩn bị tư trang cho hợp lý. Khi di chuyển cũng chú ý đồ cá nhân bởi ngày lễ đông dễ bị nhầm hoặc thậm chí là quên đồ.
+ Nên chọn đi tour hơn là tự túc: là mùa du lịch trọng điểm trong năm nên chi phí tự túc đi du lịch Hạ Long có thể sẽ đắt hơn ngày thường khá nhiều. Vì vậy mà bạn nên đi theo tour để đảm bảo được thời gian, lịch trình, chi phí cũng như chất lượng dịch vụ một cách tốt nhất.
Nếu có bất cứ nhu cầu về thông tin tư vấn lịch trình từng tour, vé máy bay, phòng khách sạn hoặc đặt tour… thì đừng ngần ngại mà hãy liên hệ ngay đến số hotline: 1900 0264 của Cattour để được tư vấn nhanh chóng và chính xác nhất nhé.
Các bài viết liên quan:
Phương Trần / Cattour.vn - Ảnh: Internet