I.Xuôi thuyền dọc sông Hương
Được hợp thành từ hai con sông Tả Trạch và Hữu Trạch, sông Hương là một con sông thơ mộng chảy qua thành phố Huế. Như một dải lụa mềm mại dài miên man, sông Hương uốn lượn chảy qua bao cảnh đẹp xứ Kinh kì mộng mơ, từ vườn Vĩ Dạ với những thảm cỏ xanh tươi, qua chùa Thiên Mụ cổ kính văng vẳng tiếng chuông chùa, rẽ vào sông Bạch Yến để lãng đãng phiêu du cùng gió mây. Trên hành trình ngao du ấy, sông Hương mang theo cả những mùi vị và hương thơm của muôn vàn cỏ cây hoa lá, thảo mộc nhiệt đới, tạo nên một mùi thơm ngan ngát đặc trưng cho dòng sông.
Sông Hương xanh tươi và thơ mộng của xứ Huế
Sông Hương một buổi chiều tà
1.Sông Hương sinh ra ở ngã ba Bằng Lãng
Vì sông Hương được hợp thành từ hai dòng Tả Trạch và Hữu Trạch, từ dãy Trường Sơn đông, anh Tả Trạch hùng vĩ chảy ven qua vườn quốc gia Bạch Mã, vượt qua nhiều thác nước, qua tiếp thị trấn Nam Đông về đến Tuần. Từ thượng ngàn A Lưới, dòng Hữu Trạch tuy có chút nhẹ nhàng hơn nhưng cũng vượt qua bao thác ghềnh về xuôi, để rồi ông trời lại khéo “se duyên” làm sao để anh Tả, chị Hữu gặp nhau tại ngã ba Bằng Lãng, vậy là nàng Hương thơ mộng được ra đời.
Sông Hương được hợp thành từ hai dòng Tả Trạch và Hữu Trạch
Cũng kì lạ thay, khi hai dòng Tả Hữu gặp nhau hợp thành sông Hương thì lại không còn mang vẻ dữ dội, ồn ào như lúc còn ở thượng ngàn nữa mà lại nhẹ nhàng, khoan thai, thong thả và lang thang dạo chơi qua bao nhiêu đền chùa, phố thị, làng mạc trước khi hòa mình cùng với biển cả.
Hai dòng Tả Hữu gặp nhau tạo nên dòng Hương êm đềm thơ mộng
2. Dạo quanh chân núi Ngọc Trản
Cách ngã ba Bằng Lãng chừng 4 – 5km đường thủy là đến núi Ngọc Trản. Đây là một ngọn núi nhỏ có hình dáng chiếc chén ngọc. Trên núi là một hệ thống khoảng 10 công trình lớn nhỏ được xây dựng lên để thờ thần Po Nagar do người Chăm Pa xưa lập nên. Ban đầu, điện Hòn Chén chỉ là một ngôi đền nhỏ nhưng đến năm 1832, vua Minh Mạng mới cho mở rộng để có được một ngôi đền lớn hơn. Đến thời vua Đồng Khánh thì điện cũng được trung tu và được bảo tồn cho đến tận ngày hôm nay.
Thuyền xuôi về điện Hòn Chén
Cứ vào dịp tháng 3 và tháng 7 âm lịch hàng năm, những người theo đạo Thiên Tiên Thánh Giáo lại bắt đầu tổ chức lễ hội rất lớn, thu hút được không chit những tín đồ của đạo thờ Mẹ mà còn thu hút được rất nhiều những người theo đạo khác về đây. Những người muốn đến đây chủ yếu là đi cầu bình an, để học đạo hiếu, để hành đạo làm người. Không nói đến vị trí quan trọng của điện Hòn Chén trong đời sống tâm linh của người dân nơi đây, nhưng ngọn núi Ngọc Trản ở điện Hòn Chén đã trở thành một điểm dừng chân lí tưởng và thú vị trên hành trình xuôi dọc dòng sông Hương.
Điện Hòn Chén là nơi dừng chân lí tưởng để nhiều người đến cầu an
3.Lững lờ trước chùa Thiên Mụ
Là một địa điểm du lịch nổi tiếng ở Huế mà hầu như bất cứ ai đến Huế cũng đều phải ghé qua, chùa Thiên Mụ với hơn 400 năm tuổi này đã được nhắc đến rất nhiều lần trong thơ ca, nhạc họa… Phần lớn du khách đến viếng chùa đều đi bộ, nhưng nếu một lần được ngồi thuyền đi giữa dòng Hương để ngắm toàn cảnh ngôi chùa hướng thẳng ra mặt sông này mới có thể thấy hết được vẻ đẹp của nó.
Chùa Thiên Mụ trông ra sông Hương
Hệ thống bậc cấp từ bến thuyền dẫn lên đường lớn, rồi đến những bậc cấp dẫn lên sân chùa, bốn trụ biểu sừng sững, tháp Phước Duyên cao 7 tầng hình bát giác, tất cả tạo nên một tổng thể vững chãi, uy nghiêm của một ngôi chùa – biểu tượng của đất Thần Kinh. Có ai đến Huế mà không một lần ghé chùa Thiên Mụ, để nghe tiếng chuông chùa ngân vang thức tỉnh bao tâm hồn lạc lối, để vãn cảnh chùa yên bình bên dòng Hương, để ngắm hoàng hôn về sau dãy núi xa xa?
Hệ thống bậc cấp lên chùa Thiên Mụ
4.Ghé qua chợ Đông Ba
Những năm về trước, bến đồ Đông Ba tấp nập kẻ qua người lại, nhưng giờ đây phương tiện đường bộ đã phát triển hơn khiến bến đò không còn được đông đúc như xưa nữa, chỉ một hai chuyến đò từ miền ngược hay miền xuôi đến trao đổi hàng hóa, hay những chiếc đò ngang từ đập Đá hay cồn Hến đưa các mẹ các chị sang chợ mà thôi. Hầu như chẳng còn mấy du khách đến chợ Đông Ba bằng thuyền nữa nên bến đò cũng trở nên thưa vắng hơn xưa rất nhiều. Tuy nhiên, nếu bạn yêu thích chiêm ngưỡng một góc khác của ngôi chợ hơn 100 năm tuổi nơi xứ Huế này, muốn thấy được vẻ bình dị của một trung tâm mua sắm lớn nhất cố đô thì hãy di chuyển bằng thuyền nhé.
Xuôi dòng Hương ghé chợ Đông Ba
Đi từ thượng nguồn, đến hạ nguồn hay từ đập Đá sang, rồi thong thả bước lên chợ hòa cùng với dòng người qua lại, nghe tiếng tiểu thương mua bán, nghe khách địa phương mặc cả bằng giọng Huế bạn sẽ thấy thêm yêu xứ Huế này nhiều hơn một chút đấy.
Ghé qua chợ Đông Ba tấp nập kẻ qua người lại
5.Lang thang quanh cồn Hến
Đi qua khỏi chợ Đông Ba, dòng sông Hương thướt tha uốn quanh cồn Hến. Đến với cồn Hến, du khách sẽ được thưởng thức hai món ăn hấp dẫn nhất trong kho tàng ẩm thực Huế đó chính là cơm hến và chè bắp. Rời khỏi chiếc thuyền bước lên bến đò ở cồn hến, chỉ với dăm bước đi bộ là người lữ khách đã có thể bắt gặp được hàng chục những quán ăn chỉ bán độc có hai loại đặc sản này.
Món cơm hến đặc sản
Ngày xưa, khi mà đời sống người dân Huế còn khó khăn, những người mẹ, người chị đảm đang ở đây đã tận dụng những sản vật có sẵn như những con hến mò được, những loại rau trong vườn, kết hợp cùng với những loại gia vị đặc trưng như ruốc, ớt… đã sáng tạo ra một món ăn đậm vị quê hương và được mãi lưu truyền cho đến tận bây giờ.
Nói về món cơm hến thì cũng có nhiều giai thoại khác nhau, nhưng cõ lẽ lời giải thích bên trên là dễ thuyết phục được người nghe nhất. Ngoài món cơm hến ra, trái bắp ở cồn Hến cũng thuộc hàng đặc sản, bởi cây bắp ở đây được bồi đắp bằng phù sa của sông Hương mỗi năm, sau những trận lũ lụt như tiếp thêm được tinh hoa của mẹ thiên nhiên và đã tạo ra được vị ngọt thơm của trái bắp nơi đây. Đến Huế mà chưa thử hai món đặc sản cơm hến và chè bắp thì tiếc lắm đấy, mà đặc biệt là thưởng thức hai món ăn này ngay trên vùng đất nó được sinh ra mới có thể cảm nhận được hết những tinh túy của quê hương.
Ghé Cồn Hến đừng quên thưởng thức nhiều món ăn hấp dẫn khác nữa nhé
6.Dừng chân ở ngã ba Sình
Đến với ngã ba Sình, dòng sông Hương bao dung nhường một phần phía tả ngạn cho sông Bồ Đề cùng chảy ra phía biển Thuận An. Ngoài hội vật làng Sình nổi tiếng được tổ chức vào ngày 9 tháng Giêng âm lịch hằng năm thì hiện nay, làng vẫn còn lưu giữ được nghề vẽ tranh dân gian trên một loại giấy dó vô cùng đặc biệt. Dừng chân ở làng Sình, đừng quên ghé thăm xưởng vẽ tranh dân gian của nghệ nhân Kỳ Hữu Phước nhé. Du khách sẽ được trải nghiệm vẽ tranh dân gian, tự mình tạo ra những bức tranh bằng cách đặt giấy gió lên trên những khuôn gỗ, rồi thoa mực, tô màu. Vui và thú vị lắm.
Sông Hương có hội ngộ sẽ có chia ly
Hội ngộ thì sẽ có chia ly. Sông Hương đặc bắt đầu từ Bằng Lãng, sau những phút thanh thản dạo chơi quanh những đền chùa miếu mạo nơi xứ Huế, sau sứ mạng làm huyết mạch giao thương buôn bán giữa miền ngược xuôi với chốn đô thị sầm uất nơi cố đô, và sau cả những tình yêu mang nặng phù sa bồi đắp cho những ngôi làng ven sông, dòng Hương Giang đã kết thúc hành trình của mình dài 33km tại ngã ba Sình này.
Khách du lịch thường chỉ biết đến dòng Hương qua những chuyến dạo chơi trên thuyền rồng và nghe ca Huế, hoặc có đi xa hơn cũng chỉ từ trung tâm thành phố đến chùa Thiên Mụ. Nhưng bạn hãy thử một lần lên chuyến đò để xuôi ngược dòng sông Hương, ghé những địa điểm du lịch Huế mà tôi đã kể bên trên, bạn sẽ cảm nhận được từ Huế một cái nhìn rất khác, đậm chất Huế hơn, nhẹ nhàng hơn, trầm tư hơn, bình dị hơn và cũng đôi phần sâu lắng hơn.
II.Khám phá vẻ đẹp dòng sông Hương thơ mộng nơi xứ Huế.
Sông Hương xanh màu ngọc bích, trong vắt như soi được cả bóng quang cảnh thành phố Huế đầy nên thơ dưới mặt nước êm ả và lung linh dưới ánh nắng mặt trời. Bên bờ sông là những công trình kiến trúc bao gồm cả đền chùa, vườn tược, núi rừng… tất cả cũng đều như phản chiếu được xuống dòng nước êm ả của Hương Giang, mang lại chất thơ và cả chất nhạc cho dòng sông thanh lịch này.
Sông Hương vốn mang một vẻ đẹp mềm mại và dịu êm trong bức tranh của xứ Huế vốn đã vô cùng nên thơ và hữu tình. Sông Hương đã mang lại cho mảnh đất cố đô này một chất thơ nhẹ nhàng, trầm lắng và hài hòa trong nét đẹp của chiều sâu văn hiến.
Cầu Tràng Tiền bắc qua sông Hương
Nếu đã đến Huế, bạn đừng nên bỏ qua trải nghiệm du thuyền trên sông Hương để một lần được sống chậm lại, được chiêm ngưỡng những cảnh đẹp hai bên bờ sông và được hòa mình trong những khúc dân ca, điệu hò nơi xứ Huế. Biết bao nghệ sĩ khi đi thuyền ngắm cảnh dòng Hương Giang êm đềm, lắng nghe những điệu dân ca xứ Huế đã tìm thấy được cho mình nguồn cảm hứng dạt dào vô bờ đến có thể sáng tác nên những áng văn thơ bất hủ.
Nghe ca Huế trên sông Hương
Khi hoàng hôn buông xuống, mặt trời dần khuất sau những đỉnh núi và tỏa ra những ánh sáng yếu ớt còn sót lại trong ngày, lúc này, dòng Hương Giang lại như được khoác lên mình tấm áo màu vàng cam ấm áp. Cảnh vật bốn bề như lắng xuống trong không gian yên tĩnh lạ lùng và chìm vào một màu tím nhạt đặc trưng, cũng có lẽ vì thế mà Huế lại được mệnh danh là “thành phố buồn”.
Xuôi thuyền khám phá dòng Hương
Khi màn đêm buông xuống bao phủ cả dòng sông thì những con thuyền Huế vẫn mải mê xuôi ngược với những điệu hò ngân nga, lắng đọng chút trầm tư và sâu lắng hơn trong đếm tối tĩnh mịch. Cầu Tràng Tiền lên đèn, tỏa ra thứ ánh sáng lung linh rực rỡ nhiều màu sắc cả một vùng sông tĩnh lặng, bên bờ sông là những ánh đèn vàng le lói lần lượt cũng được thắp lên.
Thả đèn trên sòng Hương thơ mộng
Nếu may mắn được đến Huế vào những ngày hội, bạn còn có cơ hội được chứng kiến vẻ đẹp của sông Hương như được bừng tỉnh giữa muôn ngàn ánh đèn hoa đăng lấp lánh trong làn nước huyền ảo.
Sông Hương không chỉ đơn giản là một cảnh đẹp nơi xứ Huế, mà nó còn là nhân chứng lịch sử trải qua biết bao năm tháng thăng trầm. Được chiêm ngưỡng vẻ đẹp của dòng sông Hương nơi xứ Huế bạn mới lại có thêm cho mình được những trải nghiệm vô cùng đáng nhớ, thêm yêu Huế mộng, Huế mơ thêm nhiều chút.
Các bài viết liên quan:
Phương Trần / Cattour.vn - Ảnh: Internet