Bánh tráng xuất hiện hầu hết trong món ăn vặt thường ngày ở miền Trung. Và có lẽ phải một lần đến mảnh đất này mới thấy sự biến hoá tài tình của chiếc bánh tráng trong ẩm thực nơi đây. Đến với tour Quảng Bình một ngày nắng, cắn miếng bánh tráng giòn rụm để cảm nhận rõ hơn hương vị bình dân nhưng rất đỗi thân quen này nhé.
I. Làng bánh tráng Tân An, làng nghề có tuổi đời lên đến hàng trăm
Bánh tráng tuy là món ăn dân dã nhưng có gắn bó với ẩm thực ba miền. Bánh tráng không chỉ là một món ăn chơi lai rai với cái bùi béo, mằn mặn mà bánh tráng miền Trung còn được chế biến, kết hợp cùng nhiều hương vị khác. Và dưới đây chính là những đặc sản không thể làm nên chuyện nếu thiếu đi chiếc bánh tráng nướng bình dân này.
Trong khi ở miền Nam, người ta thường biến tấu bánh tráng gạo thành nhiều kiểu ăn vặt khác nhau như: đồ cuốn, bánh tráng trộn, bánh tráng nướng thì ở miền Trung bạn sẽ thấy bánh tráng có mặt phổ biến trong các món đặc sản hấp dẫn. Nói đến bánh tráng phải kể đến làng Tân An, nơi sản xuất bánh tráng lâu năm ở Quảng Bình. Ngày xưa, ngôi làng này còn gọi là Ba Phường hay là phường bún bánh, bởi nghề truyền thống lâu đời này.
Làng Tân An cách thị xã Ba Đồn khoảng 4km về phía Tây, nằm nép mình bên dòng sông Gianh thơ mộng, nơi đây có loại bánh tráng được làm từ bột gạo xay, kết hợp thêm cùng nước cốt dừa, mè đen, muối để tạo nên hương vị riêng. Thành phẩm sau mỗi mẻ bánh là những chiếc bánh to tròn, dày dặn sau khi phơi qua nắng cho khô hẳn. Trước khi thưởng thức, bánh tráng miền Trung phải được nướng bằng ngọn lửa than hồng để chúng có độ phồng xốp, giòn tan, vàng ươm hai mặt và tỏa mùi thơm. Theo đó, bánh tráng Tân An không chỉ mang hương vị đậm đà, dân dã mà kết tinh trong đó là cả tình yêu và niềm tự hào của một miền quê. Nếu có một lần đi du lịch Quảng Bình và ghé ngang qua đây, các bạn đừng quên mua bánh tráng Tân An làm quà cho gia đình, người thân và bạn bè nhé.
II. Những chiếc bánh đậm đà hương vị quê hương được làm ra như thế nào
Từ trăm năm nay, nghề làm bánh tráng đã nuôi sống biết bao người dân ở làng quê ven bờ dòng sông Gianh. Ngay cả các cụ lớn tuổi trong làng cũng không rõ nghề làm bánh ở Tân An có từ bao giờ nhưng chỉ biết rằng nghề đã gắn chặt với tên làng khá lâu đời. Để làm ra những chiếc bánh mang hương vị quê hương, đòi hỏi người thợ làm bánh phải khéo léo ở từng công đoạn phức tạp, tỉ mỉ. Đấy cũng chính là lí do bánh tráng Tân Ân để lại trải nghiệm và dư vị khó quên trong lòng thực khách đi tour ghép Quảng Bình.
Trong quy trình làm bánh, nguyên liệu chính được chọn từ các loại gạo ngon, ngâm trong nước và sàng lọc, vo kỹ rồi mới đem xay nhuyễn thành bột. Lớp mè thơm đã xát vỏ được đong chia theo tỷ lệ có sẵn và còn tùy thuộc vào kinh nghiệm của người thợ. Mỗi chiếc bánh được tráng lên nguyên vẹn chỉ mới thành công được phân nửa, khi phơi bánh, bánh phải đạt đủ nắng để khi lên thành phẩm, bánh phải vừa khô, vừa dai lại dậy mùi thơm của gạo và vừng. Trong khi đó, bánh quá nắng sẽ bị khô giòn, dễ vỡ. Còn bánh thiếu nắng sẽ không có mùi thơm và bị ỉu.
Ngoài ra, ở làng Tân An còn có bánh mè xát mỏng có đường kính khoảng 20cm. Theo đó, người ta giã mịn hạt mè trộn với bột gạo, đem tráng ra thật mỏng rồi mang đi phơi nắng. Với những chiếc bánh mè xát, khi sử dụng trong món ăn hàng ngày, bánh được dùng để làm ram cuốn hay bánh cuốn với rau, thịt, cá hết sức hấp dẫn. Trong khi những chiếc bánh mè xát dày được làm theo kiểu truyền thống khi nướng lên có một lớp mè có màu nâu nhạt, trông bắt mắt. Và một loại nữa là bánh mè xát đường, vị hơi ngọt đặc trưng, thích hợp để nhấm nháp lúc thảnh thơi.
Cách di chuyển: Trong hành trình tour Quảng Bình 4 ngày, Làng Tân An cách trung tâm thành phố Đồng Hới khoảng 50km, các bạn đi theo QL1A hướng Bắc đến thị xã Ba Đồn, tiếp tục men theo QL12A rẽ hướng qua cầu Quảng Hải là đến làng Tân An nằm ngay dưới chân cầu.
Mai Nguyễn/Cattour.vn - Ảnh: Internet