Bạn đang lên kế hoạch cho một chuyến du lịch Quan Lạn vào mùa hè sắp tới nhưng chưa biết phải bắt đầu từ đâu. Vậy thì hãy đọc ngay bài viết này để biết được những kinh nghiệm du lịch Quan Lạn mới nhất mà Cattour đã tìm hiểu và tổng hợp được nhé!du lịch Quan Lạn
Đảo Quan Lạn là một hòn đảo nằm trên vịnh Bái Tử Long thuộc địa phận huyện Vân Đồn, tỉnh Quảng Ninh, miền Bắc Việt Nam. Đây là tuyến đảo ngoài cùng của Vịnh Bắc Bộ. Trong lịch sử Quan Lạn còn nằm trên tuyến đường giao thông hàng hải quan trọng giữa Việt Nam, Trung Quốc, Nhật Bản, Thái Lan và Philippines. Ngay từ thế kỉ thứ 11, nơi đây đã là trung tâm của thương cảng cổ Vân Đồn, sầm uất và thịnh vượng, tàu bè ra vào tấp nập. Hiện trên đảo còn có rất nhiều di tích liên quan đến thương cảng này.
Cách đây khoảng 900 năm, Quan Lạn là một đặc khu mậu dịch thương mại đông đúc, sau gần một thiên niên kỷ, hòn đảo này vẫn mang trong mình vẻ đẹp của làng biển Việt Nam, người dân vẫn chủ yếu sinh sống bằng nghề biển.
Hiện nay, trên đảo có 2 xã là xã Quan Lạn và xã Minh Châu đều thuộc huyện Vân Đồn. Đảo Quan Lạn cách Cô Tô – một hòn đảo và một điểm du lịch khá nổi tiếng ở Quảng Ninh khoảng 30 km (đường biển) và nằm gần đất liền hơn so với đảo Cô Tô.
Quan Lạn là một hòn đảo đẹp với khung cảnh thiên nhiên hoang sơ và yên bình. Mặc dù không nổi tiếng như Cô Tô nhưng cũng chính vì vậy mà Quan Lạn vẫn còn giữ được những nét đẹp nguyên sơ vốn có của mình với những bãi biển trong xanh, cát trắng mịn màng, những hàng dương xanh tươi ngày đêm rì rào trong gió và những bãi đá tuyệt đẹp như tranh vẽ.
Tham khảo thêm: Quan Lạn ở đâu? Thuộc tỉnh nào? Cách Cô Tô bao xa
Quảng Ninh nằm trong vùng khí hậu nhiệt đới có một mùa hạ nóng ẩm, mưa nhiều; một mùa đông lạnh, ít mưa và tính nhiệt đới nóng ẩm là bao trùm nhất.
Do nằm trong vùng vịnh Bái Tử Long ,miền Bắc nước ta nên khí hậu trên đảo Quan Lạn cũng mang đặc điểm khí hậu của vùng này với khí hậu được phân hóa thành 4 mùa là xuân, hạ, thu, đông; trong đó có 2 mùa rõ rệt là mùa hè và mùa đông. Tại đây, mùa hè thường kéo dài từ tháng 4, tháng 5 cho đến tháng 8, tháng 9 và mùa đông bắt đầu từ tháng 11 đến tháng 1, tháng 2 năm sau. Mùa xuân (tháng 3) và mùa thu (tháng 10) diễn ra ngắn, không rõ ràng là hai thời kì chuyển tiếp giữa mùa hè và mùa đông.
Vào mùa hè thời tiết trên đảo nóng,ẩm, mưa nhiều còn đến mùa đông thì lại lạnh, hanh, khô và ít mưa. Nhiệt độ trung bình năm từ 20 độ C - 25 độ C; nhiệt độ trung bình mùa hè khoảng 26 độ C và mùa đông khoảng 19 độ C. Vào tháng 7, tháng 8 âm lịch hàng năm là thời điểm vùng biển phía Bắc nước ta trong đó có khu vực đảo Quan Lạn xảy ra nhiều cơn bão lớn nhỏ, biển động mạnh.
Với những phân tích ở trên thì có thể thấy rằng thời điểm tốt nhất để đi du lịch đảo Quan Lạn là vào mùa hè khi thời tiết còn nắng nóng từ tháng 4 đến tháng 10 hàng năm. Thời điểm là du lịch cao điểm ở Quan Lạn là vào các tháng 4, 5, 6, 7 khi học sinh, sinh viên được nghỉ hè.
Tuy nhiên, bạn không nên đi tour Quan Lạn vào tháng 7, tháng 8 âm lịch vì khả năng gặp mưa bão là khá cao và tất nhiên là bạn cũng không nên đi du lịch Quan Lạn vào mùa đông rồi, trời lạnh thì làm sao mà tắm biển được chứ.
Có thể bạn chưa biết: Thời tiết Quan Lạn như thế nào? Nên đi Quan Lạn vào thời gian nào là đẹp nhất?
Tại Quan Lạn thì cùng không có quá nhiều điểm tham quan, vui chơi, chủ yếu là những bãi biển, địa điểm check – in đẹp và một vài điểm du lịch văn hóa mà thôi. Vì vậy, chỉ với khoảng thời gian 2 ngày 1 đêm trên đảo là bạn đã có thể khám phá gần hết đảo này rồi. Nếu các bạn ở xa, tốn nhiều thời gian đi lại thì khoảng thời gian 3 ngày 2 đêm hoặc 4 ngày 3 đêm là ổn. Còn nếu bạn có nhiều thời gian hơn thì các bạn có thể kết hợp du lịch đảo Quan Lạn với các địa điểm du lịch khác gần đó như Vân Đồn, Hạ Long thì sẽ không hề bị nhàm chán đâu.
Tham khảo thêm: Review du lịch Quan Lạn 3 ngày 2 đêm tự túc
Để đến được du lịch Quan Lạn đầu tiên bạn phải đến được Vân Đồn (hoặc Hạ Long) sau đó mới từ các bến tàu ở đây đón tàu thuyền để đi ra đảo. Cattour sẽ chia phần này thành 2 phần nhỏ để các bạn có thể hiểu rõ hơn nhé!
Di chuyển bằng xe khách
Đối với các bạn ở các tỉnh khu vực phía Bắc như Hà Nội, Hải Phòng, Thái Bình, Hải Dương, Nam Định, Thái Nguyên... thì các bạn có thể tìm và đón xe khách đi Quảng Ninh tại các bến xe khách nơi bạn ở để đến Vân Đồn hoặc Hạ Long. Còn nếu tại nơi bạn sinh sống mà không có xe khách đi thẳng đến Quảng Ninh thì bạn có thể đến những nơi có xe khách đi Quảng Ninh mà gần khu vực bạn ở để đón xe khách nhé.
Ở Quảng Ninh khá là rộng, tuy đa phần các xe khách đều chạy qua hoặc đến thẳng Hạ Long nhưng không phải xe khách nào cũng đi đến Vân Đồn, vì vậy, trước khi đi bạn cần hỏi xem là có xe khách đi đến Vân Đồn hay không. Nếu có thì thật là tốt nhưng nếu không thì bạn cùng đừng lo lắng quá vì chỉ cần xe khách đó đi đến Quảng Ninh là bạn sẽ đến được Vân Đồn chỉ là tốn thêm thời gian để bắt thêm một tuyến xe bus nữa mà thôi.
Nếu đi đến bến Hòn Gai bạn bảo xe khách cho xuống điểm gần bến tàu đi Quan Lạn là họ sẽ cho bạn xuống, sau đó bạn bắt xe ôm, taxi vào bến tàu là được.
Nếu đi bến Cái Rồng, nhưng xe khách chỉ đi đến Hạ Long thì các bạn có thể bắt xe bus tại bến xe Bãi Cháy đến thẳng Vân Đồn hoặc xe chỉ đi đến Cửa Ông hoặc đi Móng Cái thì bạn có thể xuống tại Cửa Ông và cũng bắt xe bus đi Vân Đồn. Xe bus sẽ không vào đến tận bến Cái Rồng, bạn nhờ phụ xe cho xuống điểm gần bến cảng Cái Rồng rồi đi xe ôm hoặc taxi vào, đoạn đường chỉ tầm hơn 1 km một chút thôi, bạn có thể đi bộ vào nếu muốn.
Lưu ý, hiện nay có hai tuyến bus, một tuyến đi Vân Đồn, một tuyến đi Mông Dương, bạn nhớ để ý và hỏi kỹ trước khi lên xe để tránh đi nhầm. Nếu lỡ lên nhầm thì bạn hãy nhờ phụ xe đổi xe giúp bạn.
Ở Hà Nội, các bạn có thể đến các bến xe như Giáp Bát, Mỹ Đình, Lương Yên... để bắt xe đi Quảng Ninh. Các hãng xe như là Kumho Việt Thanh, Ka Long, Đức Phúc... Thời gian đi xe khách sẽ rơi vào khoảng 5 – 6 tiếng, giá vé khoảng 100.000 – 120.000 VNĐ/ người/ lượt.
Nếu muốn tiết kiệm thời gian thì các bạn hãy di chuyển bằng các xe chạy đường cao tốc, đặc biệt hiện nay còn có các hãng xe đón trả tại nơi, tức là xe sẽ đón bạn tại nhà hoặc một điểm nào đó gần nhất và sẽ đưa bạn đến tận điểm cần đến tại Quảng Ninh (bến Cái Rồng hoặc bến Hòn Gai), bạn sẽ không phải trung chuyển nhiều lần xe. Ví dụ như là xe Vân Đồn Xanh (SĐT: 02033.991.991), Phúc Xuyên Limousine (SĐT: 02033.827.827), xe Hoàng Công (SĐT: 1900.0392)... Giá vé dao động từ 150.000 – 300.000 VNĐ/ người/ lượt, thời gian di chuyển chỉ từ 3 – 4 tiếng.
Di chuyển bằng phương tiện cá nhân (ô tô, xe máy)
Ngoài xe khách thì bạn hoàn toàn có thể tự đi đến Quảng Ninh bằng phương tiện cá nhân (ô tô, xe máy) của mình nếu muốn.
Từ Hà Nội , với ô tô thì bạn có thể đi theo đường cao tốc Hà Nội – Hải Phòng, Hải Phòng – Quảng Ninh để đến Hạ Long, hoặc đi tiếp cao tốc Hạ Long – Vân Đồn để đến Vân Đồn. Nếu đi xe máy thì bạn có thể đi theo tuyến đường Hà Nội – Bắc Ninh – Hải Dương – Quảng Ninh. Bạn hãy sử dụng Google Map để biết rõ nhất tuyến đường mà bạn phải đi.
Thông tin chi tiết: Cách đi du lịch Quan Lạn như thế nào? Đi bằng phương tiện gì?
Hiện tại, sân bay ở Vân Đồn đã được đưa vào hoạt động với hai tuyến bay nội địa là Đà Nẵng – Vân Đồn và Sài Gòn – Vân Đồn với thời gian bay khoảng 1,5 – 2 tiếng. Như vậy, các bạn ở miền Trung và miền Nam đã có thể đến Vân Đồn vừa nhanh chóng lại vừa tiện lợi rồi.
Sân bay Vân Đồn
Hiện nay, ở Quảng Ninh có hai bến thuyền có thể đi du lịch đảo Quan Lạn là bến Cái Rồng (Vân Đồn) và bến Hòn Gai (Hạ Long).
Nếu các bạn ở tỉnh khác đến Quảng Ninh thì đến bến Hòn Gai sẽ gần hơn so với việc đến bến Vân Đồn. Tuy nhiên, khoảng cách từ bến Vân Đồn ra đảo Quan Lạn lại gần hơn từ bến Hòn Gai ra Quan Lạn và ở bến Cái Rồng cũng có nhiều tuyến tàu chạy ra đảo Quan Lạn hơn. Vì vậy, các du khách cũng thường chọn bến Vân Đồn là điểm xuất phát để ra đảo Quan Lạn. Tùy thuộc vào điều kiện và nhu cầu thì các bạn hãy chọn lựa bến cảng phù hợp cho chuyến du lịch của mình nhé!
Ngoài ra, ở trên đảo Quan Lạn cũng có 2 bến tàu là bến Quan Lạn và bến Minh Châu, bạn nên chọn bến tàu xuống gần với khách sạn, nhà nghỉ mà bạn đã đặt để không tốn thời gian và chi phí cho việc di chuyển từ bến tàu về khách sạn nhé.
Bạn có thể đi tàu cao tốc hoặc tàu gỗ ra đảo Quan Lạn.
Lưu ý: Thời gian đi tàu gỗ sẽ lâu hơn so với tàu cao tốc, do đó đối với những bạn hay bị say sóng không nên đi loại tàu này. Tuy nhiên, tàu gỗ sẽ chở xe máy ra đảo còn tàu cao tốc thì không. Bạn chọn lựa hình thức di chuyển sao cho phù hợp nhé.
Các bạn nên đặt trước vé tàu cao tốc để tránh tình trạng hết vé, cháy vé, nhất là trong các dịp cao điểm. Các tàu cao tốc đi Quan Lạn như tàu cao tốc Ka Long (SĐT: 0342.186.186 – 0358.156.156), tàu cao tốc Hoàng Vy (SĐT: 0913.072.072), tàu cao tốc Hảo Thịnh (SĐT: 02033.877.345), tàu cao tốc Quang Minh (SĐT: 0973.755.222 - 0984.727.333), tàu cao tốc Ngọc Thế 68...
Thời gian chạy của tàu cao tốc: gọi điện để biết thêm thông tin chi tiết.
Thời gian chạy của tàu gỗ:
Giá vé tàu cáo tốc và tàu gỗ
Lưu ý: bạn nên đặt trước vé tàu và hỏi rõ thời gian tàu chạy, để sắp xếp thời gian đi lại cho chính xác, bạn nên tính giờ sao cho đến bến tàu trước khi tàu chạy khoảng 30 phút đến 1 tiếng để đề phòng có các trường hợp phát sinh làm chậm trễ thời gian.
Ở Quan Lạn có 4 phương tiện di chuyển phổ biến phục vụ tham quan là tuk tuk, xe điện, xe máy và xe đạp.
Hiện tại, phương tiện di chuyển phổ biến và chủ yếu của khách du lịch trên đảo Quan Lạn là xe tuk tuk – 1 loại xe giống xe lam có thể chở được khoảng từ 8 đến 10 người. Mức giá thông thường khoảng 100.000 – 150.000 VNĐ/ chuyến tùy độ dài quãng đường. Bạn cũng có thể thuê xe đưa đón cả 1 ngày với mức giá khoảng 500.000 – 800.000 VNĐ.
Khách du lịch Quan Lạn Quảng Ninh ngày một đông hơn và để đáp ứng nhu cầu đi lại của du khách, hệ thống xe điện cũng đang được đầu tư thêm, hiện nay trên đảo đang có khoảng hơn 100 xe điện. Xe điện hoạt động trên đảo theo 2 tuyến cố định là tuyến từ bến Minh Châu tới trung tâm xã Quan Lạn và tuyến từ bến Quan Lạn tới trung tâm xã Minh Châu. Tất cả các xe điện này đều được đăng ký, đăng kiểm theo đúng quy định, đội ngũ lái xe được tập huấn, nâng cao kỹ năng lái xe và phục vụ, đảm bảo an toàn cũng như sự hài lòng của du khách khi vui chơi tham quan trên đảo.
Nếu bạn chỉ đi 1 mình hoặc đi 2 người và muốn chủ động, tự do đi lại trên đảo, di chuyển giữa các điểm tham quan thì thuê xe máy là lựa chọn tốt và tiết kiệm nhất. Giá thuê xe máy trên đảo dao động trong khoảng từ 150.000 - 200.000 VNĐ/ ngày/ xe. Bạn có thể thuê xe tại ngay khách sạn, nhà nghỉ mà bạn ở lại. Bạn cũng sẽ phải tự đổ xăng cho xe giống như ở các địa phương khác và giá xăng trên đảo đắt hơn trên đất liền.
Một phương tiện vừa lãng mạn lại thân thiện với môi trường vừa giúp bạn có thể rèn luyện sức khỏe đó là xe đạp. Ở trên đảo Quan Lạn không chỉ cho thuê xe máy mà cũng cho thuê cả xe đạp nữa, giá cả cũng rất phải chăng từ 50.000 - 100.000 VNĐ/ ngày/ xe. Trong không gian yên bình với bầu không khí trong lành, mát mẻ trên đảo, bạn và người ấy đèo nhau đạp xe quanh trên những con đường đá hai bên rợp bóng mát của cây xanh qua những bãi biển đẹp, mới chỉ nghĩ thôi đã thấy lãng mạn rồi. Đây sẽ là một trải nghiệm vô cùng thú vị đấy.
Ở Quan Lạn có 2 khu vực tập trung nhiều khách sạn, nhà nghỉ, homestay nhất, đó là ở trung tâm đảo Quan Lạn - xã Quan Lạn và ở khu vực xã Minh Châu.
Trong đó, xã Quan Lạn nằm ở giữa đảo là nơi tập trung nhiều khách sạn nhất ở trên đảo. Khu vực này cũng là nơi đông đúc và nhộn nhịp nhất trên đảo Quan Lạn. Đặc biệt, do nằm ở giữa đảo, nên khi ở đây bạn có thể dễ dàng đi tham quan các địa điểm trên đảo.
Các khách sạn, nhà nghỉ ở trung tâm đảo Quan Lạn: Thuong Thuy Hotel, Nhà Nghỉ Khải Hải, Nhà nghỉ Đạt Bình, Khách sạn Hùng Diễm - Quan Lạn, Paloma Hotel, Khải Mai Hotel, Khách Sạn Ngân Hà, Hoàng Nam Hotel, Khách sạn Hải Huyền, Huy Hoàng Hotel, Hải Hà Hotel, Villa Song Châu, Duy Khanh Hotel, Mai Homestay, Link Homestay, Tuân Thủy, Khách Sạn Đại Dương Xanh, Ann Hotel, Khách sạn Phương Hoàng Quan Lạn, Lệ Thương Hotel, Khách sạn Khang Huyền - Quan Lạn, Pierre's Villa, Khu du lịch sinh thái Vân Hải Viglacera…
Còn khu vực xã Minh Châu thì nằm ở phía bắc của đảo Quan Lạn cách trung tâm đảo khoảng 10 km. Đây là nơi có bãi tắm Minh Châu – nơi được mệnh danh bãi tắm đẹp nhất trên đảo Quan Lạn và cũng là khu vực tập trung nhiều khách sạn, resort cao cấp nhất ở trên đảo.
Các khách sạn, nhà nghỉ ở Minh Châu: Grandpearl Resort, Minh Chau Pearl Hotel & Spa, Minh Chau Beach Resort, Yến Nhi Hotel, Hưng Thịnh Hotel, La Paloma Hotel, Khách sạn Phương Nam, Khách Sạn Khải Mai, Thành Trung Hotel, Khách sạn Lepont, Khách sạn Huy Hoàng, Nhà nghỉ Thành Liễu, Khách sạn Mạnh Long, Hotel Linh Phượng, Mina House, Xuân Thắng Hotel, Nhà Nghỉ Ánh Loan, Thanh Thuy Guesthouse, Robinson Ecolodge…
Tùy thuộc vào sở thích, nhu cầu và điều kiện thì các bạn có thể chọn cho mình một nơi lưu trú phù hợp khi đi du lịch Quan Lạn nhé.
Lưu ý: Bạn nên đặt trước phòng khách sạn khoảng từ 1, 2 tuần đến 1 tháng, nhất là trong mùa cao điểm thì cần đặt sớm hơn để tránh bị hết phòng và đặt được khách sạn, nhà nghỉ, homestay mà bạn muốn.
Ở đây thì mình chỉ nói về việc mặc gì khi đi Quan Lạn vào mùa hè thôi nhé! Vào mùa hè mà đi biển thì những bộ quần áo thích hợp nhất sẽ là những bộ quần áo thoải mái và thoáng mát giúp bạn dễ dàng khi vui chơi, tham quan trên đảo. Tùy thuộc vào tính cách và sở thích mà bạn có thể lựa chọn cho mình những bộ quần áo phù hợp.
Với các bạn nữ thì có thể diện áo phông, croptop, áo hai dây... kết hợp với quần short, chân váy... vừa trẻ trung, vừa năng động hay những chiếc váy maxi thướt tha, dịu dàng, nữ tính dành cho những cô nàng “bánh bèo”. Còn các bạn nam thì lại càng đơn giản hơn chỉ cần một vài chiếc áo phông, áo ba lỗ… kết hợp với quần đùi hay quần short… là vừa khỏe khoắn, vừa thoải mái rồi, lại còn gọn nhẹ nữa chứ. À dù bạn là nam hay nữ thì cũng đừng quên mang cho mình một bộ đồ tắm thật đẹp để mặc khi tắm biển nhé.
Nếu bạn mà đi du lịch đôi, du lịch gia đình hay du lịch nhóm thì những bộ đồ đôi, đồ gia đình, đồ nhóm sẽ giúp các bạn trở lên “nổi bần bật” trước đám đông đấy.
Về giày dép thì các bạn nên chuẩn bị cho mình một đôi giày thật mềm mại và thoải mái để thuận tiện cho việc di chuyển nhé, đi chơi mà chân lại bị đau thì chán lắm. Bạn cũng đừng quên chuẩn bị cho mình một đôi dép lê, dép tổ ong hay dép tông... để sử dụng khi đi biển.
Đầu tiên thì tất nhiên là “tiền đâu” rồi, khi đi du lịch Quan Lạn bạn nhớ phải mang theo tiền mặt nhá vì ở trên đảo này chưa có một cây ATM nào cả và cũng không có chỗ nào có thể thanh toán bằng thẻ được đâu. Một thứ cũng rất là quan trọng nữa đó là giấy tờ tùy thân như CMND, bằng lái xe… sẽ được sử dụng đến khi nhận phòng hay thuê xe máy…
Thứ hai, đi du lịch tất nhiên là phải mang theo quần áo, đồ dùng cá nha rồi. Ngoài những vật dụng cơ bản các bạn nhớ mang theo kem chống nắng, kính râm, áo chống nắng… để tránh bị cháy nắng, mang theo các loại thuốc cơ bản như thuốc say tàu xe, thuốc đau đầu, đau bụng, men tiêu hóa, băng cá nhân… để có thể sử dụng khi cần thiết.
Thứ ba, đồ ăn và nước uống. Ở trên đảo hầu như mọi thứ đều phải vận chuyển từ trên đất liền ra để sử dụng. Vì vậy mà đồ ăn, thức uống ở trên đảo sẽ đắt hơn ở trên đảo và cũng không được nhiều và phong phú. Nếu có thể thì bạn nên chuẩn bị đồ ăn nhẹ, nước uống từ ở nhà để mang lên đảo sử dụng vừa giúp bạn chủ động trong việc ăn uống, vừa tiết kiệm được chi phí.
Ở Quan Lạn có bốn bãi biển lớn và đẹp nhất đó là bãi biển Quan Lạn, Minh Châu, Sơn Hào và Robinson. Vẻ đẹp hoang sơ và trong lành của những bãi biển này sẽ chiều lòng được cả những vị khách khó tính nhất. Những bãi biển này là địa điểm rất thích tới đây để tổ chức các hoạt động tập thể, vui chơi như teambulding, galadiner, cắm trại, đốt lửa trại…
Bãi biển Quan Lạn nằm ngay trung tâm đảo Quan Lạn là bãi biển đông vui và tấp nập nhất trên đảo Quan Lạn. Sóng biển ở bãi biển này cũng lớn và mạnh hơn so với các bãi còn lại là bãi Minh Châu, Sơn Hào và Robinson. Tuy đông vui nhộn nhịp nhưng bạn vẫn sẽ cảm nhận được sự bình yên và hoang sơ của bãi biển này.
Bãi biển Sơn Hào nằm giữa bãi Quan Lạn và bãi Minh Châu. Đây là bãi tắm đẹp hoàn toàn tự nhiên với bãi cát trắng mịn dài khoảng 3 km, nước biển trong xanh nhìn thấy đáy, cảnh quan thơ mộng, hữu tình. Lãng mạn và yên bình là cảm giác của không ít du khách khi đến tham quan, tắm biển ở bãi Sơn Hào. Sơn Hào thu hút du khách bởi cảnh quan độc đáo của thảm thực vật phong phú, những hàng phi lao thơ mộng bên bờ biển. Một trải nghiệm thú vị nhất ở đây là dạo mát trên bãi cát trắng dài, thưởng thức không khí trong lành mỗi sớm hoặc ngồi trong rừng thông ngắm bình minh lên, hoàng hôn xuống biển.
Du khách ưa khám phá có thể tìm tới bãi đá tròn, ngắm bàn chân Tiên ở ghềnh đá cạnh bãi tắm, nghe truyền thuyết từ những ngư dân trên đảo.
Sau khi đã thỏa sức dạo chơi trên bờ cát trắng, nô đùa cùng những con sóng và làn nước trong xanh mát lạnh, buổi tối tại bãi biển Sơn Hào các bạn có thể tổ chức một bữa tiệc nướng ngay trên bãi biển thưởng thức những món hải sản tươi ngon nhất và ngắm trọn vẹn cảnh biển về đêm.
Bãi biển Minh Châu trải dài uốn lượn, ôm ấp bờ cát. Những con sóng biển lúc dịu dàng khi dữ dội không ngừng xô vào bờ cát dài trắng mịn như nhung. Bãi cát không sâu mà thoải dần, đứng trên bãi cát phóng tầm mắt ra xa sẽ thấy được cảnh mênh mông, hùng vĩ của đại dương, thấy những đảo đá lô nhô theo những con sóng. Tại bãi Minh Châu khách du lịch không chỉ được tắm biển mà còn được ngắm vẻ đẹp hoang sơ của tạo hóa với rừng và biển - một khung cảnh sơn thủy hữu tình.
Minh Châu còn có một hệ thực vật quý đó là rừng trâm. Trâm là một loại gỗ tốt chỉ đứng sau gỗ lim, gụ, chắc, sến… nhưng trên đảo không có người dân nào chặt gỗ trâm về để sử dụng cả. Rừng trâm ở đây xanh ngút ngàn, đẹp vô cùng và chẳng khác gì một bức tường lớn che chắn và bảo vệ cho đảo cũng như người dân trên đảo. Theo các chuyên gia, đây là rừng trâm lớn nhất Việt Nam với hơn 90% cây thuần chủng.
Bãi có tên gọi ban đầu là Bể Thính, bãi có chiều dài khoảng 3 km khá giống bãi Sơn Hào, ở cuối bãi có nhà nghỉ Robinson nên bãi này mọi người thường gọi tên là bãi Robinson. Robinson là bãi tắm có cảnh quan đẹp nhất đảo Quan Lạn với rừng thông và bãi đá rất thích hợp để đi dạo ngắm cảnh và chụp ảnh check - in. Đặc biệt, đây cũng là một nơi lý tưởng để các bạn có thể cắm trại qua đêm trên đảo.
Tuy không bao la, rộng lớn như những cồn cát nổi tiếng ở miền Trung (Bàu Trắng, Quang Phú…) nhưng cồn cát ở Quan Lạn lại vô cùng xinh đẹp, lãng mạn và thơ mộng khi có một dòng sông nho nhỏ chảy qua hai bên bờ cát trắng phau được điểm xuyết bằng những bụi cỏ nhỏ xinh. Đây thực sự là một điểm đến không thể bỏ qua khi đi du lịch Quan Lạn, là nơi sẽ giúp bạn có được một bộ ảnh đẹp và độc đáo, còn có rất nhiều cặp đôi đã chọn đây là nơi để chụp ảnh cưới nữa đấy nhé. Địa điểm thơ mộng nằm ngay trên đường đi từ Quan Lạn sang Minh Châu.
Ở trên đảo Quan Lạn có cả một hệ thống đình, chùa, nghè và miếu phong phú. Đình Quan Lạn không chỉ là một ngôi đình đẹp mà còn là một ngôi đình thiêng liêng trong tâm thức người dân đảo. Đình Quan Lạn được xây dựng ở thương cảng cổ Cái Làng dưới thời Hậu Lê vào khoảng thế kỉ thứ 17. Dưới thời Nguyễn, ngôi đình được di chuyển về xây dựng lại tại thôn Đoài như hiện nay.
Đây là ngôi đình duy nhất thờ vua Lý Anh Tông - người đã có công lập ra thương cảng Vân Đồn năm 1149. Đình Quan Lạn không chỉ thờ vua Lý Anh Tông mà còn thờ tướng Trần Khánh Dư người có công trấn ải Vân Đồn, lập công lớn trong trận đánh thuyền lương giặc Nguyên - Mông.
Đây là ngôi đình cổ đẹp được dựng công phu bằng gỗ mần lái - loại gỗ chỉ mọc trên các núi đá, áng đá cheo leo, hiểm trở trên các đảo ngoài biển khơi, được chạm khắc tỉ mỉ công phu, đường nét tinh tế và trau chuốt. Trải qua mấy trăm năm nhưng những cây cột gỗ mầm lái vẫn còn nguyên vẹn không hề bị mối mọt.
Đình Quan Lạn không chỉ có giá trị về quy mô kiến trúc, giá trị lịch sử mà còn là trung tâm tín ngưỡng, văn hóa của cư dân trên đảo suốt nhiều thế kỉ nay. Ngôi đình mang trong mình nhiều điều đặc biệt mà mỗi ngư dân trên đảo đều rất tự hào. Hiện tại đình còn giữ 18 đạo sắc phong của các đời vua Nguyễn, ghi rõ công đức của các bậc tiên liệt.
Chùa Quan Lạn nằm ngay cạnh đình Quan Lạn được xây dựng từ thời nhà Nguyễn, tên chữ là Linh Quang tự. Chùa có kiến trúc giản dị ba gian, phía ngoài cùng là tam quan, sau đến bái đường, cuối cùng là hậu cung. Mái lợp ngói mũi hài.
Chùa Quan Lạn thờ Phật, mẫu Liễu Hạnh và cụ Hậu. Cụ Hậu là một bà cụ chăm chỉ làm việc tích cóp cả đời được một số tiền, trước khi mất cụ đã công đức toàn bộ tài sản của mình còn lại cho nhà chùa. Vì vậy mà người dân trong vùng đã tôn cụ làm Hậu Phật và dân làng cũng đã tạc tượng cụ để thờ cúng trong chùa.
Nghè thờ nhân huệ vương Trần Khánh Dư toạ lạc ở thôn Thái Hoà, xã Quan Lạn, huyện Vân Đồn, nằm trong Cụm di tích lịch sử văn hóa đình, chùa, miếu, nghè Quan Lạn. Dù đã được tu sửa khá nhiều nhưng Nghè Trần Khánh Dư vẫn còn giữ lại được những nét cổ rất riêng. Cùng với đình Quan Lạn thì nghè Quan Lạn cũng là nơi thờ tướng Trần Khánh Dư. Nghè và đình Quan Lạn có mối quan hệ vô cùng gắn bó và mật thiết với nhau. Hàng năm người dân Quan Lạn vẫn tổ chức lễ rước kiệu Trần Khánh Dư từ đình về nghè để thờ.
Ở gần chùa Quan Lạn và đình Quan Lạn còn có một ngôi đền thờ 3 anh em người địa phương là Phạm Công Chính, Phạm Quý Công và Phạm Thuần Dụng. Năm 1288, cả 3 anh em đã lãnh đạo dân binh tham gia vào đội quân nhà Trần do tướng Trần Khánh Dư chỉ huy đón đánh đoàn thuyền lương của tường nhà Nguyên Trương Văn Hổ. Ba ông đã hi sinh ngay trên vùng biển Quan Lạn. Xác của ba ông đã trôi dạt vào bờ ở ba nơi, tại những địa điểm này người dân cũng đã lập những miếu thờ riêng mỗi ông là Miếu Sao Ỏn, miếu Đồng Hồ và miếu Đức Ông. Du khách đến du lịch đảo Quan Lạn thường chỉ có cơ hội ghé thăm đền thờ ba tướng họ Phạm ở ngay trung tâm đảo mà ít khi ghé thăm 3 miếu này.
Đi xa hơn về phía nam đảo, băng qua những con đường mòn xuyên núi, các bạn sẽ đến được với Eo gió Gót Beo - một đỉnh núi hướng thẳng ra biển với vẻ đẹp hùng vĩ. Tới đây bạn sẽ không thể không ngỡ ngàng trước vẻ đẹp của trời và đất bao la rộng lớn. Khung cảnh ở đây là sự kết hợp hài hòa giữa vách núi sừng sững, biển xanh trong vắt và những con sóng xô mạnh vào chân núi và những bãi đá rải rác ngày đêm nằm trong sóng biển. Nơi đây thật sự còn giữ nguyên vẻ bình yên của mây trời biển biếc, dường như chúng ta càng trở lên thật bé nhỏ giữa thiên nhiên.
Bãi Gót là bãi cát nhỏ, nhiều đá nằm tận cùng phía Nam đảo Quan Lạn. Ở đây tập trung gần hết xưởng chế biến sứa của đảo (khoảng 5 cái). Vào mùa đánh bắt sứa các xưởng này mới hoạt động (từ Mùng 4 Tết Nguyên đán đến hết tháng 3 âm lịch). Chủ xưởng tập trung nhân lực từ khắp các tỉnh bạn về đây chế biến sứa: rửa sạch, ngâm ủ, phân loại, đóng thùng xuất đi. Hết mùa, xuất xong hàng là đóng cửa xưởng nghỉ chờ mùa sứa năm sau.
Đến mùa du lịch, khách tới thăm chỉ thấy khu xưởng trống không, vắng ngắt. Có vài con chó như chó hoang ùa ra sủa ông ổng, làm ồn ào cả một góc biển. Bãi cát nơi đây ngắn, phía dưới lắm đá nhọn, rêu trơn, hào bám nhiều. Nếu lội xuống phải cẩn thận vì dễ bị vỏ hàu cứa đứt chân.
Theo dân gian truyền lại, sau trận chiến chống quân Nguyên năm 1288 Phó tướng của Nhân Huệ Vương Trần Khánh Dư đã hy sinh, xác ông trôi dạt vào đây. Nhân dân đưa lên chôn cất và lập miếu thờ. Bà con cũng truyền rằng ông là cháu trai của Hưng Đạo Vương. Miếu rất linh thiêng, ngư dân trong vùng thường tới cầu cúng. Qua thời gian, miếu được gọi với nhiều tên khác nhau: Miếu Ông Phỗng, Miếu Ông Hoàng, Đền Trấn Hải…
Người dân trên đảo và du khách đã đóng góp để xây dựng một ngôi đền thờ khang trang cạnh miếu gọi là Đền Cậu Cửa Đông. Ngày cúng đền là 18 tháng 6 âm lịch hàng năm. Hiện nay đã có đường bê tông tới tận đền. Cùng với Đền Quan Lạn, Nghè Trần Khánh Dư, Đình và Chùa Quan Lạn, đây cũng là một điểm du khách nên tới chiêm ngưỡng để hiểu thêm về chiến tích trận Bạch Đằng năm xưa nơi cha ông ta đã chiến thắng quân Nguyên hung tàn.
Tại Quan Lạn du khách không chỉ được tham quan phong cảnh hay tắm biển mà còn được tham gia vào những hoạt động thú vị trên biển.
Trên bãi biển cát trắng, nắng vàng, nước biển xanh ngắt một màu, hoạt động team building của các bạn sẽ trở nên thú vị và hấp dẫn hơn bao giờ hết, khiến mọi người cảm thấy gần gũi nhau hơn.
Một hoạt động khác đó là thử sức tham gia vào các công việc của người dân trên đảo. Đó có thể là một buổi trồng cây tại những mảnh ruộng hiếm hoi tại đây. Hoạt động này là một sản phẩm du lịch mới trong chương trình khám phá biển đảo cùng ngư dân mới được khai thác trong vài năm trở lại đây. Tham gia vào chương trình trải nghiệm này các bạn như được trở thành một người nông dân thực thụ khi trực tiếp được bà con địa phương hướng dẫn kỹ thuật trồng, chăm sóc và thu hoạch các loại hoa màu và rau sạch trên đảo. Điều đặc biệt khiến bạn sẽ cảm thấy vô cùng thích thú là được thưởng thức những sản phẩm do chính tay mình thu hoạch. Đây sẽ là những kỷ niệm đáng nhớ trong chuyến tour du lịch Quan Lạn của bạn.
Đến Quan Lạn bạn không chỉ được làm nông dân mà còn được thử sức mình với việc đào sá sùng, cào ngao, bắt ốc… khám phá cuộc sống lao động thường nhật của người dân trên đảo. Lần đầu tiên đến Quan Lạn và tham gia trải nghiệm một ngày là ngư dân trên đảo sẽ để lại cho bạn những ấn tượng đáng nhớ.
Một trong những hoạt động được du khách yêu thích nhất khi khám phá Quan Lạn đó chính là những chuyến câu đêm. Tham gia vào hoạt động này, bạn sẽ được trở đến dòng sông Măng, tàu của những người ngư dân dã thắp đèn chờ sẵn đón du khách lên tàu. Hướng dẫn viên sẽ cung cấp những dụng cụ cần thiết và hướng dẫn các bạn cách câu, vợt được cá. Sau đó tàu chạy ra giữa dòng sông Măng và thả trôi trên sông để du khách trải nghiệm các hoạt động soi, vớt cá, mực, ghẹ. Mỗi hoạt động đều đem đến cho du khách những trải nghiệm mới. Điều đặc biệt, thành quả mà bạn thu về được sau mỗi chuyến đi đánh bắt, bạn sẽ được mang về.
Đến Quan Lạn thì tất nhiên là phải ăn hải sản rồi. Các loại hải sản ở Quảng Ninh nói chung và Quan Lạn nói riêng luôn nổi tiếng về độ tươi ngon, đậm đà hương vị biển cả.
Ở trên đảo Quan Lạn có một loại hải sản được mệnh danh là món quà quý mà biển cả đã ban tặng cho vùng đất này, đó là sá sùng. Đây là một loài động vật thân mềm, có hình dạng giống con giun đất. Tuy hình dạng không được đẹp mắt cho lắm nhưng xét về độ ngon và bổ dưỡng thì nó được xếp trên cả so với các loài hải sản khác. Sá sùng có thể được sử dụng tươi hoặc phơi khô để sử dụng dần. Sá sùng khô rất ngọt, dai dai, thơm thơm, càng nhai lâu lại càng thấy ngọt. Người ta còn sử dụng sá sùng khô để nấu nước dùng phở, chỉ với một vài con sá sùng là đã có được một nước dùng “ngọt lịm tim” rồi. Đấy là ở Hà Nội chứ người dân trên đảo chế biến sá sùng rất đơn giản, ngoài phơi khô, sá sùng tươi còn được chế biến thành các món ăn khác như canh sá sùng, cháo sá sùng, sá sùng xào…Tuy những món ăn này có cách chế biến khá đơn giản chẳng cầu kỳ, phức tạp nhưng lại giữ được trọn vẹn sự tươi ngon và ngọt của loại hải sản quý hiếm này. Đến Quan Lạn bạn đừng bỏ qua cơ hội được thưởng thức món ăn đặc sản này nhé.
Tham khảo thêm: Sá sùng biển Quan Lạn – món ăn đắt như vàng có gì đặc biệt???
Sứa biển cùng là một loại hải sản có rất nhiều ở Quan Lạn. Sứa trên đảo có vị thanh, giòn, mát lịm thường được người dân đại phương chế biến thành món nộm sứa thanh thanh, chua chua, ngọt ngọt hấp dẫn và dễ ăn vô cùng. Miếng sứa trắng trong, giòn tan ăn kèm với 1 ít rau củ ngọt mát thêm một chút lạc rang thơm bùi và rưới lên một chút nước mắm chua ngọt tất cả các nguyên liệu hòa quyện vào với nhau tạo nên 1 món ăn ngon khó tả. Trưa hè nóng bức mà có một đĩa nộm sứa, vừa ăn vừa ngắm biển thì đúng là không còn gì sánh bằng.
Nhum biển là một loại hải sản mà bạn thường bắt gặp nhiều khi đi du lịch ở các vùng biển miền Trung và miền Nam và khá hiếm thấy ở biển miền Bắc. Tuy nhiên, bạn có thể thấy cũng như thưởng thức loại hải sản này ở Quan Lạn. Người dân trên đảo thường gọi nhum biển là cầu gai. Cầu gai sau khi được người dân bắt lên sẽ được làm sạch, lấy phần thịt màu vàng bên trong. Tại đây, thịt cầu gai có thể được ăn sống, ngâm với rượu hoặc chế biến thành các món ăn khác như nướng, nấu canh hay nấu cháo... đều rất ngon và vô cùng bổ dưỡng.
Ngoài những loại hải trên thì du lịch Quan Lạn còn có rất nhiều các loại hải sản phổ biến khác như tôm, cua, ghẹ, cá, mực, sò, ốc… để bạn có thể thưởng thức khi đến đây.
Tại Quan Lạn, thì cũng chưa có quá nhiều hàng quán để các bạn có thể lựa chọn. Để thuận tiện, các bạn có thể đặt bữa ngay tại khách sạn, homestay mà bạn sẽ ở lại. Ngoài ra, các bạn cũng có thể ăn tại các quán ăn bình dân ven biển hoặc một số nhà hàng khác chủ yếu tập trung ở trung tâm đảo và xã Minh Châu như: Cơm - Lẩu Hải Yến, Nhà bè Vân Thương, Nhà Hàng Ra Khơi, Nhà hàng Cát Trắng, Nhà Hàng Liêm Thuỷ…
Nếu muốn tự thân vận động thì các bạn có thể tự đi chợ mua đồ về và xin phép sử dụng nhà bếp để tự nấu ăn. Ngoài ra, đồ ăn sáng ở trên đảo không quá phong phú, các bạn nên mang theo bánh mì, mỳ tôm… từ đất liền theo để ăn sáng nhé.
Tham khảo thêm: Chợ Quan Lạn - khu chợ bình dị như những người dân trên đất đảo
Ở trên đảo Quan Lạn, ngoài hải sản ra thì cũng không có gì có thể mua về làm quà được đâu. Bạn có thể mua hải sản tươi hoặc khô về để làm quà cho gia đình bạn bè. Với hải sản tươi thì các bạn có thể đi chợ cá họp vào buổi sáng sớm (3 - 7h sáng) để mua được những loại hải sản tươi ngon nhất. Về hải sản khô thì các bạn có thể mua cá khô, cá một nắng, mực khô và đặc biệt là sá sùng khô về làm quà, các bạn có thể mua các loại hải sản khô ở trên đảo hoặc ở ngay tại bến cảng Cái Rồng cũng có rất nhiều cửa hàng bán hải sản khô với giá cả phải chăng (nhưng hãy nhớ là vẫn phải trả giá một chút nhé).
À, ở trên đảo có rất nhiều quả dứa dại, loại quả này có thể dùng để ngâm rượu rất ngon, nếu muốn thì các bạn có thể hỏi mua của người dân trên đảo nhé.
Ngoài ra, trên đường trở về, xe khách sẽ dừng lại ở một số điểm dừng nghỉ có bản những loại đặc sản ở Quảng Ninh như chả mực, nước mắm, hải sản khô, bánh kẹo các loại… Các bạn có thể mua những sản phẩm này về làm quà cho bạn bè và người thân.
Trên đây là những kinh nghiệm hữu ích khi đi du lịch Quan Lạn mà Cattour đã tìm hiểu và tổng hợp lại cho các bạn. Rất mong rằng bài viết này đã mang đến cho các bạn những thông tin hữu ích và sẽ giúp bạn có một chuyến du lịch tốt đẹp tại hòn đảo Quan Lạn xinh đẹp.
Và đừng quên tham khảo các chương trình tour Quan Lạn 3 ngày 2 đêm với lịch trình tối ưu và mức giá hấp dẫn nhất nhé!
Xem thêm:
Tổng hợp một vài tips hữu ích khi du lịch Quan Lạn Minh ChâuĐiểm danh những điểm đến hấp dẫn khi đi du lịch Quan Lạn 3 ngày 2 đêm
Đoàn Thư / Cattour.vn - Ảnh: Internet
Xem thêm: Quan Lạn
Bạn đang lên kế hoạch cho một chuyến du lịch Quan Lạn vào mùa hè sắp tới nhưng chưa biết phải bắt đầu từ đâu. Vậy thì hãy đọc ngay bài viết này để biết được những kinh nghiệm du lịch Quan Lạn mới nhất mà Cattour đã tìm hiểu và tổng hợp được nhé!du lịch Quan Lạn
Bạn không còn hào hứng với những chuyến du lịch đông đúc, ngủ khách sạn, ăn nhà hàng, tham quan những gì nhân tạo. Vậy thì hãy đến hòn đảo Quan Lạn hoang sơ để trải nghiệm một chuyến du lịch hoàn toàn mới lạ.
Bạn đang có dự định đi du lịch Quan Lạn nhưng chưa biết thời tiết ở Quan Lạn như thế nào. Vậy thì hãy đọc ngay bài viết này để biết về thời tiết ở Quan Lạn, nên đi Quan Lạn vào thời gian nào.
Sá sùng biển là một loại hải sản nhất định phải thử khi đến Quan Lạn, tuy nhiên giá của loại hải sản này thì không hề rẻ một chút nào, có thể gần bằng giá của một chỉ vàng. Loại hải sản này có gì đặc biệt mà lại đắt như vậy. Hãy cùng Cattour.vn tìm hiểu đặc sản sá sùng của Quan Lạn nhé!
Sau một tuần làm việc căng thẳng, cuối tuần này bạn hãy refresh lại bản thân bằng cách xách balo lên và đi đến một nơi thật thanh bình để nghỉ dưỡng, lấy lại tinh thần nhé. Quan Lạn sẽ là một địa điểm tuyệt vời cho việc nghỉ ngơi, xả hơi cuối tuần đấy.
Ở Quan Lạn nếu bạn muốn mua được hải sản tươi ngon nhất, thì hãy chịu khó dậy sớm một chút và đi đến Chợ Quan Lạn nhé, bạn sẽ mua được những loại hải sản còn tươi sống với giá gốc luôn đây. Cùng Cattour.vn khám phá khu chợ này ở Quan Lạn nhé.