Hội An – điểm đến khiến bao du khách “thầm thương trộm nhớ” với vẻ đẹp cổ kính và bình yên. Nếu bạn chưa có cơ hội ghé thăm Hội An mà cũng đã lỡ “trót thương” mảnh đất đất này, vậy thì hãy đọc ngay bài viết này của Cattour để biết được các kinh nghiệm du lịch Hội An và lên kế hoạch đến địa điểm xinh đẹp này ngay thôi nào!
Hội An là một thành phố trực thuộc tỉnh Quảng Nam, miền Trung, Việt Nam. Thành phố này nằm cách thành phố Đà Nẵng khoảng 30 km về phía Nam.
Đây cũng là tên của một khu phố cổ nằm ở khu vực hạ lưu sông Thu Bồn của thành phố Hội An. Phố cổ Hội An từng là một thương cảng quốc tế sầm uất, nơi gặp gỡ của những thuyền buôn các nước Nhật Bản, Trung Quốc và phương Tây trong suốt thế kỷ 17 và 18. Nơi này đã từng là nơi giao thoa giữa nền văn hóa phương Đông và phương Tây, là sự kết hợp những tinh hoa của các nước Việt, Trung, Nhật, châu Âu về ẩm thực, kiến trúc và văn hóa.
Dù trải qua biết bao thăng trầm, Hội An vẫn luôn giữ được cho mình những công trình kiến trúc có từ hàng trăm năm trước, những nét đẹp văn hóa vốn cố. Nơi đây đã được UNESCO công nhận là di sản văn hóa thế giới từ năm 1999.
Hiện nay, khu phố cổ Hội An nằm trọn trong phường Minh An có diện tích khoảng 2 km² với những con đường ngắn và hẹp, có đoạn uốn lượn, chạy dọc ngang theo kiểu bàn cờ. Không biết tự bao giờ mà phố cổ Hội An đã trở thành một trong những địa điểm du lịch hấp dẫn và được khách du lịch yêu thích nhất tại Việt Nam. Không chỉ có du khách Việt mà còn có rất nhiều du khách nước ngoài tìm đến để tham quan, khám phá và tìm hiểu mảnh đất cổ kính, trữ tình này.
Tham khảo thêm:
Cũng như các khu vực khác thuộc tỉnh Quảng Nam và các tỉnh, thành lân cận, Hội An có phía Bắc được ngăn bởi dải Hoành Sơn, phía Tây được che bởi dãy núi Bắc tỉnh Kon Tum nên nằm trong vùng khí hậu nhiệt đới ẩm gió mùa vùng Nam Hải Vân. Khí hậu Hội An mang tính chất khí hậu duyên hải miền Trung, nắng nhiều, có nền nhiệt độ cao, nóng ẩm, mưa nhiều theo mùa và ít chịu ảnh hưởng của gió mùa đông.
Hội An không có mùa đông lạnh mà chỉ có hai mùa mưa và mùa khô. Trong đó, mùa khô thường từ khoảng tháng 2 đến tháng 8 hàng năm, còn mùa mưa kéo dài từ tháng 9 đến tháng 1 năm sau.
Nhiệt độ không khí ở Hội An phụ thuộc nhiều vào khí hậu nhiệt đới gió mùa (gió mùa đông bắc, gió mùa tây nam, gió mùa đông nam) và chế độ mưa. Nhiệt độ trung bình năm là 25,6 độ C; nhiệt độ cao nhất là 39,8 độ C và nhiệt độ thấp nhất là 22,8 độ C.
Về lượng mưa bão, tổng lượng mưa bình quân ở Hội An là khoảng 2500 mm/ năm, lượng mưa cao nhất vào tháng 10, 11 (550 - 1.000 mm/ tháng), thấp nhất vào các tháng 2, 3, 4 (23 - 40 mm/ tháng). Bão ở Hội An thường xảy ra vào các tháng 9, 10, 11 hàng năm; các cơn bão thường kéo theo các trận mưa lớn gây lũ lụt cho khu vực.
Thời gian từ tháng 2 đến tháng 8 hàng năm là mùa khô ở Hội An. Vào mùa khô thời tiết Hội An nắng nhiều, không mưa. Đây chính là thời gian vô cùng lý tưởng để khám phá Hội An một cách trọn vẹn nhất.
Trong đó, khoảng thời gian từ tháng 2 cho đến tháng 4 là lúc thời tiết ở Hội An vô cùng dễ chịu với không khí se se lạnh do ảnh hưởng của gió mùa từ miền Bắc tràn vào. Đặc biệt, đây cũng là thời gian trùng với Tết Nguyên Đán, đến Hội An vào lúc này, bạn sẽ được khám phá thêm những trải nghiệm mới mẻ và thú vị về văn hóa Tết của Hội An.
Từ tháng 5 đến tháng 8 là thời gian nắng nóng nhất ở Hội An. Hội An không chì có phố cổ, đây còn là một thành phố biển với những bãi biển xinh đẹp. Mùa hè là thời điểm thích hợp để đến với những bãi biển trong xanh, mát lạnh ở đây. Các bãi biển như An Bàng, Cửa Đại, Hà My và đặc biệt là Cù Lao Chàm là những địa điểm thu hút khách du lịch nhất ở Hội An trong những ngày hè oi ả.
Nếu muốn dạo chơi và khám phá phố cổ Hội An trong thời gian này bạn nên đi vào sáng sớm, chiều muộn và vào buổi tối tránh đi vào giữa trưa – thời gian nắng gắt nhất ở Hội An.
Mùa mưa ở Hội An thường kéo dài từ tháng 9 cho đến tháng 1 năm sau và mưa nhiều nhất vào tháng 10 và tháng 11. Vào mùa mưa không khí ở Hội An có phần ẩm ướt và lạnh hơn, riêng những ngày mưa lớn hơn thì cả khu phố cổ còn ngập chìm trong biển nước lũ.
Có lẽ bạn sẽ nghĩ rằng không nên đi du lịch vào mùa mưa vì trời mưa sẽ gây khó khăn và bất tiện cho việc tham quan khám phá các địa điểm du lịch ngoài trời. Nhưng suy nghĩ này có phần không đúng với Hội An. Có rất nhiều du khách đến Hội An vào mùa mưa và đã thấy rằng: “sẽ tuyệt hơn nếu khám phá phố cổ vào những ngày mưa lũ”. Đến với Hội An những ngày mưa lũ, bạn sẽ được chiêm ngưỡng một phố Hội luôn mới, lạ, sâu lắng và quyến rũ đến ngỡ ngàng.
Dù vào những ngày nước lũ dâng cao ngập ngang lòng phố, vẫn có rất nhiều du khách lại tìm đến Hội An như muốn chinh phục, khám phá một điều gì đó mới lạ hơn thì phải. Mưa nhưng trên phố cổ vẫn dập dìu người đi kẻ lại. Dường như những cơn mưa không thể nào cản nổi bước chân người du khách muốn khám phá phố cổ. Chút ẩm ướt và bất tiện mỗi khi mưa lũ đến cũng không thể làm phiền lòng người du khách.
Đến Hội An mùa mưa, bạn hãy thử tìm cho mình một quán cafe nhỏ xinh, gọi cho mình một tách trà ấm, nhâm nhi từng ngụm trà thơm ngát, lắng nghe điệu nhạc du dương và ngắm phố cổ trong làn mưa rơi phảng phất. Đó là chắc hẳn là những trải nghiệm du lịch Hội An ngày mưa mà bạn sẽ không bao giờ quên được trong hành trình "xê dịch" của mình.
Đi dạo bằng thuyền và tham quan Hội An trên dòng nước lũ đã trở thành thú vui của rất nhiều khách du lịch. Nhiều người thay vì đi Hội An ngày nắng, họ lại chọn đi Hội An trong những ngày mưa lũ để được ngắm nhìn phố cổ khoác lên mình một bộ quần áo mới.
Có thể thấy rằng, Hội An mùa nào cũng đều đẹp, mỗi mùa lại có một vẻ đẹp rất riêng, rất thú vị. Rất khó để để có câu trả lời chính xác cho câu hỏi “nên đi Hội An mùa nào?”. Với những thông tin mà Cattour đã cung cấp ở trên, bạn hãy chọn cho mình một thời điểm phù hợp để đi du lịch Hội An nhé. Và nếu có cơ hội thì bạn hãy đến Hội An vài lần vào những thời điểm khác nhau để có thể cảm nhận hết vẻ đẹp của Hội An vào những mùa khác nhau.
Khu phố cổ Hội An chỉ rộng khoảng 2 km², nếu chỉ muốn khám phá các địa điểm trong phố cổ thì khoảng thời gian 1 ngày hay 2 ngày 1 đêm là thích hợp nhất, khoảng thời gian này là vừa đủ để các bạn tham quan các điểm đến và thưởng thức các món ăn nổi tiếng ở đây.
Còn nếu muốn tham quan các các địa điểm khác như Cù Lao Chàm, các bãi biển, làng rau Trà Quế, làng Gốm Thanh Hà... thì các bạn sẽ cần nhiều thời gian hơn. Ngoài ra, Hội An và Đà Nẵng chỉ cách nhau 30 km nên bạn hoàn toàn có thể đi cả hai địa điểm này trong cùng một chuyến du lịch với khoảng thời gian 4 ngày 3 đêm hay 5 ngày 4 đêm...
Các bạn có thể đến Hội An bằng máy bay, xe khách hay các phương tiện cá nhân như xe máy, ô tô đều được.
Hiện nay, ở Hội An chưa có sân bay, để đến Hội An bằng máy bay các bạn có thể đến các sân bay gần Hội An như sân bay Đà Nẵng hoặc sân bay Chu Lai (Quảng Nam), rồi từ các sân bay này di chuyển đến Hội An.
Các sân bay nội địa có tuyến bay thẳng đến sân bay Đà Nẵng bao gồm: sân bay Nội Bài (Hà Nội), sân bay Tân Sơn Nhất (TP.Hồ Chí Minh), sân bay Vân Đồn (Quảng Ninh), sân bay Liên Khương (Đà Lạt), sân bay Cát Bi (Hải Phòng), sân bay Buôn Ma Thuột, sân bay Pleiku (Gia Lai), sân bay Vinh (Nghệ An), sân bay Thọ Xuân (Thanh Hoá), sân bay Phú Quốc, sân bay Trà Nóc (Cần Thơ), sân bay Cam Ranh (Nha Trang, Khánh Hòa).
Trong đó:
Cách di chuyển từ sân bay Đà Nẵng đến Hội An
Sân bay Đà Nẵng cách Hội An khoảng 30 km, đây là một quãng đường không quá xa và hiện nay thì có 4 cách phổ biến để bạn có thể đi từ Đà Nẵng đến Hội An là đi bằng xe máy (thuê), xe taxi, xe bus và xe du lịch.
Ở Đà Nẵng có rất nhiều chỗ cho thuê xe máy với mức giá từ 100.000 - 200.000 VNĐ/ xe/ ngày, có cả dịch vụ đưa xe máy đến tận nơi mà bạn muốn để giao xe. Vì vậy, nếu bạn đi ít người và muốn được thuận tiện, tự do khám phá Hội An thì bạn có thể thuê xe máy để đi từ sân bay Đà Nẵng đến Hội An.
Taxi là một phương tiện giao thông phổ biến ở Việt Nam và tất nhiên là ở Đà Nẵng cũng vậy. Các hãng taxi ở Đà Nẵng rất đa dạng và phong phú như: Airport, Mai Linh, VinaSun Green, Tiên Sa Đà Nẵng, Datranco, Sông Hàn, Hương Lúa… Giá taxi cho quãng đường từ Đà Nẵng đến Hội An là khoảng 300.000 - 400.000 VNĐ/ chiều và khoảng 450.000 - 550.000 VNĐ cho khứ hồi.
Xe bus là cách di chuyển tiết kiệm chi phí nhất để đi từ Đà Nẵng đến Hội An, giá vé xe bus cho quãng đường Đà Nẵng - Hội An là 20.000 VNĐ/ lượt. Từ Đà Nẵng, sử dụng xe bus của tuyến số 01 là bạn sẽ đến được Hội An. Mỗi ngày, xe sẽ hoạt động từ 5h30 đến 18h00 với tần suất khoảng 20 phút có một chuyến.
Nếu bạn đi đông người, thì thuê xe du lịch trọn gói từ Đà Nẵng đến Hội An là cách di chuyển tốt nhất vừa đơn giản, vừa tiết kiệm chi phí vừa thoải mái về thời gian.
Thông tin chi tiết: Hội An cách Đà Nẵng bao nhiêu km? Cách đi Hội An từ Đà Nẵng như thế nào?
Hiện nay chỉ có hai sân bay nội địa có tuyến bay thẳng đến sân bay Chu Lai là sân bay Nội Bài (Hà Nội) và sân bay Tân Sơn Nhất (TP Hồ Chí Minh).
Trong đó:
Cách di chuyển từ sân bay Chu Lai đến Hội An
Sân bay quốc tế Chu Lai là sân bay nằm ở xã Tam Nghĩa, huyện Núi Thành, tỉnh Quảng Nam, sân bay này cách Hội An khoảng 80 km về phía tây bắc.
Để đi từ sân bay Chu Lai đến Hội An bạn có thể đi bằng taxi, xe bus, xe đưa đón sân bay hoặc xe du lịch.
Taxi là phương tiện thuận tiện, nhanh nhất nhưng cũng tốn nhiều chi phí nhất. Tại Chu Lai, bạn có thể lựa chọn một trong số các hãng taxi uy tín như Mai Linh, Vinasun, Airport, Faifoo, Tiên Sa...với mức giá rơi vào khoảng 12.000 - 16.000 VNĐ/ km.
Hiện có nhiều đơn vị, công ty cung cấp dịch vụ đưa đón từ sân bay Chu Lai về phố cổ Hội An với chi phí rẻ. Mức giá cho 1 người khoảng tầm 100.000 VNĐ/ lượt và có thể giảm hơn nữa nếu đi nhóm đông người. Bạn nên khảo sát giá trước của nhiều công ty trước khi đặt xe.
Hiện nay chưa có xe bus đi thẳng từ sân bay Chu Lai đến phố cổ Hội An nhưng nếu có sức khỏe tốt, hành lý không nặng và cồng kềnh thì bạn có thể đi xe bus trung chuyển từ sân bay Chu Lai về thành phố Tam Kỳ rồi bắt xe bus hoặc xe khách về Hội An.
Ngoài ra, cùng như từ Đà Nẵng đi Hội An, bạn có thể thuê xe du lịch để đi từ Chu Lai đến Hội An nếu đi đông người.
Xe khách là phương tiện di chuyển phổ biến nhất ở Việt Nam khi các bạn muốn di chuyển từ tỉnh, thành này sang tỉnh, thành khác. Và tất nhiên bạn hoàn toàn có thể đi xe khách từ nơi bạn đang sinh sống đến Hội An.
Từ Hà Nội, bạn có thể đi xe khách Camel Travel, Hey Travel, Trekking Travel, Queen Cafe Bus… để đến được Hội An.
Để đi Hội An từ Sài Gòn thì các bạn có thể lựa chọn các xe khách như The Sinh Tourist, Hạnh Cafe...
Tham khảo thêm:
Cũng giống như di chuyển bằng máy bay, bạn không thể đến thẳng Hội An bằng tàu hỏa mà cần đi tàu hỏa đến ga Đà Nẵng (thành phố Đà Nẵng) hoặc ga Tam Kỳ (thành phố Tam Kỳ) rồi từ đây mới di chuyển bằng các phương tiện khác đến Hội An.
Bạn có thể đến Đà Nẵng hoặc Tam Kỳ từ tất cả các tỉnh thành nằm trên tuyến đường sắt Bắc Nam và có ga tàu đón khách như Hà Nội, Ninh Bình, Thanh Hóa, Vinh, Đồng Hới, Huế, Quy Nhơn, Nha Trang, Phan Thiết, TP Hồ Chí Minh… Với các bạn ở các tỉnh từ Huế trở ra Bắc thì các bạn nên đến ga Đà Nẵng còn các bạn từ Quảng Ngãi trở vào Nam thì nên đến ga Tam Kỳ.
Về cách đi từ Đà Nẵng và Tam Kỳ đến Hội An thì các bạn tham khảo ở phần “Di chuyển đến Hội An bằng máy bay” nhé.
Nếu là một người yêu thích, đam mê đi phượt và có sức khỏe tốt thì các bạn hoàn toàn có thể tự đến Hội An bằng phương tiện cá nhân (ô tô, xe máy...) của mình.
Lưu ý: Các bạn nên đặt vé tàu, xe, vé máy bay sớm để mua được vé với mức giá phải chăng và tránh trường hợp không đặt được vé vì hết vé.
Không giống như các địa điểm du lịch khác ở Việt Nam, việc đi lại ở Hội An rất thuận tiện do khu vực phố cổ Hội An chỉ rộng khoảng 2 km vuông thôi. Các bạn có thể dễ dàng di chuyển quanh phố cổ Hội An bằng cách đi bộ, đi xe đạp hoặc đặc biệt hơn là bằng xích lô.
Ngoài ra nếu muốn đi đến các điểm khác ngoài khu vực phố cổ như bãi biển An Bàng, bãi biển Cửa Đại, vườn rau Trà Quế, làng gốm Thanh Hà... thì các bạn có thể đi bằng taxi hoặc thuê xe máy…
Để tham quan rừng dừa Bảy Mẫu và đến Cù Lao Chàm thì bạn sẽ phải đi bằng tàu, thuyền hoặc cano.
Thông tin chi tiết: Đi lại ở Hội An – những phương tiện tham quan phố cổ thuận tiện nhất
Các loại hình lưu trú ở Hội An vô cùng phong phú và đa dạng từ những nhà nghỉ, homestay giá rẻ đến các khách sạn tầm trung hay các villa, resort cao cấp. Bạn muốn tìm loại phòng nào cũng có với mức giá dao động từ vài trăm nghìn cho đến vài triệu/ phòng/ đêm.
Về khu vực lưu trú, thì các bạn có thể chọn ở khu vực trong phố cổ, gần phố cổ hoặc gần các bãi biển An Bàng hay Cửa Đại tùy vào sở thích và nhu cầu của các bạn.
Một số homestay ở Hội An: An Thịnh & Peaceful Homestay, Game Homestay, Cosy House Homestay, Phúc An Homestay, Tribee Bana Hostel, Tea Garden Homestay, Quynh Nhan Homestay, Hoa Mẫu Đơn Homestay, Light Sky Homestay, The Corner Homestay, D Central Homestay Hoi An, Moon's Homestay...
Một số villa ở Hội An: Hoi an Garden Villas, Villa Of Tranquility Hoi An, ZEN Boutique Villa Hoi An, An Villa, K.A Villa Hoi An, Water Coconut Boutique Villas, Residence Villa Hội An, IVY Villa, Hoi An Hideaway Villa…
Một số khách sạn tầm trung ở Hội An: Hội An Riverside, River Suites Hoi An Hotel, Khách sạn Maison Vy, Khách sạn Lasenta Boutique Hội An, Hoi An Rose Garden Hotel...
Một số khách sạn, resort cao cấp ở Hội An: Khách sạn Royal Hội An, Sunrise Premium Resort Hội An, Palm Garden Resort - Hoi An, Four Seasons Resort The Nam Hai Hoi An…
Lưu ý: giống như vé xe, vé tàu và vé máy bay, các bạn cũng nên tìm và đặt phòng trước chuyến du lịch ít nhất là từ 1 đến 2 tuần (thậm chí là cả tháng) để tránh trường hợp không đặt được phòng, nhất là trong mùa du lịch cao điểm và các dịp Lễ, Tết.
Khi chuẩn bị đồ đi du lịch thì vấn đề đầu tiên và quan trọng nhất tất nhiên là tiền và giấy tờ tùy thân (CMND, bằng lái xe…). Về tiền, thì bạn không cần mang quá nhiều tiền mặt theo người đâu mà nên để tiền trong thẻ ngân hàng để tránh trường hợp bị rơi, bị mất hết tiền, ở Hội An có rất nhiều cây ATM nên bạn không cần lo không có tiền tiêu đâu. CMND hay thẻ căn cước công dân (CCCD) là vô cùng quan trọng, đặc biệt là nếu bạn đi bằng máy bay, không có CMND (CCCD) thì bạn không được lên máy bay đâu và CMND cũng rất cần thiết khi bạn thuê phòng hay thuê xe. Còn bằng lái xe thì tất nhiên là cần thiết nếu bạn có ý định sử dụng xe máy làm phương tiện di chuyển khi ở Hội An rồi.
Thứ hai đó là về trang phục, vào mỗi mùa khác nhau ở Hội An thì các bạn nên chuẩn bị quần áo sao cho phù hợp với thời tiết từng mùa là được. Ví dụ như vào mùa khô, từ tháng 2 đến tháng 4 trời mát mẻ, có thể se se lạnh thì các bạn nên mang theo thêm áo khoác mỏng để dùng khi cần còn từ tháng 5 đến tháng 8, trời nắng nóng thì hãy mang theo những bộ trang phục thoải mái, thoáng mát, nếu đi biển thì nhớ mang thêm một vài bộ đồ bơi. Còn vào mùa mưa, ẩm ướt thì các bạn nên mang theo nhiều quần áo hơn một chút để có đủ quần áo mặc nếu chẳng may bị mưa ướt.
Ngoài các đồ dùng cơ bản như quần áo, giày dép, điện thoại, sạc điện thoại… thì các bạn nhớ phải mang theo kem chống nắng, kính râm, mũ, áo mưa, ô, các loại thuốc cơ bản (đau đầu, đau bụng, cảm, sốt, băng cá nhân…)... để sử dụng khi cần thiết nhé.
Hiện nay ở trong phố cổ Hội An có 21 địa điểm tham quan mất phí bao gồm:
Ngoài các điểm tham quan bên trên thì khi mua vé tham quan Hội An các bạn cũng được tham gia vào các hoạt động, trò chơi dân gian, biểu diễn đường phố tại Hội An hàng ngày từ 19h00 – 20h30.
Giá vé tham quan Hội An:
Các bạn có thể mua vé tham quan tại các điểm bán vé nằm rải rác xung quanh khu phố cổ.
Chú ý:
Đến Hội An nếu bạn chỉ đi dạo quanh khu vực phố cổ ngắm cảnh đường phố, chụp ảnh bên ngoài và khám phá ẩm thực tại Hội An thì hoàn toàn là không mất phí tham quan đâu. Ngoài 21 địa điểm tham quan mất phí ở trên thì ở Hội An còn rất nhiều điểm du lịch miễn phí khác mà bạn cũng nên tìm hiểu như chợ Hội An, Tam quan chùa Bà Mụ, chùa Pháp Bảo, ...
Chợ Hội An là một khu chợ nằm ở trung tâm của phố cổ Hội An, nằm bên cạnh con sông Thu Bồn, có 4 mặt tiền, thuộc phường Cẩm Châu, TP Hội An. Chợ Hội An là nơi bày bán những đồ gia dụng và cũng là khu chợ ẩm thực trong phố cổ. Vừa bước vào bên trong chợ là các gian hàng ẩm thực với rất nhiều món ăn đặc trưng của xứ Quảng như là cao lầu, mì Quảng, cơm gà, ram chiên, bánh vạc, chè… Đi sâu vào chợ Hội An là các quầy hàng bán các sản phẩm thông dụng cho cuộc sống hằng ngày cho người dân, rất quen thuộc với người Việt. Ban đầu chợ Hội An khá nhỏ, xây dựng vào năm 1848, chợ lúc đó chỉ là nơi mua bán hàng hóa địa phương, sau này nhờ vào sự phát triển của thương cảng quốc tế Hội An, chợ được mở rộng quy mô, hoạt động giao thương cũng sầm uất hơn. Hiện nay thì chợ chủ yếu phục vụ người dân và khách du lịch.
Tam quan chùa Bà Mụ (Cổng chùa Bà Mụ) là cổng chung của hai công trình kiến trúc tín ngưỡng nằm cạnh nhau là Cẩm Hà cung và Hải Bình cung, trong dân gian thường gọi là chùa bà Mụ và chùa Ông Chú. Hai công trình này được khởi dựng vào nửa đầu thế kỷ 17 tại một địa điểm khác, sau đó mới dời về vị trí hiện nay. Năm 1848, hai công trình được trùng tu lớn và được đánh giá là công trình kiến trúc đẹp nhất Quảng Nam. Trải qua quá trình lịch sử, do nhiều nguyên nhân hai công trình đã bị hủy hoại chỉ còn lại cổng này. Với kiến trúc độc đáo được tạo tác từ bàn tay tài hoa của người thợ địa phương cổng chùa Bà Mụ là một trong những di tích có giá trị kiến trúc nghệ thuật cao ở Hội An. Di tích này đã trở thành một địa điểm check - in hot nhất ở phố cổ.
Chỉ cách phố cổ Hội An khoảng 3 km, Trà Quế là một làng nghề trồng rau truyền thống, đã có từ lâu đời ở Hội An (khoảng 400 năm). Với vị trí địa lý thuận lợi, được bao bọc bởi sông Đế Võng và đầm Trà Quế, đất đai màu mỡ, khí hậu ôn hòa… cùng với quy trình canh tác sạch rau Trà Quế từ lâu đã nổi tiếng về độ tươi ngon và an toàn.
Hiện nay, Trà Quế không chỉ là một làng nghề nổi tiếng về trồng rau sạch chất lượng cao mà còn là điểm đến hấp dẫn đối với du khách trong và ngoài nước. Đến với vườn rau này bạn sẽ có được những trải nghiệm tuyệt vời như tự tay trồng và thu hoạch rau, củ, quả; tham quan các điểm di tích trong làng, đặc biệt là được thưởng thức những món ăn, đồ uống ngon từ các loại rau củ sạch tươi ngon được trồng trên mảnh đất này.
Giá vé tham quan: 35.000 VNĐ/ người
Rừng dừa Bảy Mẫu thuộc thôn 2 và 3, xã Cẩm Thanh, cách phố cổ Hội An khoảng 5 km. Khu rừng trước đây chỉ rộng khoảng 7 mẫu nên được người dân đặt cho tên gọi “rừng dừa Bảy Mẫu”. Qua thời gian, nó phát triển trở thành khu rừng rộng khoảng vài chục hecta. Khu rừng này còn gắn với sự kiện lịch sử và quá trình kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ của bà con nơi đây. Với giá trị lịch sử đó cộng với vẻ đẹp thiên nhiên nơi đây, rừng được đưa vào khai thác du lịch và nhanh chóng trở thành một điểm đến lý thú cho khách thăm quan.
Phương tiện di chuyển đặc biệt ở đây là thuyền thúng, ngồi trên thuyền đi tham quan rừng dừa khách sẽ được chiêm ngưỡng cả một khu rừng bạt ngàn chỉ có dừa là dừa, hàng trăm héc-ta dừa nước mọc trên vùng nước lợ nên vô cùng xanh tốt, bạn sẽ bị choáng ngợp trước một khoảng xanh rộng lớn.
Nằm cách trung tâm Hội An 3,5 km, làng gốm Thanh Hà dần trở thành một địa điểm tham quan thú vị và hấp dẫn du khách. Nếu ai muốn được trở về tuổi thơ ở một vùng quê thì đây là một địa điểm nên đến. Đến đây bạn sẽ được nhìn ngắm những con tò he bằng đất hay chuồn chuồn bằng tre và đặc biệt là được học và tự tay làm những sản phẩm bằng gốm dưới sự hướng dẫn nhiệt tình của các nghệ nhân. Nếu muốn mua làm quà tặng thì ở đây có rất nhiều món đồ dễ thương và đa dạng.
Giá vé tham quan: 35.000 VNĐ/ người/ lượt
Công Viên đất nung Thanh Hà nằm bên cạnh Làng Gốm Thanh Hà cách trung tâm phố cổ Hội An khoảng 3km, đây vừa là một bảo tàng trưng bày các sản phẩm gốm, vừa là một địa điểm check - in đẹp để du khách có thể tham quan, khám phá và chụp ảnh. Điều hấp dẫn du khách nhất khi đến đây có lẽ là những tác phẩm gốm thu nhỏ mô phỏng các kỳ quan thế giới cùng nhiều danh lam thắng cảnh nổi tiếng của Việt Nam. Tất cả đều được tạo ra từ đất nung và đôi tay tài hoa của những nghệ nhân trong làng.
Giá vé tham quan: 40.000 VNĐ/ người lớn; 20.000 VNĐ/ trẻ em.
Làng lụa Hội An tọa lạc tại địa chỉ số 28 Nguyễn Tất Thành (Hội An, Quảng Nam). Đây là nơi tái hiện không gian nuôi tằm, dệt lụa của người Chăm xưa ở Hội An. Trong không gian làng quê thanh bình, Làng Lụa Hội An như một bảo tàng về các giống dâu, tằm, các máy dệt thủ công của Champa và người Việt xưa, các hiện vật của nghề ươm tơ, dệt lụa. Với lối kiến trúc cổ kính mang đến cho du khách một cảm giác như đang lạc vào một làng nghề xưa với những ngôi nhà xưa cổ của người dân xứ Hội.
Làng Kim Bồng thuộc xã Cẩm Kim thành phố Hội An, tỉnh Quảng Nam là nơi hình thành nghề thủ công nổi tiếng mang tên nghề mộc Kim Bồng, nằm ở hữu ngạn hạ lưu sông Thu Bồn chảy qua Hội An trước khi đổ ra biển.
Nghệ nhân làng mộc Kim Bồng từng tự hào với việc cha ông họ đã được vua chúa nhà Nguyễn mời ra kinh đô xây dựng và tôn tạo các công trình thành quách, lăng tẩm. Ngày nay, khi đến tham quan làng nghề này, du khách được tận mắt chiêm ngưỡng các khâu chế tác ra nhiều sản phẩm mỹ nghệ gỗ rất tinh xảo.
Vinpearl Land Nam Hội An hứa hẹn sẽ mang đến cho quý du khách những trải nghiệm vô cùng mới mẻ. Hấp dẫn du khách ngay từ những phút giây đầu tiên chính là hình ảnh 12 con tàu khổng lồ đậu trên sông ngay cổng chào. Vinpearl Land Nam Hội An được xây dựng đan xen giữa những văn hóa cổ, hiện đại và thiên nhiên hoang dã.
Đến đây, bạn sẽ được trải nghiệm thế giới hiện đại với những trò chơi cảm giác mạnh – hiếm có trên thế giới như cú rơi thế kỷ từ độ rơi kỷ lục 85m, phi thuyền gió lốc Tourbillon, hay sân khấu nhạc nước hiện đại; được khám phá và “check- in” tại phố cổ Hội An, làng nghề truyền thống, khu nhà tròn, nhà rông Ba Na…; được tham quan khu vườn thú mở – Vinpearl Safari và còn rất nhiều điều nữa đang chờ đón bạn tại khu vui chơi này.
Giá vé tham quan Vinpearl Land Nam Hội An:
Giá vé sau 17h:
Công viên Văn hóa chủ đề Ấn tượng Hội An được xây dựng nằm trọn vẹn trên Cồn Hến - một cồn đất nằm giữa dòng sông Thu Bồn. Công viên chủ đề này được thiết kế và xây dựng vô cùng đặc sắc, tái tạo một cách chân thật nhất những hình ảnh kiến trúc, văn hóa và hoạt động giao thương, sinh hoạt của người dân bản xứ cùng với người dân đến từ nhiều quốc gia qua từng thời kỳ khác nhau. Bước qua khỏi cổng vào, bạn sẽ thấy như được bước vào hành trình ngược thời gian khám phá nét đặc sắc của mảnh đất thương cảng Hội An thế kỉ XVI- XVII một thời lừng danh.
Không chỉ có các phòng trưng bày mà còn có các trò chơi, gian hàng ẩm thực. Đặc biệt chương trình "Ký ức Hội An" gây ấn tượng với trang phục, đạo cụ, âm nhạc và vũ đạo đều rất đẹp và kỳ công.
Giá vé tham quan: 100.000 VNĐ/ người.
Không chỉ có phố cổ, mà Hội An còn có những bãi biển, những hòn đảo đẹp và hoang sơ vô cùng.
Bãi biển An Bàng nằm ở khu vực của phường Cẩm An, cách trung tâm thành phố Hội An chỉ 3 km và cách trung tâm thành phố Đà Nẵng hơn 22 km. Bãi cát ở biển An Bàng trắng mịn, nước biển thì trong xanh và sạch cùng với đó là không khí mát mẻ, không gian khoáng đạt, không quá xô bồ nhưng cũng chẳng quá buồn chán, vừa đủ để người ta cảm nhận sự thư thái đến ngỡ ngàng từ những gì biển cả đem lại.
Khu vực này cũng có rất nhiều nhà hàng hải sản tươi ngon với giá cả phải chăng, các dịch vụ đa dạng, phong phú gửi xe 10.000 VNĐ, thuê ghế ngồi 50.000 VNĐ/ ghế, nước ngọt bia các kiểu 10.000 - 30.000 VNĐ/ lon (chai), chỗ tắm tráng nước ngọt 5.000 VNĐ/ lần...
Biển Cửa Đại cách trung tâm phố cổ Hội An khoảng 5 km, là nơi sông Thu Bồn đổ ra biển lớn.Bãi biển cát trắng mịn trải dài. Cùng với An Bàng, Cửa Đại là bãi tắm nổi tiếng tại Hội An, tuy hiện nay bãi biển này đã bị sự xâm thực nặng của nước biển nhưng đến đây bạn vẫn sẽ cảm nhận được nét đẹp hoang sơ vốn có nó. Nếu chưa được hòa mình vào dòng nước biển trong xanh, mát lạnh ở nơi đây thì quả thật đây là một điều thiếu sót khi đến với Hội An.
Hà My thật sự là một bãi biển hoang sơ tuyệt đẹp, khách du lịch rất ít người biết đến địa điểm này, chủ yếu là dân địa phương đến tắm biển.
Cù Lao Chàm là một hòn đảo rất đẹp, nước biển trong xanh, bờ cát trắng tinh. Trên đảo còn khá hoang sơ và rất nhiều bãi biển tuyệt vời để ngắm cảnh cũng như tắm biển, ngoài đảo còn có rất nhiều san hô tuyệt đẹp thích hợp cho hoạt động lặn ngắm san hô nữa. Đến Cù Lao Chàm, bạn có thể đi đến các địa điểm như chùa Hải Tạng, giếng cổ Chăm, nhà bảo tàng, miếu tổ nghề Yến, chợ Tân Hiệp... Ngoài ra bạn còn được thưởng thức các đặc sản nơi đây như mực một nắng, cua đá, ốc vú nàng… Trải nghiệm ca nô siêu tốc đi ra đảo và trở về đất liền cũng là một trải nghiệm đầy thú vị và có đôi chút mạo hiểm.
Trong không gian cổ kính, yên bình ở Hội An, còn gì lãng mạn hơn việc được ngắm dòng người qua lại trên con phố nhỏ, nhấm nháp ly cafe ấm nóng, nghe vài bản nhạc quen. Chính vì thế, bạn đừng bỏ lỡ một trải nghiệm vô cùng tuyệt vời này khi đến thăm Hội An. Đi dạo xung quanh Hội An bạn có thể bắt gặp rất nhiều quán cafe, quán trà đẹp và thú vị như: Cocobox, Reaching Out Teahouse, The Chef, The Deckhouse An Bàng, The Expresso Station, Faifo Coffee, The Bird House Hoian… Bạn hãy chọn cho mình một quán cafe phù hợp, nhâm nhi một ly cafe, một tách trà ấm nóng, ngắm phố cổ và cảm nhận trọn vẹn vẻ đẹp nơi đây nhé.
Trải qua nhiều thế kỷ, những món ăn truyền thống ở Hội An vẫn được lưu giữ, bảo tồn cùng với bao thế hệ người dân phố cổ. Đến với Hội An thì chắc chắn các bạn không thể bỏ cơ hội được khám phá và thưởng thức những món ăn truyền thống, đặc sắc và nổi tiếng ở đây được đâu. Thậm chí có nhiều du khách đến Hội An với mục đích chính là để thử được hết các món ngon ở đây nữa cơ đấy.
Nước nhưng mì là tiếng địa phương hay còn gọi là nước dùng, nước lèo được làm bằng tôm, thịt heo hoặc thịt gà... rất đa dạng. Thịt ba chỉ sắt mỏng cho vào với tôm ướp gia vị rồi cho lên bếp xào cho thấm, rồi cho thêm mấy củ hành đổ vào nồi nấu cà chua. Nước nhưng mì không cần nhiều gia vị mà phải thơm và có vị ngọt. Mì Quảng rất dễ ăn và ăn nhiều cũng không bị ngán. Món ăn này được xem là cái hồn của ẩm thực xứ Quảng.
Ở Hội An, mì Quảng được bán ở khắp mọi nơi từ những quán ăn ven đường đến các nhà hàng sang trọng, trong đó mì Quảng Ông Hai, mì Quảng bà Linh, mì Quảng Hát… là những quán ăn được du khách và người dân địa phương đánh giá cao.
Cao lầu - món ăn độc đáo gắn liền với phố cổ Hội An. Tinh túy của món cao lầu là sợi mì được chế biến rất công phu. Đầu tiên gạo thơm đem ngâm vào nước tro để tạo ra được sợi mì có độ giòn dẻo và khô. Sau đó lọc kỹ xay thành bột. Tiếp tục dùng vải lọc nhiều lần cho bột dẻo, khô. Cán thành miếng, rồi xắt thành từng sợi rồi đem hấp chín rồi phơi khô để làm sợi mì.
Sợi mì được trụng với giá đỗ cho chín tới (không được quá mềm), đổ ra tô rồi xếp vài lát thịt xíu, da heo chiên giòn lên trên và thêm một muỗng mỡ heo rán vào. Khi ăn cao lầu cho cảm giác sần sật của sợi mì, giòn của da heo, đủ mùi vị chua cay đắng chát ngọt của rau sống.
Cao lầu Thanh, Cao lầu Không Gian Xanh, Cao lầu Liên… là những địa điểm thưởng thức cao lầu được yêu thích ở Hội An.
Đến Hội An bạn đừng bỏ lỡ dịp bỏ qua món cơm gà với cách chế biến và hương vị độc đáo riêng của người dân phố cổ. Cơm gà Hội An có những đặc trưng khác hẳn ở nhiều nơi. Thịt gà được xé nhỏ rải lên đĩa cơm với những lát hành tây trắng nõn rắc muối tiêu lấm chấm và nước sốt trộn nhiều tim, gan, cật gà vô cùng hấp dẫn. Người Hội An thích trộn các món ăn chính với món ăn kèm vào cùng một tô chén để dùng chứ không ăn riêng từng món như kiểu ăn của người Bắc. Cơm cũng được nấu chín bằng nước luộc gà vì thế khi chín hạt cơm ngả màu vàng óng có độ bóng mượt rất hấp dẫn.
Ở Hội An có rất nhiều nơi bán cơm gà, trong đó nổi tiếng nhất phải kể đến cơm gà Bà Buội, cơm gà bà Nga, cơm gà Xí Hội An, cơm gà Ty...
Nói đến món ăn dân dã ở Hội An thì không thể nào thiếu được món bánh đập. Bánh đập hay còn gọi là Bánh chập là một loại bánh khá phổ biến ở các tỉnh ven biển Miền Trung Việt Nam từ Quảng Nam đến Khánh Hòa nhưng nổi tiếng nhất vẫn là ở Hội An. Bánh đập là sự kết hợp lạ miệng của bánh ướt mềm mịn độ giòn tan của bánh tráng nướng. "Đập" được hiểu đơn giản là bánh phải được đập rồi mới ăn. Khi ăn, chấm bánh đập với mắm nêm chính gốc, chỉ nghĩ thôi là đã thấy thèm rồi.
Các bạn có thể thưởng thức món bánh này ở khắp mọi nơi trong phố cổ và nhiều nhất là ở trên đường Nguyễn Tri Phương.
Bánh hoa hồng trắng còn được gọi là bánh bao bánh vạc là một trong những loại bánh đặc sản, nổi tiếng nhất ở phố Hội. Do khi trình bày đĩa bánh được bày trí như một bông hồng trắng đang nở rộ nên các du khách thường gọi là bánh hoa hồng trắng. Nguyên liệu chính của món bánh này là bột gạo được làm từ loại gạo thơm, chắc hột nhất. Gạo được chế biến theo một công thức gia truyền để tạo ra được vỏ bánh ngon nhất. Phần nhân bánh gồm 2 loại, bánh bao là nhân tôm được giã nhuyễn, bánh vạc thì có nhân là thịt heo, nấm mèo, măng tre, giá đỗ, hành lá thái nhỏ… Khi ăn đem miếng bánh chấm với nước mắm chua ngọt, bạn sẽ cảm thấy vỏ bánh bao và bánh vạc rất dai, kèm với đó là mùi thơm béo của bột gạo, vị ngọt của nhân tôm, nhân thịt và cay cay của nước mắm.
Địa chỉ: 533 Hai Bà Trưng, Phường Cẩm Phổ, Hội An, Quảng Nam, Việt Nam
Bánh mỳ Phượng nổi tiếng ở Hội An thì ai cũng biết rồi. Bánh mì ở đây giòn, nhân thịt thơm với đủ loại topping, ổ bánh mì thập cẩm có giá 30.000 VNĐ ăn rất thơm và ngon thật sự. Những ai muốn ăn ngay tại quán nên chủ động đi vào bàn phía bên trong ngồi, có nhân phục vụ khá nhanh và chuyên nghiệp, xếp hàng bên ngoài chỉ dành cho khách mua mang về thôi. Ở trong bạn còn có thể gọi nhiều món hơn như cơm hoặc bánh xèo.
Địa chỉ: 2b Phan Chu Trinh, Cẩm Châu, Hội An, Quảng Nam, Việt Nam
Ngoài những món ăn được kể ở trên thì ở Hội An còn có rất nhiều món ăn ngon và đặc sắc khác như bánh xoài, bánh xèo Bá Lễ, nước mót, các loại chè, bánh mì Madam Khánh, bánh bèo, hến xào… để các thưởng thức khi đến với khu phố cổ này.
Khi đi du lịch ở bất cứ đâu thì vấn đề mua gì về làm quà cho gia đình, bạn bè và đồng nghiệp được rất nhiều du khách quan tâm. Khi đi du lịch Hội An, bạn có thể chọn những món quà lưu niệm đậm chất phố cổ như: đồ chạm khắc gỗ Kim Bồng, đèn lồng Hội An, lụa Hội An, tượng đồng Phước Kiều, gốm Thanh Hà, tò he, áo dài… hoặc các đặc sản nổi tiếng như tương ớt, bánh đậu xanh, bánh tổ, rượu Hồng Đào… để làm quà tặng cho mọi người nhé!
Trên đây là những kinh nghiệm hữu ích khi đi du lịch Hội An mà Cattour đã tìm hiểu và tổng hợp lại cho các bạn. Rất mong rằng bài viết này đã mang đến cho các bạn những thông tin hữu ích.
Tham khảo thêm các tour du lịch Hội An của Cattour để đến khám phá phố Hội cố kính bình yên ngay và luôn thôi nào.
Chúc các bạn có một chuyến du lịch Hội An vui vẻ và ý nghĩa!!!
Đoàn Thư / Cattour.vn - Ảnh: Internet
Xem thêm: Hội An
Để các bạn có một chuyến du xuân đầu năm thật thuận lợi, Cattour xin được chia sẻ với các bạn một số điều cần lưu ý khi đi du lịch Đà Nẵng dịp Tết Nguyên Đán nhé!
Lên lịch trình cho một chuyến du lịch luôn là một trong công việc cần thiết khi đi du lịch, nhất là du lịch tự túc. Nếu bạn đang có dự định đi du lịch Hội An 3 ngày 2 đêm nhưng chưa biết nên đi những điểm nào, lịch trình ra sao. Vậy thì hãy tham khảo ngay bài viết này nhé!
Hội An – điểm đến khiến bao du khách “thầm thương trộm nhớ” với vẻ đẹp cổ kính và bình yên. Nếu bạn chưa có cơ hội ghé thăm Hội An mà cũng đã lỡ “trót thương” mảnh đất đất này, vậy thì hãy đọc ngay bài viết này của Cattour để biết được các kinh nghiệm du lịch Hội An và lên kế hoạch đến địa điểm xinh đẹp này ngay thôi nào!
Du lịch Huế - Đà Nẵng – Hội An là 3 điểm đến tiêu biểu của dải đất miền Trung nắng gió. Và nếu như bạn cũng đang có ý định đi du lịch 3 điểm này mà chưa biết nên đi đâu, đi như thế nào, làm gì, ăn gì… thì hãy tham khảo ngay kinh nghiệm du lịch Huế - Đà Nẵng – Hội An ngay dưới đây nhé!
Hội An và Đà Nẵng là hai địa điểm du lịch vô cùng nổi tiếng ở miền Trung nước ta. Vậy bạn đã biết “Đà Nẵng và Hội An có gì đẹp”, “các điểm ăn chơi ở hai khu du lịch này là ở đâu” chưa??? Nếu chưa, thì còn chần chừ gì nữa mà không cùng Cattour khám phá ngay trong bài viết này!
Ngay phía nam Đà Nẵng là thành phố nhỏ màu vàng đặc biệt của Việt Nam – Hội An. Đó là một thành phố ven biển nằm trên cửa sông Thu Bồn thuộc địa phận tỉnh Quảng Nam. Mặc dù có những bãi biển đẹp nhưng khu phố cổ kính màu vàng mới là điều khiến du khách phải lòng Hội An.