Hội An luôn là một trong những điểm du lịch được nhiều du khách yêu thích nhất, người ta không chỉ đến Hội An 1 lần, 2 lần mà còn nhiều lần hơn nữa. Vậy Hội An có gì mà lại làm nhiều người xao xuyến đến vậy?
Hãy cũng Cattour.vn khám phá và tìm hiểu xem “Hội An có gì” nhé!
Đi dạo xung quanh phố Hội là một sự thú vị không thể bỏ khi đến với Hội An. Thật tuyệt vời khi được dạo bước trên những con đường nhỏ hay đi thuyền trên dòng sông Hoài thơ mộng với hai bên đường là những ngôi nhà tường vàng, cửa gỗ, mái đỏ rêu phong có tuổi đời lên đến hàng trăm năm được tô điểm bằng những hàng đèn lồng rực rỡ sắc màu. Khung cảnh bình yên ấy sẽ khiến bạn nhẹ nhàng, thư giãn, thoải mái hơn bao giờ hết, hãy bỏ lại hết tất cả những muộn phiền trong cuộc sống, sống chậm hơn khi dạo bước trên phố cổ. Trên hành trình tham quan, khám phá phố cổ bạn có thể ghé thăm một số ngôi nhà, ngôi chùa cổ, các bảo tàng ở đây.
Nhà Cổ Tấn Ký là một trong những ngôi nhà cổ ở Phố Hội. Với tuổi đời hơn 200 năm, trải qua nhiều thăng trầm lịch sử nhà cổ Tấn Ký vẫn giữ nguyên vẹn kiến trúc độc đáo từ khi xây dựng. Đây là nơi sinh sống và kinh doanh, buôn bán của dòng họ Lê.
Ngôi nhà được xây dựng chủ yếu từ gỗ, đá và gạch Bát Tràng được trang trí với nhiều bức hoành phi, liễn đối tuyệt đẹp cùng những họa tiết hoa lá, bút, sách... được điêu khắc tỉ mỉ và mang kiến trúc hình ống đặc trưng của khu đô thị cổ, trong nhà không có cửa sổ, nơi đón ánh sáng duy nhất là "giếng trời" ở khu vực giữa gian nhà.
Hiện nay trong nhà cổ Tấn Ký còn trưng bày một số cổ vật như Chén Khổng Tử, liễn đối "Bách Điểu", bình gốm cổ, bàn ủi con gà làm bằng đồng... để du khách có thể chiêm ngưỡng.
Địa chỉ: 101 Nguyễn Thái Học, Phường Minh An, Hội An, Quảng Nam, Việt Nam
Hội quán Triều Châu hay còn gọi là chùa Âm Bổn được Hoa kiều ở Triều Châu xây dựng vào năm 1845 làm nơi sinh hoạt cộng đồng và tín ngưỡng riêng của người Triều Châu ở Hội An. Hội quán thờ các vị thần chế ngự sóng gió, để cầu mong việc đi lại buôn bán trên biển được thuận buồm, xuôi gió.
Ngôi chùa này là một công trình kiến trúc được xây dựng bằng gỗ được chạm trổ tinh xảo với những họa tiết miêu tả các truyền thuyết dân gian và được trang trí bằng những tác phẩm đắp nổi bằng sành sứ tuyệt đẹp.
Địa chỉ: 362 Nguyễn Duy Hiệu, Cẩm Châu, Hội An, Quảng Nam, Việt Nam
Nhà cổ Phùng Hưng được xây dựng cách đây hơn 100 năm trong thời kỳ phát triển của thương cảng Hội An. Ngôi nhà thể hiện sự phát triển về kiến trúc và sự giao lưu giữa các phong cách kiến trúc Đông Á (Việt Nam, Nhật Bản và Trung Quốc) với nhau ở Hội An trong những thế kỷ trước.
Nhà cổ có kết cấu độc đáo với phần gác cao bằng gỗ và các hành lang rộng bao quanh là của người Trung Quốc. Mái nhà gian giữa theo kiểu mái “tứ hải” là kiến trúc Nhật. Còn lại là hệ thống sườn gỗ, xà ngang, xà dọc, mái truyền thống hai hướng ở gian trước và gian sau là của Việt Nam.
Hiện nay con cháu của người xây dựng căn nhà vẫn ở đây, và họ liên kết với ban quản lý phố cổ để khách vào tham quan.
Địa chỉ: 4 Nguyễn Thị Minh Khai, Phường Minh An, Hội An, Quảng Nam, Việt Nam
Hội quán Quảng Đông hay còn gọi là Chùa Quảng Triệu, vốn một thời là trung tâm hội họp quan trọng của người Hoa tại Hội An. Hội quán Quảng Đông được xây dựng vào cuối thế kỷ 18, do những Hoa Kiều đến từ Quảng Đông - Quảng Châu xây dựng.
Từng phần của tòa nhà được làm tại Trung Quốc, sau đó chuyển đến và ráp thành hình hoàn chỉnh tại Hội An. Ngay từ cổng tam quan, kiến trúc của tòa nhà đã nổi bật, thu hút du khách với những hình long, lân trang trí trên mái cổng, cùng những hình họa chạm khắc tinh xảo trên cột. Trong sân là đài phun nước cầu kỳ, với tượng rồng uốn lượn oai phong, trên những bức tường bao quanh sân là những bức họa đẹp.
Hội quán còn nhiều cổ vật quý giá khác, từ những pho tượng thờ, ghế ngồi bằng gốm sứ đến chiếc đỉnh đồng khổng lồ để thắp nhang thờ cúng.
Thoạt đầu nơi đây thờ Thiên Hậu Thánh Mẫu và Đức Khổng Tử, sau năm 1911 chuyển sang thờ Quan Công và Tiền Hiền. Hàng năm vào ngày Nguyên Tiêu, vía Quan Công (24 tháng 6 Âm lịch) tại đây diễn ra lễ hội rất linh đình thu hút nhiều người tham gia.
Địa chỉ: 176 Trần Phú, Phường Minh An, Hội An, Quảng Nam, Việt Nam
Nếu là một người có tâm hồn ăn uống thì chắc chắn bạn sẽ không thể bỏ qua cơ hội được thưởng thức các món ăn thơm ngon, hấp dẫn được bày bán ở trong khu chợ Hội An đâu.
Ngày xưa, khu chợ này là nơi trao đổi hàng hóa trong và ngoài nước tấp nập, sầm uất, nhộn nhịp. Hiện nay, khu chợ này bày bán rất nhiều các món ăn đặc sản của Hội An từ món ngọt đến món mặn, từ ăn sáng đến ăn tối. Có thể nói rằng chợ Hội An chính là thiên đường ẩm thực quy tụ tất cả món ngon, đặc sản của miền Trung, của Quảng Nam và đặc biệt là của Hội An.
Chợ nằm ở điểm giao của các con phố Trần Phú, Bạch Đằng và Nguyễn Thái Học, ngay ở trung tâm phố cổ. Bạn chỉ mất vài phút đi bộ là có thể đến với khu chợ này.
Địa chỉ: Cẩm Châu, Hội An, Quảng Nam, Việt Nam
Nằm trên trục đường Hai Bà Trưng, gần với chùa Cầu, chùa Bà Mụ là một trong những công trình kiến trúc tiêu biểu nằm trong chuỗi di tích Cẩm Hà cung - Hải Bình cung của cộng đồng người Minh Hương tại Hội An.
Trải qua quá trình lịch sử và biến thiên thời gian cùng nhiều nguyên nhân, di tích bị hủy hoại chỉ còn lại hạng mục cổng ra vào. Mới đây, di tích đã được trùng tu và đưa vào danh sách các địa điểm du lịch ở Hội An và trở thành một địa điểm check – in “hot” cho du khách khi đến với Hội An.
Địa chỉ: Phường Minh An, Hội An, Quảng Nam, Việt Nam
Chùa Cầu được xem như là một biểu tượng không thể thiếu của Hội An, đến Hội An mà chưa ghé thăm chùa Cầu thì là một thiếu sót vô cùng lớn. Đây là một công trình kiến trúc đặc biệt khi vừa là cầu lại vừa là chùa – 2 công trình tưởng chừng như không liên quan gì đến nhau lại có một mối quan hệ đặc biệt.
Vào thế kỉ 17 - 18, khi hoạt động giao thương ở bến cảng Hội An còn phát triển, những thương nhân Nhật Bản đã cho xây dựng cây cầu này để thuận tiện cho việc đi lại, buôn bán (lúc này người ta gọi là cầu Nhật Bản). Đến năm 1653, người ta dựng thêm phần chùa nối liền với lan can phía bắc của cây cầu từ đó người dân hay gọi là chùa Cầu.
Địa chỉ: Nguyễn Thị Minh Khai, Phường Minh An, Hội An, Quảng Nam, Việt Nam
Hội quán Phúc Kiến hay còn gọi là Chùa Kim An là hội quán to nhất trong số các hội quán của người Hoa tại Hội An. Được người Hoa có nguồn gốc từ Phúc Kiến xây dựng để làm nơi hội họp, giao thương, về sau, hội quán được dùng làm nơi thờ Thiên Hậu Thánh Mẫu, vị thần biển trong tín ngưỡng của họ.
Đến đây du khách sẽ được chiêm ngưỡng một tác phẩm kiến trúc tuyệt vời được chạm trổ rất tinh xảo và công phu.
Địa chỉ: 46 Trần Phú, Phường Minh An, Hội An, Quảng Nam, Việt Nam
Bảo tàng Văn hóa Sa Huỳnh Hội An là nơi trưng bày nhiều cổ vật, tư liệu về hệ văn hóa Sa Huỳnh – nền văn hóa đặc sắc có niên đại vài ngàn năm, đã từng có mặt ở miền đất Miền Trung nước ta. Cư dân Sa Huỳnh sống ở Việt Nam từ năm 1000 TCN đến thế kỷ thứ 2, được coi là những người đầu tiên định cư tại khu vực này.
Đến với Bảo tàng Văn hóa Sa Huỳnh, du khách sẽ được quan sát vũ khí thời tiền sử và các sản phẩm gốm vẽ nhiều màu sắc từ một trong những nền văn hóa bí ẩn nhất của Việt Nam. Điểm thu hút chính của bảo tàng là tập hợp hơn 200 chum mộ được bảo quản hoàn hảo. Những chiếc chum gốm nhỏ thường được trang trí bằng chữ viết và hoa văn biểu tượng của thời kỳ này.
Địa chỉ: 149 Trần Phú, Phường Minh An, Hội An, Quảng Nam, Việt Nam
Ngoài ra ở xung quanh phố cổ Hội An còn có rất nhiều địa điểm du lịch thú vị khác như Hội quán Dương Thương, Hội quán Hải Nam, bảo tàng văn hóa dân gian Hội An, Nhà thờ tộc Trần...
Rừng dừa 7 mẫu thuộc thôn 2, xã Cẩm Thanh Hội An.Cách phố cổ 3 km về phía Đông, xưa kia có khoảng 7 mẫu dừa nước nên có tên là Rừng dừa 7 mẫu, đến nay đã phát triển lên rộng hơn khá nhiều. Rừng là vùng sinh thái nước ngập mặn gần Cửa Đại nên rất phong phú thực vật, động vật nước lợ.
Dưới tán lá dừa cao vút, những chiếc thuyền nhỏ chở du khách như trôi giữa cao xanh vời vợi đầy cảm hứng, giúp mọi người tạm vơi đi những nhọc nhằn của cuộc sống xô bồ vất vả, chuẩn bị sức lực cho những ngày làm việc mới.
Ở Hội An không chỉ có những khu phố cổ yên bình mà còn có những bãi biển đẹp hớp hồn du khách. Thật thoải mái làm sao khi được đi dạo trên bãi cát mềm mịn, được ngâm mình trong nước biển trong veo mát lạnh sau những giờ làm việc căng thẳng phải không nào?
Tại Hội An, không chỉ có 1 mà có đến tận 3 bãi biển siêu đẹp, mát rượi cho bạn tha hồ vũng vẫy trong đại dương bao la. Đó là bãi biển Cửa Đại đông vui, tấp nập; là bãi biển An Bàng đẹp và thanh bình và bãi biển Hà My hoang sơ tĩnh lặng.
Thông tin chi tiết về các bãi biển ở Hội An: Lập team đến quẩy tưng bừng ở những bãi biển Hội An xanh, sạch, đẹp
Nhắc đến Hội An người ta cũng không thể không nhắc đến Cù Lao Chàm - một cụm đảo (bao gồm 8 đảo nhỏ là Hòn Lao, Hòn Dài, Hòn Mồ, Hòn Khô Mẹ, Hòn Khô Con, Hòn Lá, Hòn Tai, Hòn Ông), về mặt hành chính trực thuộc xã đảo Tân Hiệp, thành phố Hội An, tỉnh Quảng Nam, nằm cách bờ biển Cửa Đại khoảng 15 km.
Trong những năm gần đây, Cùa Lao Chàm luôn là một địa điểm thu hút khách du lịch khi đến Hội An bởi vẻ đẹp hoang sơ, trong lành, hệ thống động thực vật đa dạng phong phú, đặc biệt là những rặng san hô tuyệt đẹp.
Thông tin hữu ích: Từ Hội An đi Cù Lao Chàm chưa bao giờ dễ như thế với bí kíp “độc môn”
Ngoài ra, khi đến với Hội An bạn còn có cơ hội vui chơi thả ga ở các khu vui chơi và công viên vô cùng thú vị không kém gì ở Nha Trang hay Đà Nẵng đâu nhé.
Đầu tiên phải kế đến đó là khu vui chơi giải trí Vinpearl Land Nam Hội An với vô vàn các trò chơi hấp dẫn và các hoạt động vui nhộn thú vị.
Từ khu vui chơi trong nhà với 95 trò chơi điện tử và trò chơi gia đình; đến 20 trò chơi ấn tượng ở khu vui chơi ngoài trời; thế giới nước mát lạnh với đường trượt lốc xoáy Tornado, đường trượt Bomerang, sông lười... hay khám phá thế giới tự nhiên từ trên du thuyền trên sông với River Safari - công viên động vật phiên bản du khảo bằng đường thủy đầu tiên và duy nhất tại Việt Nam... tất cả đã tạo nên một thiên đường vui chơi giải trí hấp dẫn hơn bao giờ hết tại Hội An.
Thông tin chi tiết về Vinpearl Land Nam Hội An được tổng hợp trong bài viết: Quẩy hết sức, chơi hết mình tại thiên đường vui chơi Vinpearl Land Nam Hội An
Công viên chủ đề "Ấn tượng Hội An" nhằm tái tạo lại hình ảnh văn hóa, kiến trúc, con người các nước qua các thời kỳ, không chỉ nhắc lại giá trị lịch sử cũ mà còn là dấu ấn, câu chuyện để quảng bá du lịch về con người Hội An tới khắp Năm Châu.
Đặc biệt, ở công viên này còn diễn ra một chương trình biểu diễn thực cảnh "Ký ức Hội An" quy mô lớn nhất từ trước đến nay tại Việt Nam. Bạn sẽ được trải nghiệm một Hội An trong không gian văn hóa, lịch sử sống động thông qua các kỹ thuật hiện đại bậc nhất về hiệu ứng âm thanh, ánh sáng... Show diễn ngoài trời trên phạm vi khoảng 10 ha, kéo dài hơn 1 km; sân khấu gồm sông Hoài và phố cổ hai bên bờ sông với khoảng 2,5 ha, hơn 500 diễn viên, chủ yếu người dân bản địa.
Công viên sẽ đưa du khách “vượt thời gian” trở về thời khắc diễn ra những sự kiện nổi bật, để gặp gỡ các nhân vật có ảnh hưởng lớn trong lịch sử phố Hội như bà chúa Tằm Tang, thương nhân Araki Sotaro, Công chúa Ngọc Hoa, ông Trại Hò đánh hổ...
Không giống bất cứ hình thức công viên giải trí nào từng có mặt tại Việt Nam, công viên Ấn Tượng Hội An được coi là điểm đến hoàn hảo cho những người muốn trải nghiệm trọn vẹn vẻ đẹp văn hóa vật chất và tinh thần của Đô thị cổ Hội An.
Mì Quảng và cao lầu là hai món ăn đặc sản không thể không nhắc đến khi nói về ẩm thực Hội An. Đến Hội An bạn có thể bắt gặp 2 món ăn này mọi nơi mọi lúc, từ các quán ăn vỉa hè bình dân đến các nhà hàng sang trọng, từ bữa sáng, bữa trưa cho đến bữa tối.
Nếu mới chỉ nghe hay nhìn qua hai món ăn này bạn sẽ rất khó để phân biệt chúng với nhau, nhưng chỉ cần thưởng thức qua thôi bạn sẽ thấy rằng chúng hoàn toàn khác nhau, nếu mỳ Quảng thanh ngọt sợi mì mềm với nhiều loại nhân khác nhau (thịt, tôm, cá, gà) thì cao lầu lại đậm đà như món kho với nhân thịt xá xíu, sợi mì cứng và giòn hơn.
Đến Hội An bạn nhất định phải thưởng thức hai món ăn đặc biệt này để cảm nhận một cách rõ nét nhất về ẩm thực nơi phố Hội.
Để biết thêm chi tiết về 2 món ăn đặc sản Hội An này, bạn hãy đọc ngay: Mỳ Quảng và cao lầu hai món ăn khác nhau những dễ gây nhầm lẫn ở Hội An
Một món ăn khác không thể không thử khi đến Hội An đó là cơm gà. Cơm gà Hội An là một món ăn rất được lòng người dân địa phương và du khách bởi hương vị tinh tế của nó.
Một đĩa cơm gà Hội An được gọi là ngon đúng chuẩn thì cần phải đảm bảo được độ tơi mà không quá khô, mền dẻo mà không quá nát, thơm từ hạt gạo; thịt gà chắc mà không dai, mềm nhưng không bở; đu đủ chua ngọt vừa phải giữ được độ giòn; vị béo ngây của nước sốt; đắng, cay của rau răm và tương ớt. Mỗi quán ăn có thể đưa vào những bí quyết riêng của mình nhưng phải đảm bảo được các yếu tố quan trọng trên.
Xem ngay: 10 quán cơm gà Hội An ngon nhất phố cổ
Chỉ là một món ăn dân dã, bình dị nhưng cũng chính vị sự bình dị ấy mà bánh đập, hến xào cứ từ từ đi vào lòng người dân và du khách một cách sâu đậm nhất. Không phải là một món cao lương mỹ vị, không được làm từ những loại nguyên liệu hiếm có khó tìm gì nhưng bánh đập, hến xào lại sở hữu hương vị thơm ngon, lạ miệng.
Bánh đập gồm hai lớp bánh tráng nướng kẹp một lớp bánh ướt ở giữa. Khi ăn, người ta thường đập ra nên gọi là bánh đập. Còn hến xào, như tên gọi, nguyên liệu chính của hến xào là thịt hến. Tại khu vực Cẩm Nam gần Phố Cổ có Cồn Hến rất nổi tiếng. Hến tại đây tuy kích thước nhỏ nhưng thịt vừa chắc, lại vừa ngọt và ngon.
Khi dùng bánh đập, bạn sẽ cảm nhận được sự giòn tan của lớp bánh tráng nướng, quyện cùng sự dai dai, dẻo dẻo, mềm mền của lớp bánh ướt bên trong. Hến xào với vị ngọt ngọt, mặn mặn, cay cay, khi ăn cùng bánh đập chấm thêm một chút nước chấm thì quả là một sự kết hợp hoàn hảo.
Bạn có thể bắt gặp những chiếc bánh mì kẹp ở bất cứ đâu ở Việt Nam nhưng có thể nói rằng bánh mì Hội An là những chiếc bánh mì nổi tiếng nhất không chỉ ở Việt Nam mà cả trên thế giới. Ở phố cổ Hội An có rất nhiều hàng bánh mì nổi tiếng như bánh mì Phượng, bánh mì Queen Madam Khánh, bánh mì Bích... mỗi quán đều có những hương vị riêng rất đặc trưng nhưng đều có những điểm giống nhau là vỏ bánh giòn tan, phần nhân đầy đặn và nước sốt đậm đà, thơm ngon không thể cưỡng nổi.
Bánh bao, bánh vạc lá hai món bánh khác nhau nhưng thường được đặt chung cùng một đĩa và ăn cùng với nước chấm chua ngọt. Hai loại bánh này còn được gọi chung với một cái tên xinh đẹp là hoa hồng trắng bởi chúng đều có một lớp vỏ trắng bằng bột gạo trông như những bông hoa hồng và chỉ khác nhau về phần nhân bánh. Trong khi bánh bao có phần nhân là thịt lợn và mộc nhĩ thì bánh vác lại có phần nhân làm từ tôm tươi kết hợp với một số loại gia vị khác.
Bánh bao và bánh vạc là một cặp đôi không thể thiếu trong ẩm thực Hội An.
Không chỉ có đồ ăn mà đồ uống ở Hội An cũng được đánh giá rất cao với những loại nước thảo mộc, những loại trà thơm ngon, mát lành; những cốc cafe đậm đà hương vị; những ly nước ép, sinh tố thơm ngọt, bổ dưỡng.
Hơn thế nữa, mỗi quán cafe ở đây lại có một nét đẹp riêng vô cùng hấp dẫn. Đó là The Chef, Faifo Café với ban công có thể ngắm nhìn toàn cảnh phố cổ từ trên cao; là Reaching Out teahouse yên tĩnh và thanh bình; là The Deckhouse An Bàng bên bãi biển xinh đẹp... vân vân và mây mây các quán cafe, quán trà độc đáo khác ở phố cổ Hội An.
Thông tin chi tiết về các quán cafe: Gọi tên 10 quán cafe xinh yêu nhất định phải ghé thăm ở Hội An
Vào thế kỷ 16, 17, Thanh Hà là một ngôi làng rất thịnh đạt, nổi tiếng về các mặt hàng gốm, đất nung được trao đổi, bán buôn khắp các tỉnh miền Trung Việt Nam. Nghề gốm của làng có nguồn gốc xuất xứ từ Thanh Hóa, sau khi tiếp thu được một số vốn liếng kỹ thuật thì đã hình thành làng gốm như ngày nay. Sản phẩm chủ yếu là các đồ dùng phục vụ đời sống sinh hoạt hàng ngày như chén, bát, chum, vại, bình hoa, chậu cảnh, hình thù các con giống… mang nhiều kiểu dáng, màu sắc rất phong phú và đặc biệt nhẹ hơn so với các sản phẩm cùng loại của địa phương khác.
Đến đây bạn sẽ có cơ hội trực tiếp trải nghiệm việc làm gốm và mua quà lưu niệm cho người thân với giá rất rẻ.
Địa chỉ: Phạm Phán, Thanh Hà, Hội An, Quảng Nam, Việt Nam
Làng Trà Quế là một trong những vùng đất được khai phá cách đây hơn 400 năm, nằm cách khu phố cổ Hội An khoảng 3 km về phía Đông Bắc. Trải qua nhiều năm, người dân Trà Quế đã chuyển từ nghề chài lưới trên sông Đế Võng thành những nông dân một nắng hai sương trên cánh đồng làng và khai sinh nên nghề trồng rau nổi tiếng của vùng đất Hội An.
Đến với làng quê này, bạn sẽ được người dân nơi đây hướng dẫn cuốc đất, vun luống, bón phân, gieo hạt, trồng rau và học chế biến các món ăn từ sản phẩm rau tại làng nghề như những người nông dân thực sự.
Địa chỉ: Cẩm Hà, Hội An, Quảng Nam, Việt Nam
Làng mộc Kim Bồng là một làng nghề truyền thống về nghề mộc (xây dựng nhà cửa và đóng tàu) ở Hội An. Cùng với sự phát triển du lịch, một bộ phận nghệ nhân mộc Kim Bồng chuyển sang làm mộc mỹ nghệ để phục vụ khách du lịch. Đến đây bạn có thể đạp xe quanh khu làng với những nếp nhà ẩn mình bên hàng tre xanh đầy bóng mát, trải nghiệm cuộc sống đời thường của cư dân địa phương, tìm hiểu về nghề mộc và mua một vài món đồ gỗ về làm quá hoặc trang trí.
Địa chỉ: Đường Nông Thôn, Thôn Trung Hà, Xã Cẩm Kim, Cẩm Kim, Hội An, Quảng Nam, Việt Nam
Làng đúc đồng Phước Kiều đã tồn tại với truyền thống hơn 400 năm nay và là một trong những làng nghề đúc đồng ở Quảng Nam có tuổi thọ cao nhất. Làng nghề đúc đồng vẫn luôn đỏ lửa hơn 400 năm nay là minh chứng tiêu biểu nhất cho sự bền bỉ, sức sống mãnh liệt có giá trị văn hóa lịch sử đối với địa phương.
Địa chỉ: Điện Phương, Điện Bàn, Quảng Nam, Việt Nam
Đến với Hội An, sẽ là một sự thiếu sót nếu bạn không ghé thăm các làng nghề nơi đây.
Qua bài viết này bạn đã biết “Hội An có gì” rồi, không chỉ có một hay một vài những điều hấp dẫn mà có vô số những điều hay ho đang chờ đón bạn ở Hội An.
Vậy thì còn chàn chừ gì nữa mà không đặt ngay 1 tour du lịch Hội An hay 1 combo Free&Easy Hội An của Cattour để đến với vùng đất thú vị này ngay thôi.
Chúc bạn có một chuyến du lịch Hội An vui vẻ và đáng nhớ!!!
Đoàn Thư / Cattour.vn - Ảnh: Internet
Xem thêm: Hội An
Để các bạn có một chuyến du xuân đầu năm thật thuận lợi, Cattour xin được chia sẻ với các bạn một số điều cần lưu ý khi đi du lịch Đà Nẵng dịp Tết Nguyên Đán nhé!
Lên lịch trình cho một chuyến du lịch luôn là một trong công việc cần thiết khi đi du lịch, nhất là du lịch tự túc. Nếu bạn đang có dự định đi du lịch Hội An 3 ngày 2 đêm nhưng chưa biết nên đi những điểm nào, lịch trình ra sao. Vậy thì hãy tham khảo ngay bài viết này nhé!
Hội An – điểm đến khiến bao du khách “thầm thương trộm nhớ” với vẻ đẹp cổ kính và bình yên. Nếu bạn chưa có cơ hội ghé thăm Hội An mà cũng đã lỡ “trót thương” mảnh đất đất này, vậy thì hãy đọc ngay bài viết này của Cattour để biết được các kinh nghiệm du lịch Hội An và lên kế hoạch đến địa điểm xinh đẹp này ngay thôi nào!
Du lịch Huế - Đà Nẵng – Hội An là 3 điểm đến tiêu biểu của dải đất miền Trung nắng gió. Và nếu như bạn cũng đang có ý định đi du lịch 3 điểm này mà chưa biết nên đi đâu, đi như thế nào, làm gì, ăn gì… thì hãy tham khảo ngay kinh nghiệm du lịch Huế - Đà Nẵng – Hội An ngay dưới đây nhé!
Hội An và Đà Nẵng là hai địa điểm du lịch vô cùng nổi tiếng ở miền Trung nước ta. Vậy bạn đã biết “Đà Nẵng và Hội An có gì đẹp”, “các điểm ăn chơi ở hai khu du lịch này là ở đâu” chưa??? Nếu chưa, thì còn chần chừ gì nữa mà không cùng Cattour khám phá ngay trong bài viết này!
Ngay phía nam Đà Nẵng là thành phố nhỏ màu vàng đặc biệt của Việt Nam – Hội An. Đó là một thành phố ven biển nằm trên cửa sông Thu Bồn thuộc địa phận tỉnh Quảng Nam. Mặc dù có những bãi biển đẹp nhưng khu phố cổ kính màu vàng mới là điều khiến du khách phải lòng Hội An.